Xe đưa đón học sinh ở Đà Lạt: Chất lượng “hàng dạt”

22/11/2007 22:00 GMT+7

Đa phần xe đưa đón học sinh hiện nay ở Đà Lạt là xe hết hạn sử dụng, thậm chí nhiều chủ xe còn không đăng ký kinh doanh vẫn "vô tư" hợp đồng đưa rước học sinh.

Đa số xe gần hết "đát"

Nhu cầu học sinh Đà Lạt đến trường bằng xe đưa rước ngày càng đông, nên nhiều nhà xe "nhảy" vào kinh doanh. Cứ vào giờ đưa đón học sinh, ở nhiều cổng trường, chúng tôi không khó khăn để nhận ra những chiếc xe cũ rích đang đậu để đón học sinh. Theo một số tài xế, nhu cầu đón đưa học sinh chỉ mới nở rộ vài năm trở lại đây, kể từ khi mạng lưới xe buýt đi vào hoạt động rầm rộ. Chính hệ thống xe buýt đã hút hết hành khách, nên "đánh bật" đội quân xe khách chạy tuyến cố định nội tỉnh phải xoay sở chuyển cách thức hoạt động.

Một ngày hàng trăm học sinh được phục vụ bởi những chiếc xe cũ, bị chở nhồi nhét quá quy định - đó là một hiểm họa cần được cảnh báo.

Một phụ huynh cho hay: "Tâm lý hầu hết phụ huynh muốn con đi về an toàn, không gặp phải mưa gió hoặc nhà xa trường, các em lại chưa đủ tuổi sử dụng xe máy... nên đã chọn giải pháp hợp đồng xe ô tô đưa rước con em mình". Song trên thực tế thì phụ huynh đang giao con em mình cho những chiếc xe mà theo chính lời một chủ xe thì: "Hiện tại tôi đang hợp đồng chở 16 em, ngày 2 lượt đưa, đón với giá 120 ngàn - 140 ngàn/học sinh/tháng. Ngoài đưa đón học sinh, xe của tôi không sử dụng được vào mục đích gì khác, bởi đời xe cũ kỹ, khách thuê đi xa chẳng ai thèm kêu. Nhiều khi muốn bán xe đổi nghề cũng không ai mua ngoại trừ đem bán... phế liệu". Cũng  theo anh V. đa số các xe đưa rước học sinh thuộc loại xe đời cũ, hết hoặc gần hết niên hạn sử dụng, nên các chủ xe "tận dụng" thời hạn còn lại chạy đưa rước học sinh.

"Tem vàng" vẫn kinh doanh

Theo quan sát của chúng tôi tại một số trường có xe kinh doanh dịch vụ đưa rước học sinh, ngoài số ít xe có phù hiệu "Xe chạy hợp đồng" do Sở Giao thông vận tải cấp, đa số các xe còn lại không có phù hiệu này. Riêng tại cổng trường THPT Trần Phú, vào những buổi sáng và trưa có 8 xe các loại từ 14 đến 24 chỗ đón rước học sinh thì có 6 xe dán tem vàng (xe không  được kinh doanh vận tải hành khách) nhưng vẫn tham gia vận chuyển học sinh. Các xe này nghiễm nhiên trốn thuế và kinh doanh không đúng luật. Đó là chưa kể nhiều xe nhồi nhét học sinh chật cứng, quá số chỗ quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Gia - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, số lượng xe đăng ký kinh doanh đưa rước học sinh tại Sở chỉ có vài xe. Vì vậy rất cần các cơ quan chức năng kiểm tra đồng bộ, nhất là cảnh sát giao thông để tránh tình trạng xe không được phép kinh doanh vận tải hành khách công cộng vì quá hạn sử dụng cũng chở học sinh thu tiền, thậm chí chở quá tải.

Xuân Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.