Muốn nên sự nghiệp lớn

28/12/2008 00:53 GMT+7

Đó là hai câu thơ của Bác Hồ - Nguyễn Ái Quốc: “Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”. Trước giờ bóng lăn của “hiệp 2” - trận lượt về chung kết AFF Cup - xin mượn hai câu thơ này để chúc đội tuyển chúng ta “chân cứng đá mềm”.

Chức vô địch thì ai chả muốn! Chúng ta khát cái danh hiệu này đã 10 năm, còn người Thái, không phải họ đã “chán” cái danh hiệu này đến mức chơi được chăng hay chớ. Họ sẽ chơi hết mình, tung mọi chiêu thức có thể mà một đội bóng đẳng cấp nhất khu vực Đông Nam Á tích lũy được từ bao nhiêu năm nay. Khát vọng vô địch, vì thế, vẫn là 50-50.

Chúng ta được chơi trên sân nhà, người Thái lại có cái thảnh thơi của người không còn gì để mất, lại tránh được cái áp lực phải thắng từ chính đồng bào mình, cổ động viên của mình. Như thế, dù sân nhà hay sân khách, áp lực vẫn là 50-50. Nhưng một khi bóng lăn, thì phía trước cầu thủ hai đội chỉ còn trái bóng, chỉ còn đối thủ, và không còn gì hết! Tuyển Việt Nam, từ huấn luyện viên trưởng tới mỗi cầu thủ đều phải có được tâm lý “xả” và “quên” như thế khi bước vào trận đấu. Với Thái Lan hay với bất cứ đối thủ nào, cũng thế thôi!

Bây giờ, trước giờ bóng lăn, mà cứ nói mãi chuyện tiền thưởng năm tỉ mười tỉ, chuyện sẽ vô địch thế nào, thì chỉ có đưa đội bóng vào thất bại! Phải quên, quên hết! Tôi nghĩ, ông Calisto đã “ngộ” điều này, và ông đã trao truyền cho học trò mình “công án” này, để toàn đội thảnh thơi vào trận. Lúc bấy giờ, thì dẫu trong lòng là lò lửa, thì bề ngoài vẫn lạnh băng. Cái tỉnh táo của lý trí sẽ nhân lên cái sục sôi của cảm xúc, của tình cảm, và sẽ khiến mỗi cầu thủ chơi quả cảm nhưng không cay cú, chơi mạnh mẽ nhưng không thô bạo, và luôn biết tự mình điều chỉnh để những hành động bột phát quá đà không xảy ra, dẫn tới những quả phạt chết người.

Đội tuyển VN của ông Calisto bây giờ là đội bóng biết tự nhìn nhận mình, biết tự kiểm điểm mình, và biết tự vượt lên chính mình. Tính được điểm rơi phong độ là tài của huấn luyện viên trưởng, nhưng phong độ không tự đến, mà phải qua những trận cầu đầy giằng xé, kể cả những trận cầu thất bại mới dần dần có được, và phong độ cầu thủ là do chính họ tích lũy, cần mẫn khổ nhọc tích lũy để đạt tới. Và khi phong độ tới, thì sẽ xuất hiện những khoảnh khắc xuất thần. Trong bóng đá, cũng như trong nghệ thuật, luôn luôn là vậy. Khi đó, cầu thủ chính là chủ thể sáng tạo, dù họ chơi trong đội hình với tinh thần tập thể cao nhất, thì khả năng sáng tạo mang dấu ấn cá nhân của họ lại càng bật sáng.

 Những pha bay người cứu bóng của Hồng Sơn, hai bàn thắng của Vũ Phong (có công Tấn Tài) và Công Vinh (có công Tấn Tài và Việt Thắng) đều là những khoảnh khắc xuất thần của cầu thủ chúng ta. Một đội bóng phải nhận là dưới cơ, chưa có đẳng cấp ngang bằng đối thủ, mà muốn thắng đối thủ, chỉ có thể chơi bóng với khả năng xuất thần cao nhất. Khi đó, sẽ có bàn thắng. Khi đó, sẽ tự tính được lối chơi của mình một cách chủ động. Nhưng trước hết, phải xuất thần. Đó chính là sự thăng hoa của tinh thần trong những thời điểm cụ thể, cú rướn của cả thể xác và tinh thần để đốt cháy mình trong cách chơi “với 200% sức lực” như ông Calisto đã nói về những học trò của mình. Tôi tin, nếu đội tuyển chúng ta chơi bóng với nhiệt huyết và tinh thần như thế, tất cả họ sẽ “làm nên sự nghiệp lớn”. Sự nghiệp lớn không chỉ là một cái chức vô địch AFF Cup, nó cao và rộng và dài hơn thế rất nhiều. 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.