Thờ ơ với nỗi khổ học trò

26/10/2007 22:07 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu, TP Cà Mau đã tỏ ra khá ngạc nhiên khi chúng tôi cho ông xem những tấm ảnh chụp cảnh hư hỏng của khu nhà vệ sinh của trường mà ông đang quản lý! Ông bảo: "Trường còn nhiều việc phải làm, mà phải ưu tiên cái mặt tiền trước!". Còn ông Tăng Đăng Khoa - Hiệu trưởng trường tiểu học Lạc Long Quân, phường 7, TP Cà Mau lại điềm nhiên nói: "...học sinh không biết ngại. Có khi túng quá, các cháu còn “đứng” ngay sân trường, có sao?!".

Hai "anh Tổng" nói có, thiếu nhi nói không!

Anh Đào Văn Thế, Tổng phụ trách Đội trường THCS Nguyễn Thái Bình, phường 5, TP Cà Mau cho biết: Đội đã có nhiều hoạt động nhằm xây dựng ý thức của các đội viên, học sinh trong trường. Liên đội của trường có Đội phát thanh măng non, thường phổ biến các quy định vệ sinh cho từng học sinh trong các giờ giải lao. Tại tất cả các lớp đều đưa việc giáo dục nền nếp, giữ sạch khu nhà vệ sinh trong đầu tiết học. Các học sinh vi phạm, bị đội "cờ đỏ" phát hiện sẽ bị nhắc trước lớp, nếu vi phạm nhiều thì bị nhắc dưới cờ...

Anh Nguyễn Tiến Sỹ, Tổng phụ trách Đội trường THCS Võ Thị Sáu, TP Cà Mau cũng nói Đội đã triển khai cho 1.410 học sinh của trường "giữ nếp sống sạch trong trường học". Hay qua các trương trình "phát thanh măng non" phát vào thứ ba, năm, bảy hằng tuần cũng đã đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, những gì mà 2 anh Tổng phụ trách trên nói là hoàn toàn khác với thực tế mà chúng tôi đã ghi nhận ở 2 trường. Tại trường THCS Nguyễn Thái Bình, nhiều học sinh đã lắc đầu và bảo "dơ" khi tôi hỏi đến nhà vệ sinh. Một học sinh tên T. ở lớp 8 ngây thơ nói: "Trong các buổi sinh hoạt của Đội không nói gì đến giữ sạch trong nhà vệ sinh cả". Còn tại trường THCS Võ Thị Sáu, nhà vệ sinh có 4 phòng thì cả 4 phòng đều trống huơ, trống hoác; cửa thì sứt rời ra ngoài, cửa thì không còn nguyên vẹn.

Hiệu trưởng thờ ơ

Anh Nguyễn Lam, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư:  Các chi Đoàn, Hội, Đội phải vào cuộc ngay !

Trách nhiệm của tổ chức Đoàn - Đội là cùng với nhà trường và gia đình tuyên truyền, giáo dục cho các em thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống. Hội đồng Đội T.Ư đã ban hành 13 chuyên hiệu Đội TNTP Hồ Chí Minh, trong đó có chuyên hiệu riêng nói về giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi công cộng. Qua sự việc Báo Thanh Niên nêu, tôi cho rằng, các chi Đoàn, Hội, Đội phải vào cuộc ngay. Những vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện "5 điều Bác Hồ dạy" phải rõ ràng cụ thể. Ngoài vệ sinh cổng trường, sân trường, vườn trường, các chi Đội cũng cần giáo dục các em ý thức giữ gìn vệ sinh tại nhà vệ sinh. Có thể thông qua các buổi lao động tập thể, giáo dục ý thức lao động, tham gia giữ gìn vệ sinh; tổ chức cho các em học sinh tham gia các buổi vệ sinh hằng tuần.

Thu Hằng (ghi)

Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu tỏ ra ngạc nhiên khi tôi hỏi về tình trạng nhà vệ sinh cho học sinh của trường! Ông nói: "Nhà vệ sinh trong trường không chỉ để cho học sinh của trường mà còn có cả dân bên ngoài đi bằng đường cổng sau vào. Cũng có khi các em "hiếu kỳ" làm hư. Lãnh đạo trường biết việc này đã lâu, nhưng còn nhiều việc phải làm, phải ưu tiên cái mặt tiền trước"! Nói như ông Vinh thì việc gắn cánh cửa cho nhà vệ sinh trong trường học cũng chưa hẳn là đơn giản... Nỗi khổ của cả ngàn học sinh trường THCS Võ Thị Sáu có lẽ vì thế mà phải đợi...

Trường Tiểu học Lạc Long Quân, phường 7, TP Cà Mau có 529 học sinh nhưng chỉ có 1 phòng vệ sinh cho nam và 1 phòng cho nữ. Giải thích về việc này, ông Tăng Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: "Học sinh tiểu học không cần phân biệt, không cần “cữ” vì học sinh không biết ngại. Có khi "túng" quá các cháu còn "đứng" ngay sân trường làm việc đó, có sao?!". Có thể do học sinh "không biết ngại", có thể "làm" ngay tại sân trường như lời của Hiệu trưởng, nên 3 phòng vệ sinh của trường được xây từ năm 1999 đã dùng làm nơi đổ rác, ngay khu ra vào nhà vệ sinh của học trò!

Tại trường Tiểu học phường 9, khu A, cảnh ẩm thấp, xộc xệch của nhà vệ sinh cũng đang là nỗi khổ của trên 300 học sinh tại đây. Em V., học sinh lớp 3 của trường nói: "Do nhà vệ sinh không có cửa, lại dơ nên nhiều bạn nữ không dám đi". Hiệu trưởng Quách Tấn Tài của trường Tiểu học phường 9, TP Cà Mau nói: "Học sinh nhỏ không biết phá phách đâu, cũng do các hộ dân lân cận đến dùng chung, nên...".

Ý thức về chuyện nhà vệ sinh đối với một số người quản lý giáo dục và phụ trách thiếu nhi còn thờ ơ thì chẳng trách việc giáo dục ý thức cho các em bị buông lỏng cũng là điều dễ hiểu! Trong 5 điều Bác Hồ dạy, có điều: "Giữ gìn vệ sinh thật tốt", chẳng lẽ những thầy, cô này không nhớ? Câu hỏi này dành cho Sở Giáo dục - Đào tạo và Hội đồng Đội tỉnh Cà Mau trả lời?

Lập diễn đàn bàn... chuyện vệ sinh

Đoàn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) lập hẳn một diễn đàn (ddhsonline.com) vừa đăng tải thông tin hoạt động của nhà trường, vừa để cho học sinh phản ánh các vấn đề liên quan đến dạy - học và có quyền nêu ý kiến khen chê về khâu vệ sinh học đường. Qua kênh thông tin này, nhà trường đã kịp thời chấn chỉnh những mặt còn hạn chế để phục vụ công tác chuyên môn ngày càng tốt hơn. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 719 học sinh nhưng được bố trí đến 60 toa-lét (bình quân 12 em sử dụng 1 toa-lét). Một học sinh bày tỏ: "Cơ sở vật chất tốt cộng với ý thức gìn giữ của người sử dụng nên các khu nhà vệ sinh của trường luôn sạch sẽ, thoải mái như ở nhà hay như ở các nhà hàng, khách sạn".

Đình Phú 

         T.Tr

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.