Những nhà nông 8X trở thành tỉ phú

24/11/2006 21:19 GMT+7

Cũng như hơn 20 triệu thanh niên nông thôn VN, 75 nhà nông trẻ nhận Giải thưởng Lương Định Của đều sinh ra và lớn lên ở nông thôn, cuộc sống thiếu thốn mọi bề.

Trong khi nhiều bạn trẻ đồng trang lứa đang long đong, lận đận trên con đường tìm kiếm việc làm chốn đô thành, thì tại những miền quê, dù không được học hành đến nơi đến chốn, song với ý chí, nghị lực sắt đá họ đã vươn lên trở thành những tỉ phú trẻ.

Bản chất của người nông dân là hiền lành chất phác, chịu thương chịu khó, nếu cứ chăm chỉ làm ăn, quanh năm cấy hái cày bừa thì mãi vẫn chỉ đủ ăn, chứ chưa nói đến có của ăn của để. Thanh niên nông thôn VN thế kỷ 21 giờ đã suy nghĩ khác, cần cù chưa đủ, phải năng động biết chớp thời cơ mới có thể vươn lên làm giàu. Lê Văn Sơn, ấp Tân An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách (Bến Tre) là một ví dụ. "Vụ tắc năm 1998 được mùa, chưa kịp mừng thì nỗi lo ập đến. Giá tắc rớt thảm hại, thấp đến nỗi chẳng ai thèm mua, gia đình mình chỉ còn cách đem muối bán dần" - Sơn nhớ lại. Trong cái khó, ló cái khôn, Sơn đưa ra ý tưởng pha chế nước uống từ trái tắc. Qua nhiều lần và tốn không ít công sức, tiền của, cuối cùng Lê Văn Sơn đã pha chế thành công nước uống với hương liệu tắc. Nhớ lại, những ngày đầu Sơn phải đi chào hàng ở các quán nước, các tiệm. Khách hàng bắt Sơn tận tay pha từng ly dùng thử miễn phí. Đến nay thương hiệu "Tắc xí muội Sơn Đăng" có mặt tại hầu hết các siêu thị trong cả nước. Chỉ riêng thu nhập từ sản xuất nước giải khát đã hơn 1 tỉ đồng/năm. Sơn cho hay: "Tôi đang thử pha chế thêm nhiều loại trái cây khác, ngọt ngào hương vị quê hương như nước khóm, me... Mục tiêu của tôi là sản phẩm nước giải khát vươn ra thị trường nước ngoài".

Trong số những gương mặt thanh niên tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của năm nay, có không ít nhà nông trẻ thuộc thế hệ 8X nhưng đã trở thành tỉ phú. Một trong số đó là Triệu Tiến Quảng, xã Kim Long, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Thiên nhiên thật bất công khi "ban tặng" cho Kim Long một địa hình gò đồi, đất đai bạc màu, thời tiết khắc nghiệt. Mưa thì ngập úng. Nắng thì thiếu nước tưới tiêu. Trong tình thế khó khăn đó, nhiều bạn trẻ đã phải từ bỏ quê hương lên thành phố kiếm sống. Còn Quảng, cậu lại có ý nghĩ "điên rồ" ở lại làm trang trại. Quảng cho biết: "Nhận 8 ha rừng chỉ là bạch đàn cằn cỗi, mình và gia đình quyết định phá bỏ vườn đồi, vay tiền ngân hàng trồng cây vải, nhãn, hồng, xoài... và đào ao thả cá. Khi đã có lãi chút đỉnh, mình mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại gà". 2 tỉ đồng doanh thu/năm từ 8 ha rừng, trang trại nuôi trồng tre măng Bát Độ, nuôi 8.000 con gà đẻ trứng; 10.000 gà thịt... là kết quả khiến không ít người phải nể phục tài kinh doanh của chàng trai đang ở tuổi 25 này.

Nếu như có thêm giải nghị lực dành cho các nhà nông trẻ, có lẽ H'Kép Ayun, dân tộc Ê đê buôn Puăn B, xã Eaphê - Krông Păc (Đắk Lắk) - một trong 4 gương mặt nữ hiếm hoi về nhận Giải thưởng Lương Định Của - xứng đáng được trao tặng phần thưởng cao quý này. Cha mất sớm. Mẹ bị mù. Còn chị gái song sinh lại mắc bệnh tâm thần. H’Kép Ayun kể: "Phải nghỉ học sớm, mình buồn lắm. Là trụ cột chính trong nhà, nếu mình không làm thì ai lo cho mẹ và chị đây, rồi cả tương lai sau này của mình nữa. Mỗi khi nhìn thấy mẹ và chị đau yếu bệnh tật, lòng mình đau quặn thắt". Nung nấu ý chí làm giàu, H’Kép Ayun quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế, đưa khoa học vào sản xuất đem lại hiệu quả cao. Bằng nguồn vốn ít ỏi vay mượn của bà con và ngân hàng chính sách, H'Kép Ayun bắt tay vào nuôi bò. Chỉ trong vòng 2 năm, cô gái Ê đê 22 tuổi này đã xây dựng nên cơ ngơi với một trang trại bò 50 con, mỗi năm sinh lời 40 triệu đồng; trang trại lợn doanh thu 100 triệu đồng/năm. Không dừng lại ở chăn nuôi, H’Kép Ayun còn "lấn sân" sang trồng cà phê, ngô lai, lúa nước năng suất cao. H’Kép Ayun bộc bạch: "Trong sản xuất kinh doanh khó khăn, rủi ro không tránh khỏi. Nếu các bạn thanh niên kiên trì, sáng tạo và chịu khó chắc chắn sẽ thành công trong phát triển kinh tế. Chẳng có gì hạnh phúc hơn là được làm giàu bằng chính đôi tay và trên mảnh đất quê hương mình".

H.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.