Phòng bệnh sởi bằng rau mùi: Cẩn trọng!

18/04/2014 14:10 GMT+7

(TNO) Trước thông tin tắm nước rau mùi (còn gọi là ngò, hạt ngò, ngò rí) có khả năng trị bệnh sởi được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều chuyên gia cho biết chưa có bằng chứng cho thấy phương pháp này có hiệu quả.

(TNO) Trước thông tin tắm nước rau mùi (còn gọi là ngò, hạt ngò, ngò rí) có khả năng trị bệnh sởi được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều chuyên gia cho biết chưa có bằng chứng cho thấy phương pháp này có hiệu quả.

 >> Bệnh sởi tiếp tục lan rộng
 >> Cách nhận biết bệnh sởi
 >> Thời tiết chuyển mùa, bệnh sởi gia tang

Chưa có trong y văn

Theo đó, trước dịch bệnh sởi đang gây lo lắng những ngày qua, nhiều người đang đồn thổi về công dụng 1 bài thuốc dân gian và rủ nhau mua rau mùi để nấu tắm cho trẻ nhằm trị bệnh sởi.

Thế nhưng, dưới khía cạnh y học, bác sĩ Trần Văn Năm, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho rằng trong các tài liệu về đông y, chưa có tài liệu nào chứng minh tắm hạt mùi có tác dụng trị bệnh sởi. Vì vậy, phụ huynh cần cẩn trọng khi sử dụng các phương pháp được đồn thổi.

Đối với trẻ bị rôm sẩy, phụ huynh có thể sử dụng các lá cây có tinh dầu để tắm cho trẻ nhằm vệ sinh thân thể dựa trên tính sát khuẩn. Tuy nhiên, chưa có tiền lệ dùng rau mùi để tắm cho trẻ bị sởi.

Chưa kể đến những trẻ bị phát ban nhiều, trầy xước hoặc lở loét thì việc tắm các hạt, lá còn lợi bất cập hại, làm bệnh của trẻ có thể nặng hơn và gây ra biến chứng.

“Trong cách chăm sóc, quan trọng là ăn uống để bổ sung chất dinh dưỡng, đồng thời phát hiện các biến chứng để kịp thời điều trị. Chỉ tin tưởng vào việc tắm hạt mùi trị bệnh sởi thì không thể yên tâm được”, bác sĩ Năm nói.

Người lớn có thể bị lây nhiễm sởi

Ngoài việc tắm nước hạt mùi, nhiều cách làm như tắm các loại lá hay kiêng các loại thức ăn, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1, đều không mang tính khoa học.

Trẻ đang điều trị sởi tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 18.4
Trẻ đang điều trị sởi tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 18.4 - Ảnh: Hà Minh

“Sởi là do vi rút và biến chứng do vi trùng bên ngoài nên không thể tắm mà diệt được. Cách tốt nhất là tiêm ngừa. Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh sởi với 2 mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi”, bác sĩ Khanh phân tích.

Trong chăm sóc trẻ, quan trọng là phụ huynh cần để ý biểu hiện, phát hiện kịp thời biến chứng của trẻ bị sởi.

Các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi là điển hình ở giai đoạn đầu của bệnh sởi. Ban sẽ nổi sau 3-4 ngày của bệnh. Phụ huynh cần phát hiện ngay triệu chứng thở nhanh, co giật vì đây là triệu chứng báo hiệu bệnh sởi trở nặng.

Trong việc chăm sóc trẻ bị sởi, cần để ý nhiều đến việc ăn uống để tránh trẻ bị suy dinh dưỡng, không nên kiêng khem, rửa mình cho trẻ, để trẻ ở nơi thoáng, môi trường sạch sẽ.

Bác sĩ Khanh cũng cho biết người lớn có thể bị lây sởi khi chăm sóc trẻ. Vì vậy, người lớn cũng cần chích ngừa phòng bệnh sởi.

“Tất cả những người không có miễn dịch, chưa từng mắc bệnh hoặc tiêm chưa đủ mũi sởi đều có nguy cơ lây bệnh sởi. Ở người lớn, các biến chứng do sởi gây ra là viêm não, viêm cơ tim”, bác sĩ Khanh nói.

Trẻ đang điều trị sởi tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 ngày 18.4 1
Chăm sóc trẻ bị bệnh sởi, cần quan tâm đề phòng để phát hiện kịp thời các biến chứng - Ảnh: Hà Minh

Hiện khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 45 trẻ bị sởi và bệnh cũng chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó, trẻ bị biến chứng do sởi như viêm phổi chiếm khoảng 10% trẻ mắc bệnh.

Trẻ điều trị sởi đa phần ở TP.HCM, chủ yếu là trẻ chưa chích ngừa hoặc chích ngừa chưa đủ mũi.

Theo đánh giá bệnh của bác sĩ Khanh, phải đến tháng 6 bệnh sởi mới hạ nhiệt.

Hà Minh

 >> Tiêm ngừa vắc xin không hiệu quả, bệnh sởi tiếp tục gia tăng
 >> Vẫn chờ bệnh sởi 'hạ nhiệt
 >> TP.HCM tăng cường phòng chống bệnh sởi
 >> Cứu sống bé trai bệnh sởi biến chứng nặng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.