Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể bị hoãn xuất cảnh, khởi tố

Mai Hà
Mai Hà
17/08/2023 09:56 GMT+7

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng sẽ bị hoãn xuất cảnh, thậm chí nếu có dấu hiệu phạm tội sẽ bị kiến nghị khởi tố theo quy định.

Sáng 17.8, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Đáng chú ý, luật quy định điều 43 trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc với nhiều đối tượng.

Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể bị hoãn xuất cảnh, khởi tố - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đọc tờ trình luật Bảo hiểm xã hội sáng 17.8

GIA HÂN

Cụ thể, các đối tượng gồm người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký không đủ số người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của luật này.

Ngoài ra, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng đến thời hạn quy định mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng theo quy định. Người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định.

Đặc biệt, về xử lý vi phạm trốn đóng BHXH, cơ quan soạn thảo đề xuất: người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại điều 43. Nếu hết thời hạn đóng BHXH bắt buộc mà không đóng thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền trốn đóng và bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng.

Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên.

Đáng chú ý, cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên.

“Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của bộ luật Hình sự, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật”, ông Dung cho biết.

Cho ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị làm rõ quy định “còn phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng” là tiền gì, có phải là tiền phạt trốn đóng BHXH bắt buộc hay không?

Theo bà Anh, nếu là tiền phạt thì cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính và làm rõ số tiền này nộp vào ngân sách Nhà nước hay vào Quỹ BHXH.

Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cân nhắc việc “ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên” vì đây là vấn đề liên quan tới toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu không được sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp có thể phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

Với biện pháp hoãn xuất cảnh, theo cơ quan thẩm tra, đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, luật hiện hành quy định bị xử phạt hành chính. Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cũng có quy định sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà bỏ trốn.

Vì thế, theo Ủy ban Xã hội, trường hợp này khi chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà đã quy định tạm hoãn xuất cảnh thì cần phải cân nhắc kỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.