Đi tìm cái chết êm ái

23/11/2004 22:39 GMT+7

Những người yêu cuộc sống đến Thụy Sĩ để được ngắm cảnh núi non điệp trùng. Những ai muốn dứt bỏ cuộc sống lại đến Thụy Sĩ để tìm cánh cửa đi vào cõi chết.

Lý do để chết

Những ngày đầu năm 2002, bà Jenny Kamer ở Zurich trở về nhà sau một thời gian dài nằm viện. Bà mắc một chứng bệnh đường ruột nan y và các bác sĩ đã phải dùng phương pháp hóa liệu để kéo dài sự sống cũng như giảm đau đớn cho bà. Trở về nhà, Kamer quả quyết với gia đình rằng bà sẽ nhờ Tổ chức Dignitas tại Zurich giúp mình được chết một cách êm ái. "Biết nói sao với những người thân, đặc biệt là lũ trẻ, về ý định của mình. Tôi đã chết dần chết mòn suốt 10 năm mang bệnh. Tôi không thể chịu đựng thêm. Vấn đề bây giờ là chọn một ngày thích hợp" - Kamer phân bua. Cậu con trai 18 tuổi, Steve, nắm lấy tay mẹ như muốn chia sẻ: "Đó là cơ thể của mẹ tôi, bà đang đau đớn. Tôi buồn vì không thể cứu sống bà nhưng tôi tôn trọng ý kiến của bà". Vượt qua vấn đề gia đình, Kamer trả 19 USD cho Dignitas rồi đến sinh hoạt trong một nhóm người cùng cảnh ngộ để chuẩn bị tinh thần cho ngày ra đi.

Tháng 1/2003, ông Reginald Crew, 74 tuổi, từ thành phố Liverpool của nước Anh cũng tìm đến Dignitas. "Tôi không thể tiếp tục sống như thế này. Ở nước Anh luật pháp không cho phép nên tôi phải đến Thụy Sĩ" - Crew giải thích trên đài BBC trước chuyến du lịch vào cõi vĩnh hằng. Tại Zurich, các bác sĩ xác minh Crew mắc bệnh nan y và vẫn đủ sáng suốt để đưa ra quyết định. Thế là "chuyến du lịch" bắt đầu. Nữ y tá Erica Lully mang đến cho ông một viên thuốc rồi thì thầm: "Đây là ngày cuối cùng của ngài và đây là ly nước cuối cùng mà ngài uống. Sau đó, mọi thứ sẽ kết thúc. Ngài sẽ ngủ độ 2 đến 5 phút trước khi ra đi vĩnh viễn”. Crew mỉm cười, đưa mắt nhìn người vợ già bên cạnh rồi nhẹ nhàng đón ly nước và viên thuốc từ cô y tá. Ông ra đi thanh thản, kết thúc những tháng ngày quằn quại trong đau đớn, bệnh tật. Lệ phí thực hiện cái chết này là 84 USD.

Kamer và Crew là hai trong số hàng trăm người mắc bệnh nan y tìm đến Dignitas để có được cái chết êm ái.

Bàn tay dịu dàng của tử thần

Dignitas do luật sư Ludwig Minelli thành lập năm 1998, chuyên giúp những người "có lý do chính đáng để chết" được chết. Từ năm 1999, Dignitas là tổ chức duy nhất tại Thụy Sĩ có "phục vụ" khách hàng nước ngoài. Minelli quả quyết hoạt động này không vi phạm pháp luật, ở một góc độ nào đó, nó còn là một hành động nhân đạo.

Tại Thụy Sĩ, Dignitas không đơn độc bởi còn có 3 công ty khác chuyên kinh doanh "dịch vụ chết". Theo thống kê, mỗi năm các công ty nhận khoảng 1.800 đơn đặt hàng. Hai phần ba số đơn bị từ chối sau khi tiến hành các thủ tục kiểm tra. Khoảng 300 khách hàng chết vì những lý do khác; 300 người còn lại, tức chiếm khoảng 0,45% số người chết mỗi năm tại Thụy Sĩ, sử dụng dịch vụ "cái chết ngọt ngào". Hãng tin AFP cho biết, năm 2000, Dignitas "giúp" 3 người chết. Con số này tăng dần lên: năm 2001 là 27 người; năm 2002 là 55 và năm 2003 là 91. Riêng năm 2002, số người nước ngoài "được" chết tại Dignitas lên tới con số 39. Khách ngoại quốc tìm đến Dignitas chủ yếu vì luật pháp nước họ cấm "cái chết ngọt ngào". Ở châu u, Hà Lan và Bỉ cũng không cấm hoạt động trên nhưng có lẽ không nơi nào thoáng bằng Thụy Sĩ. Thế nên, đất nước nằm trên cao nguyên Trung u đã trở thành điểm đến của "du lịch chết chóc" (Death Tour).

Thần chết phạm luật?

Luật pháp Thụy Sĩ quy định: "Những ai khuyến khích người khác tự tử hoặc giúp những người không có khả năng tự đưa ra quyết định tự tử thực hiện việc tự tử sẽ bị phạt tù đến 5 năm mỗi khi hành vi tự tử hoàn tất”.

Dựa trên quy định này, Dignitas có đủ lý lẽ để tồn tại, nhưng những người chống họ cũng có đủ lý do để công kích. "Hành động giúp người khác tự tử là trái với đạo đức, nhất là những trường hợp bị bệnh thần kinh" - Giáo sư T.Schlapfer thuộc Bệnh viện Đại học Bern nhận xét. Một số tổ chức tại Thụy Sĩ đang đấu tranh kêu gọi chính phủ ngăn chặn "cái chết ngọt ngào", họ cho rằng các tổ chức như Dignitas đã "giết chết" một số bệnh nhân không có khả năng tự quyết định, những người đang gặp vấn đề về thần kinh. Một số khác muốn chấm dứt hoạt động này vì lo ngại Thụy Sĩ sẽ trở thành điểm đến của "Death Tour". Tuy nhiên, Dignitas và các công ty cùng lĩnh vực vẫn tồn tại. Trên thực tế, luật pháp vẫn được tôn trọng trong các "dịch vụ chết". Mỗi lần "giúp" các bệnh nhân, Dignitas không quên mời người thân của họ, các quan chức chính quyền và báo giới chứng kiến. Thế nên câu khẩu hiệu "Sống đàng hoàng, chết bình yên!" của Dignitas vẫn "ưỡn ngực" trên một góc phố tại Zurich suốt 6 năm qua.

Đỗ Hùng
(Theo SwissInfo, NRLC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.