Trường công không thể thu học phí như trường tư

15/11/2009 01:18 GMT+7

Hôm qua, hơn 200 trường ĐH-CĐ trên toàn quốc đã dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2009-2010 do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Không buông lỏng quản lý!

Một trong những yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra trong năm học này là không thể tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học (GDĐH) mà lại buông lỏng quản lý chất lượng như thời gian qua. Theo đó, Bộ yêu cầu các trường tổ chức thảo luận với sự tham gia của giảng viên, sinh viên, đại diện người sử dụng lao động, đại diện UBND các tỉnh, thành phố, Bộ GD-ĐT, Bộ chủ quản xung quanh vấn đề này. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các trường phải thảo luận và đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng trong toàn hệ thống. Bộ trưởng cho biết, sinh viên và giảng viên phải có trách nhiệm tham gia quản lý nhà trường. Các quy định về quản lý sẽ được đổi mới. Ngoài việc sinh viên đánh giá giảng viên, giảng viên đánh giá nhà trường thì các trường cần phải đánh giá Bộ GD-ĐT và Bộ chủ quản chứ không chỉ có việc Bộ đánh giá trường.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, năm học này sẽ xây dựng và ban hành nghị định của Chính phủ về việc phối hợp phân cấp quản lý giữa Bộ GD-ĐT, các bộ ngành khác và UBND các tỉnh thành phố đối với các trường ĐH-CĐ. Theo đó, các địa phương có thể kiểm tra các trường tổ chức việc đào tạo như thế nào dựa trên các quy chế quy định của Bộ GD-ĐT. Bộ trưởng cũng yêu cầu, năm học này các trường phải xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo của mình và phải làm xong trước tháng 12.2010.

“Trường công là trường được Nhà nước đầu tư, người học chỉ phải đóng khoảng 1/2 chi phí đào tạo” - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân

Trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên rất thấp

Thảo luận tại hội nghị, một số trường đã nêu kinh nghiệm của mình trong việc đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. PGS Trần Trung - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho biết, muốn công tác thi cử đảm bảo được nghiêm túc thì cần phải tách hoạt động giảng dạy, thi và đánh giá kết quả học tập thành các khâu riêng biệt. Việc thi và tổ chức thi cần được bàn giao cho một bộ phận hoạt động độc lập với các ban, phòng của nhà trường. Như vậy mới giảm được tiêu cực trong thi cử.

Ông Thái Bá Cần - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nêu một số khó khăn khi đảm bảo chuẩn đầu ra. Ông cho biết trình độ ngoại ngữ đầu vào của sinh viên rất thấp. Khảo sát của nhà trường cho thấy chỉ có 10% sinh viên đáp ứng được chuẩn ngoại ngữ đầu ra nếu học theo phương pháp và thời lượng như hiện nay. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần có biện pháp hỗ trợ nhà trường trong việc thực hiện quy định này.

PGS-TS Dương Ái Phương - Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã nêu lên một số kinh nghiệm để đào tạo chất lượng cao. Ông cho biết: việc đào tạo theo chương trình tiên tiến có chất lượng rất tốt. Nếu mở rộng chương trình này để đào tạo đại trà chắc chắn sẽ có kết quả tương tự. Tuy nhiên, đây là chương trình được Nhà nước đầu tư hỗ trợ một phần kinh phí. Vì vậy nếu triển khai đại trà sẽ rất khó khăn về kinh phí vì kinh phí đào tạo đại trà hiện thấp hơn rất nhiều so với đào tạo chương trình tiên tiến. Ông Phương khẳng định, sẽ không thể đào tạo chất lượng cao với nguồn kinh phí thấp như hiện nay.

Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Bộ sẽ có giải pháp để các trường được thí điểm đào tạo chất lượng cao và thu học phí cao. Tuy nhiên, các trường muốn thí điểm phải trình được phương án đào tạo như thế nào, cần kinh phí bao nhiêu. Bởi trường công là trường được Nhà nước đầu tư, người học chỉ phải đóng khoảng 1/2 chi phí đào tạo. Do đó trường công không thể thu học phí như trường tư.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.