Vị đắng đầu tư tài chính

05/12/2009 10:40 GMT+7

(TNTT>) Từ “quả ngọt” của khoản đầu tư tài chính khi thị trường chứng khoán tăng hồi mấy tháng trước, nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ được thưởng thức “vị đắng” của khoản đầu tư này khi thị trường giảm xuống như hiện nay.

Hồi đầu năm, ban điều hành của CTCP cơ điện lạnh (REE) đã phải xin lỗi các cổ đông vì nguyên nhân gây thua lỗ trong năm 2008 là do khoản đầu tư vào cổ phiếu (CP) trên sàn niêm yết bị “lõm” khá nặng. Nhiều công ty rơi vào hoàn cảnh như REE có thể kể đến như CTCP cáp và vật liệu viễn thông (SAM), CTCP nhựa Tân Đại Hưng (TPC)…

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể rút ra được bài học kinh nghiệm. Đặc biệt khi thị trường chứng khoán tăng mạnh từ đầu quý 2 trở đi khiến lợi nhuận các công ty này như được gia tăng theo cấp số nhân. Đến hết quý 3/2009, báo cáo kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã tăng vượt bậc, trong đó có sự đóng góp đáng kể từ lợi nhuận đầu tư CP. Theo thống kê của Vietstock, lợi nhuận từ đầu tư tài chính của các doanh nghiệp niêm yết chiếm tới 32% tổng lợi nhuận - một tỷ lệ rất cao và đáng lo ngại.

Trong bối cảnh chứng khoán đang sụt giảm hiện nay, việc phụ thuộc khá lớn vào lợi nhuận từ đầu tư tài chính báo trước khả năng sụt giảm lợi nhuận của nhiều công ty niêm yết. Có thể tóm tắt quá trình tác động này như sau: Giá CP tăng → công ty có danh mục đầu tư tài chính được lợi và làm gia tăng lợi nhuận → nhà đầu tư thấy doanh nghiệp có lãi cao càng tranh mua → giá CP tiếp tục tăng. Quá trình này sẽ ngược lại khi thị trường giảm.

Đặc biệt khi cuối quý 3/2009 vừa qua, các doanh nghiệp đã trích dự phòng khi VN-Index đang ở mức 580 điểm. Ước tính nhiều CP đã giảm giá ít nhất là 20%, và giảm mạnh nhất lên đến 40%. Do đó, lợi nhuận từ khoản đầu tư tài chính của các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ phải bị giảm xuống. Thậm chí, có thể có một số doanh nghiệp đang có lãi, đến cuối năm lại chuyển thành lỗ thì bao nhiêu niềm hy vọng của nhà đầu tư lại bị tiêu tan.

Ví dụ theo báo cáo quý 3/2009 của SAM, tổng vốn đầu tư vào CP như Hòa Phát (HPG), CTCP Thăng Long (TLC), Quỹ tầm nhìn SSI, CTCP Alphanam (ALP), Quỹ đầu tư Prudential… trên 517 tỉ đồng trong khi trích lập dự phòng lúc đó của SAM cho khoản này chưa tới 10%, chỉ đạt 41,2 tỉ đồng. Như vậy, khoản trích lập dự phòng này sẽ phải  tăng lên và từ đó lợi nhuận sẽ giảm xuống. Vì ALP từ mức 14.200 đồng/CP (ngày 1.10) nay còn 12.100 đồng/CP (4.12, giảm gần 15%);  HPG từ giá 71.500 đồng/CP (1.10) nay còn 61.500 đồng/CP (4.12, giảm 14%)…

Một điều đáng chú ý là khoản lợi nhuận bất thường càng lớn thì sẽ khó duy trì được lâu. Đây là bài học thường được các chuyên gia cảnh báo với nhà đầu tư từ trước để đến cuối năm sẽ ít phải ăn quả đắng do nó mang lại.

Trung Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.