Khi Đức muốn "ngọt ngào" với Mỹ

27/11/2005 23:26 GMT+7

Sau sự đăng quang của tân Thủ tướng Đức A.Merkel, mối quan hệ trục trặc giữa quốc gia này cũng như giữa Liên minh châu u (EU) và Mỹ đang đứng trước cơ hội mới.

Quan hệ Berlin và Washington đã trải qua một giai đoạn sóng gió dưới thời Thủ tướng G.Schroeder, đặc biệt khi Đức cùng với Pháp kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành tại Iraq. Giờ đây, những rạn nứt đó đang đứng trước cơ hội được hàn gắn. Ngay những ngày đầu tiên đảm đương cương vị thủ tướng, bà A.Merkel không giấu giếm ý định đưa nước Đức và EU xích lại gần hơn với cường quốc bên kia bờ Đại Tây Dương. Dù loại trừ khả năng thay đổi lập trường về vấn đề Iraq, nhưng bà Merkel đã nhắn nhủ với người Mỹ nên xây dựng một mối quan hệ "có tính chất đối thoại hơn" với châu u. Tân thủ tướng Đức muốn tận dụng diễn đàn của khối NATO để Mỹ và châu u có thể đàm phán nhằm giải quyết bất đồng, qua đó có thể "chung sống" một cách hài hòa hơn trước.

Trái với Tổng thống Pháp J.Chirac, bà Merkel không đặt nặng vấn đề xây dựng châu u trở thành đối trọng của Mỹ. Ngược lại, theo giới phân tích chính trị thì nữ thủ tướng muốn nước Đức đóng vai trò cầu nối giữa cựu lục địa và Mỹ, tương tự như thời kỳ "tiền Schroeder". Để khởi động cho chính sách ngoại giao mới, ngày 28/11 tân Ngoại trưởng Đức F.Steinmeier sẽ bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới nước Mỹ. Đây được coi là chuyến đi quan trọng trong tiến trình củng cố quan hệ với cường quốc bên kia Đại Tây Dương, trong đó mấu chốt nhất là tìm ra giải pháp để hóa giải bất đồng giữa Berlin và Washington trước đây, đặc biệt là vấn đề Iraq. Sau chuyến tiền trạm này, đích thân Thủ tướng Merkel sẽ đến thăm nước Mỹ vào đầu năm tới. Cuộc gặp giữa bà và Tổng thống Bush được chờ đợi như là một bước ngoặt trong quan hệ Đức - Mỹ giai đoạn mới.

Những tín hiệu đầu tiên phát đi từ chính quyền mới tại Berlin khiến người Mỹ lạc quan. Tuy nhiên, ý định xích lại gần Mỹ của bà Merkel có thể gặp một số thử thách lớn, đặc biệt là trong hoàn cảnh Pháp vẫn chưa bày tỏ thái độ hứng thú. Trên thực tế thì ngoài vấn đề Iraq, EU và Mỹ vẫn còn quá nhiều bất đồng, chẳng hạn như tranh cãi về hiệp ước giảm khí thải, về cơ cấu hoạt động tại Tòa án tội phạm quốc tế của LHQ, sự can thiệp quân sự vào quốc gia khác... Những bất đồng thâm niên nói trên chính là nguyên nhân khiến nước Đức thời Schroeder và Pháp, hai trụ cột của khối EU, luôn giữ một khoảng cách nhất định đối với Mỹ. Giờ đây, để cho kế hoạch "đối thoại hóa mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương" được thực thi, nhiệm vụ của tân Thủ tướng Merkel không chỉ là thuyết phục người Đức mà còn phải thuyết phục cả châu u thay đổi. Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng trong hoàn cảnh Pháp vẫn chủ trương xây dựng một châu u mạnh để làm đối trọng với Mỹ và các cường quốc châu Á.

Châu Minh Linh
(AFP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.