Cuộc chiến chặn nguồn tiền khủng bố

11/12/2010 22:39 GMT+7

Mỹ đang gặp không ít trở ngại trong nỗ lực bóp nghẹt "hầu bao" của bọn khủng bố từ chính các đồng minh của mình.

Chín năm sau khi Mỹ tuyên bố cắt đứt nguồn tài trợ cho khủng bố, chính quyền Barack Obama tin rằng tiền vẫn đang được rót đều đặn cho các tổ chức như al-Qaeda, Taliban, Lashkar-e-Taiba và các nhóm khác. Washington cũng hết sức bất mãn trước sự bất hợp tác của các đồng minh ở Trung Đông.

Trong khi giới chức Mỹ bên ngoài tỏ ra lạc quan về những tiến bộ trong việc ngăn chặn nguồn tài trợ cho khủng bố, các thư tín nội bộ của Bộ Ngoại giao Mỹ, do WikiLeaks tiết lộ, cho một cái nhìn rất bi quan về vấn đề này.

"Tài trợ chính": Ả Rập Xê Út

Một thư tín mật do Ngoại trưởng Hillary Clinton gửi đi hồi tháng 12.2009 xác định rằng cư dân của Ả Rập Xê Út và các nước đồng minh khác của Mỹ trong khu vực chính là những người ủng hộ tài chính chủ yếu cho các hoạt động khủng bố ở nước ngoài. Thông điệp viết: "Việc thuyết phục giới chức Ả Rập Xê Út xử lý hoạt động tài trợ khủng bố xuất phát từ việc nước này là thách thức thường xuyên của chúng ta". Bức thư kết luận: "Những kẻ tài trợ ở Ả Rập Xê Út hợp thành nguồn tài trợ chính cho các nhóm khủng bố Hồi giáo dòng Sunni trên toàn thế giới".

Nhiều thông điệp ngoại giao khác cũng đưa ra những đánh giá không mấy "thiện cảm" về UAE - "một kẽ hở chiến lược" mà khủng bố có thể khai thác, Qatar - "kém nhất trong khu vực" về chống khủng bố, và Kuwait - "một điểm quá cảnh then chốt". Thư tín của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đến nhu cầu "tạo ra ý chí chính trị cần thiết" nhằm ngăn chặn tiền đến tay các tổ chức "đang đe dọa sự ổn định ở Pakistan, Afghanistan và nhắm vào binh sĩ liên quân".

So với người tiền nhiệm George W.Bush, Tổng thống Barack Obama sử dụng giọng điệu mềm mỏng hơn trong việc thúc ép các đồng minh Ả Rập cắt đứt dòng tiền cho khủng bố. Tuy nhiên, chính quyền của ông cũng huy động hết các công cụ ngoại giao, tình báo và thực thi pháp luật cũng như đã lập một lực lượng đặc nhiệm vào năm 2009 nhằm đối phó với vấn đề nhức nhối này.

Chúng tôi đang cố gắng hết sức. Nhưng nếu tiền muốn đến với các mục tiêu khủng bố, chúng sẽ đến Hoàng thân Mohammed bin nayef, người chỉ huy các hoạt động chống khủng bố của Ả Rập Xê Út

Dù giới chức Mỹ có thể chỉ ra một số thành công, bao gồm những vụ truy tố, tịch thu tiền và siết chặt quy định xử lý hành vi rửa tiền ở các nước, nhưng kết quả thường không như ý, theo các thư tín. Khi Washington đẩy mạnh các chiến dịch trấn áp nhằm vào những đối tượng tình nghi ủng hộ khủng bố, các lãnh đạo Trung Đông đã phản ứng khá mạnh. Trong các cuộc họp riêng, họ buộc tội giới chức Mỹ độc đoán và lên tiếng bênh vực các tổ chức từ thiện và cá nhân người Ả Rập.

Những cách thức "gây quỹ"

Các thư tín cũng chứa đầy thông tin tình báo về những âm mưu tài trợ khủng bố, như trường hợp một nhà thuyết giáo Somalia bí mật sang Thụy Điển, Phần Lan và Na Uy hồi năm ngoái để kiếm tài trợ và tuyển người cho tổ chức al-Shabab ở nước này, hoặc một tài xế Pakistan bị bắt với một khoản tiền riyal Ả Rập Xê Út tương đương 4,7 tỉ đồng sau ghế. Một thư tín thậm chí ghi nhận một âm mưu của người Iran rửa 5 - 10 tỉ USD tiền mặt thông qua các ngân hàng của UAE trong khuôn khổ của một âm mưu "gây rối" ở các nước vùng Vịnh. Vẫn chưa rõ bao nhiêu tiền trong số trên đã lọt vào tay các tay súng Hồi giáo cực đoan.

Một vụ việc đặc biệt gây lo ngại xảy ra hồi tháng 8.2009 ở Yemen khi những tên cướp có vũ trang tấn công một xe tải ngân hàng ngay ở trên đường phố trung tâm Aden vào ban ngày, cướp đi 100 triệu riyal Yemen (khoảng 9,2 tỉ đồng). Các nhà ngoại giao Mỹ nhận định tính chất tinh vi của vụ cướp và những đặc điểm khác đều mang dấu ấn của al-Qaeda. "Chiến dịch táo bạo khác thường này" có thể bơm cho al-Qaeda một khoản tiền đáng kể vào lúc mạng lưới này đang túng thiếu.

Theo tờ The New York Times, nguồn tài trợ dồi dào mà Mỹ không thể ngăn chặn đã giúp chi nhánh al-Qaeda ở Yemen, có tên gọi "Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập", trở thành một cái tên khét tiếng hiện nay và là mối lo thường trực của phương Tây. Tổ chức này đã thừa nhận thực hiện kế hoạch đánh bom bưu kiện hồi tháng 10 và âm mưu đánh bom máy bay bất thành ở Detroit (Mỹ) vào ngày 25.12.2009. Không có tiền, bọn khủng bố không thể nào thực hiện kế hoạch tinh vi như giấu bom vào máy in rồi chuyển lên máy bay của các hãng chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới như FedEx hay UPS.

Theo hồ sơ của WikiLeaks, giới chức Mỹ có những quan điểm khác nhau về khả năng gây quỹ của al-Qaeda. Một thư tín được gửi hồi tháng 2 cho ông Richard C.Holbrooke, Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan và Pakistan, nói rằng "khả năng gây quỹ của al-Qaeda đã suy giảm đáng kể, và đang trong tình trạng yếu kém nhất kể từ 11.9.2001". Tuy nhiên, nhiều thư tín khác cho kết luận ngược lại với nhận xét al-Qaeda có thể quyên tiền tùy thích từ các cá nhân giàu có và các nhóm cảm tình trên khắp Trung Đông và luôn "trên cơ" giới chức chống tài trợ khủng bố.

Lực bất tòng tâm

Hàng trăm thư tín tập trung vào vấn đề tài trợ cho khủng bố đều cho rằng vấn đề này dường như "vô phương cứu chữa". Giới chức Mỹ mô tả các phần tử khủng bố có thể mang tiền từ nơi này sang nơi kia, về sự ít tốn kém của các vụ tấn công chết người và về sự khó khăn trong việc ứng phó chúng.

Tại Kuwait, Washington không ít lần bày tỏ quan ngại rằng các tổ chức từ thiện Hồi giáo, đa phần không bị chính phủ nước này quản lý, đang sử dụng những khoản đóng góp từ thiện để tài trợ khủng bố ở nước ngoài. Nhưng một bộ trưởng Kuwait, trong cuộc họp năm ngoái với đại sứ Mỹ, lại "yếm thế hơn bao giờ hết khi nói đến vấn đề bắt giữ những người tài trợ cho khủng bố trong khuôn khổ chính trị và pháp lý hiện tại của Kuwait", theo thư tín tóm tắt nội dung cuộc gặp.

Ả Rập Xê Út, đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông, lại bị đánh giá là "phức tạp nhất" trong vấn đề này. Giới chức tình báo tại đây đã tăng cường do thám các tay súng ở nước Yemen kế cận và chính họ đã cung cấp thông tin giúp phát hiện các quả bom bưu kiện vừa qua. Tuy nhiên, "tài trợ cho khủng bố xuất phát từ đây vẫn là nỗi lo lớn", theo một thư tín hồi tháng 2. Thông điệp của bà Clinton được gửi trước đó 2 tháng cho biết al-Qaeda, Taliban, Lashka-e-Taiba và các nhóm khác "có thể quyên góp hàng triệu USD mỗi năm từ Ả Rập Xê Út, thường là trong các cuộc hành hương và lễ Ramadan".

Đại sứ quán Mỹ ở Riyadh hồi tháng 2 cho biết chính quyền Ả Rập Xê Út vẫn "lệ thuộc gần như hoàn toàn vào CIA" để có manh mối và phương hướng hành động trong việc "bóp nghẹt hầu bao" của khủng bố. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi chính Bộ Tài chính Mỹ phải tự cung cấp thông tin cho Cơ quan Tình báo nội địa Ả Rập Xê Út về 3 thủ lĩnh cao cấp của Taliban là Tayyeb Agha, Mullah Jalil và Khalil Haqqani, những kẻ đã nhiều lần thực hiện các chuyến đi gây quỹ đến Ả Rập Xê Út.

Theo tờ The New York Times, đầu tháng này, giới chức Mỹ cho biết áp lực liên tục từ Washington đã đem lại những cải thiện trong việc đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố. Chẳng hạn, Ả Rập Xê Út giờ đây đang thực hiện những hành động mà trước đây họ rất ngần ngại hoặc phản đối, bao gồm buộc những đối tượng tài trợ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và dành nhiều nguồn lực hơn để chống các hành vi rửa tiền. Một học giả tôn giáo Ả Rập Xê Út đã ra chỉ dụ chống cung cấp tài chính cho khủng bố và Riyadh đã thành lập một bộ phận tình báo tài chính mới.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng khả năng của Ả Rập Xê Út vẫn chưa đáp ứng được mong đợi do thiếu huấn luyện và quyết tâm. Giới lãnh đạo ở Riyadh có vẻ như đã chấp nhận hoàn cảnh. Hoàng thân Mohammed bin Nayef, người chỉ huy các hoạt động chống khủng bố của Ả Rập Xê Út, đã nói với ông Holbrooke trong một cuộc họp hồi tháng 5.2009: "Chúng tôi đang cố gắng hết sức. Nhưng nếu tiền muốn đến với các mục tiêu khủng bố, chúng sẽ đến".

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.