Giáo dục - đào tạo ở các tỉnh Tây Nguyên: Chi cho giáo dục thấp nhất cả nước

22/12/2006 22:40 GMT+7

Ngày 20.12 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị bàn phương hướng phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề (GD- ĐT-DN) vùng Tây Nguyên giai đoạn 2006-2010.

Chưa đáp ứng được yêu cầu

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận khi nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Theo ông Luận, "Quy mô GD-ĐT-DN phát triển nhanh nhưng mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng kịp, do đó kết quả đạt được chưa thật sự bền vững, đặc biệt ở các cấp giáo dục phổ cập". Thực tế ở tỉnh Đắk Nông còn thiếu trên 1.000 phòng học, 100% các trường chưa có phòng học bộ môn, thư viện, nhiều học sinh khi bước vào lớp 1 chưa biết tiếng Việt. Còn tại tỉnh Kon Tum, phần lớn học sinh dân tộc học xong THCS không muốn học tiếp THPT.

Điều này được minh chứng tỷ lệ học sinh Tây Nguyên bỏ học trong năm học 2004-2005: tiểu học: 4,63%, THCS: 8,74%, THPT: 15,3%. Đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số rất ít; giáo viên người Kinh phần lớn không biết tiếng dân tộc và thiếu sự hiểu biết về tập quán, văn hóa của đồng bào đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT thì 5 tỉnh Tây Nguyên còn thiếu trên 5.000 giáo viên các cấp.

Một khó khăn khác, Tây Nguyên có 1,5 triệu đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 46 dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc có hệ ngôn ngữ và văn hóa giao tiếp riêng cũng là một trở ngại. Về ngân sách đầu tư cho giáo dục cũng nhiều hạn chế, Lâm Đồng là địa phương có mức đầu tư cao nhất năm 2006 là 55,8 tỉ đồng (chiếm 7,2% tổng ngân sách), trong khi mức đầu tư chung trong cả nước trên 10%, có tỉnh đạt 18%. Ông Lê Hồng Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội cho rằng ngân sách GD-ĐT-DN cho các tỉnh Tây Nguyên có tăng nhưng tăng chậm, năm 2005 (800 tỉ), 2006 (2.500 tỉ), dự kiến 2007 (3.200 tỉ) là chưa tương xứng, chưa thể tạo bước đột phá trong giáo dục. Ông Minh nêu nghịch lý học sinh dân tộc vào trường trung học dạy nghề chiếm tỷ lệ rất ít, nhưng học nghề xong lại không có việc làm cũng là một thách thức.

Nhân tố quyết định sự phát triển

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng "Giáo dục, đào tạo là một trong những khâu đột phá, là nhân tố quyết định cho sự phát triển của Tây Nguyên, nhằm bảo đảm ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế xã hội”. Ông Lê Hồng Anh đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng GD-ĐT-DN Tây Nguyên: trước hết phải củng cố, mở rộng mạng lưới giáo dục, cần tăng nguồn lực tài chính (chủ yếu bằng ngân sách), đồng thời huy động sức mạnh toàn dân để đầu tư.

Đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch phát triển GD-ĐT-DN, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, xác định những dự án trọng điểm để ưu tiên đầu tư xây dựng. Các tỉnh có chính sách ưu đãi thu hút trí thức, người có bằng cấp, học sinh, sinh viên người dân tộc đã tốt nghiệp về làm việc tại địa phương; mặt khác cần chủ động sáng tạo, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành để cùng thực hiện mục tiêu phát triển GD-ĐT-DN.

Dưới góc nhìn của nhà chuyên môn, Bộ trưởng Bộ GĐ - ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Giáo dục Tây Nguyên phải đặt trong bối cảnh kinh tế xã hội Tây Nguyên, phải chọn những ngành nghề đào tạo phù hợp đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương". Ông đề nghị các Sở GD-ĐT các tỉnh phải nhanh chóng lập quy hoạch phát triển ngành trong 4 năm tới (xác định ngân sách, nhu cầu xây thêm bao nhiêu trường, cấp học nào, cần bao nhiêu giáo viên...).

Bộ trưởng nhấn mạnh, phát triển trường lớp đạt chuẩn là nhiệm vụ trọng tâm của GD-ĐT Tây Nguyên trong thời gian tới, nhưng mở rộng mạng lưới phải song song với việc nâng cao chất lượng. Để làm được điều này thì việc nâng cao số lượng và chất lượng giáo viên là khâu đột phá. Ông đề nghị các địa phương phải ưu tiên trang bị tiếng Việt cho học sinh mẫu giáo (5 tuổi) trước khi vào lớp 1; giáo dục tiểu học cần đảm bảo chất lượng. Việc dạy tiếng dân tộc ở bậc tiểu học cũng là việc phải làm nhưng cần bàn xem dạy tiếng gì, giáo trình thế nào? Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị với Chính phủ và xung phong nhận trách nhiệm này.

L.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.