Cần nâng cao vai trò tòa án dân sự trong giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ

08/12/2005 10:54 GMT+7

Sáng 7/12/2005, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, gần 200 đại biểu là thẩm phán, luật sư, luật sư tập sự, cán bộ trường luật và đại diện một số cơ quan chức năng tại TP.HCM đã tham gia hội thảo với chủ đề "Giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam".

Buổi hội thảo do Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt phối hợp Trung tâm tư liệu về sở hữu trí tuệ thuộc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM tổ chức.

Các số liệu từ hội thảo đưa ra cho thấy, từ năm 2000 đến tháng 11/2005 tại Việt Nam có 21 vụ tranh chấp về sở hữu trí tuệ (SHTT) được tòa án  thụ lý. Trong đó, có 11 vụ tranh chấp về quyền tác giả và 10 vụ về quyền sở hữu công nghiệp. Riêng năm 2005 tính từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực (1/1/2005) chỉ có 01 vụ tranh chấp quyền tác giả được đưa đến tòa thụ lý. Trong khi đó, số lượng cùng tính chất vi phạm pháp luật về SHTT ngày càng gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ý kiến của các đại biểu tại buổi hội thảo là do cơ chế giải quyết tranh chấp SHTT còn chưa hoàn chỉnh. Luật tranh chấp SHTT hiện còn nhiều điểm chưa thống nhất, đưa đến quyết định của tòa án chưa thuyết phục.

Cụ thể, vấn đề bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể. Do đó, tòa án khi ra những quyết định bồi thường nhiều khi không “thấu tình đạt lý”. Bên cạnh đó, hệ thống tòa án còn thiếu chuyên gia có chuyên môn về SHTT nên khi giám định mức độ thiệt hại của chủ SHTT, giám định viên thường lúng túng (do việc sử dụng trái phép đối tượng được bảo hộ không làm ảnh hưởng sản phẩm bị vi phạm mà chỉ tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với hoạt động kinh doanh của người nắm quyền sở hữu). Ngoài ra, quá trình giải quyết tranh chấp  thường kéo dài (khoảng sáu tháng), gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của chủ thể. Mặt khác, các chủ SHTT vẫn chưa có ý thức rõ ràng về quyền và lợi ích chính đáng của mình để khởi kiện bên vi phạm. Tâm lý không muốn khởi kiện do e ngại thủ tục rườm rà, sợ mất thông tin cần bảo mật. Cũng như thời gian theo đuổi vụ kiện và tốn kém chi phí của chủ đối tượng SHTT là những băn khoăn có thật.

Các ý kiến trong hội thảo cũng nêu rõ, để nâng cao ý thức về quyền SHTT cần tăng cường cho tòa án những công cụ và các biện pháp chế tài đủ mạnh để có tác dụng hạn chế vi phạm quyền SHTT. Xây dựng quy trình xác định và bảo vệ thông tin bí mật những bên tham gia tố tụng. Sớm ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết về mức độ bồi thường thiệt hại. Nâng cao vai trò tòa án dân sự trong giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT. Trong đó, lực lượng cán bộ cần được nâng cao bằng cách đào tạo lại, để đáp ứng về số lượng và chất lượng, có kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực SHTT.

Trọng Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.