Đến thủ đô bí ẩn nhất thế giới - Kỳ cuối: Thủ đô thưa người

28/11/2007 00:47 GMT+7

Sau một buổi chiều lắc lư, cuối cùng tôi cũng đến được Pyinmana để bắt đầu cuộc viếng thăm đường đột tới Nay Pyi Taw, thành phố của các vị vua.

Đêm trước ngõ Nay Pyi Taw

Tôi tới Pyinmana vào cuối buổi chiều, khi ánh nắng chưa tắt hẳn. Đó là một thị trấn nằm giữa đồng bằng rộng, tít chân trời là những dãy núi xanh thẳm, bao bọc ba phía. Có lẽ chính vì địa thế đặc biệt này mà năm xưa Pyinmana được người Anh rồi người Nhật chọn làm căn cứ quân sự. Sau khi đất nước độc lập năm 1948, Chính phủ Miến Điện (nay gọi là Myanmar) duy trì một căn cứ quân sự khá lớn tại thị trấn này.

Từ Pyinmana, tôi thuê xe đi tiếp tới Nay Pyi Taw, nhưng anh lái xe nói rằng vào buổi tối thì có thể nghỉ tại khu khách sạn ở cửa ngõ, không vào bên trong được. Tôi tặc lưỡi, sao cũng được, miễn đến gần Nay Pyi Taw là tốt rồi. Thế là xe lại bon bon. Con đường vào Nay Pyi Taw mới được xây, rộng và thoáng, nhưng gồ ghề, có lẽ do thời gian thi công gấp rút. Tại nhiều nơi, việc xây dựng vẫn chưa hoàn tất. Hai bên đường có những xóm nhỏ, nhà lá lụp xụp xen lẫn nhà ngói núp dưới rừng dừa xanh. Vượt qua một quãng đồng rộng là đến vùng đồi lúp xúp, những ngôi nhà khang trang đầu tiên hiện ra. Đó là khu khách sạn của thủ đô Nay Pyi Taw. Khu vực này nằm ngay trên xa lộ nối sân bay Nay Pyi Taw với thủ đô. Toàn thành phố mới có 6 khách sạn, được xây trong một khu vực tách biệt. Khách sạn ở đây không phải là nhà cao tầng mà là tập hợp hàng chục, hàng trăm biệt thự nhỏ, xen giữa là vườn hoa, bãi cỏ, sân quần vợt. Có thứ đã hoàn tất, có thứ đang xây dở dang. Một số nơi trong khu khách sạn vẫn còn những lều cỏ, vết tích còn sót lại của ngôi làng vừa bị giải tỏa để nhường đất cho thành phố mọc lên. Tôi quyết định nghỉ tại Khách sạn Royal Kumudra, nơi có giá thấp nhất là 50 USD/đêm, còn giá cao nhất là 120 USD. Khách sạn bên cạnh mà đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Ibrahim Gambari vừa nghỉ vài ngày trước đó trong một sứ mệnh quan trọng tới Myanmar, có giá thấp nhất là 70 USD.

Lối vào sân golf mới xây - Ảnh: Đỗ Hùng

Khách sạn vắng như một ngôi làng, chỉ có tôi và khoảng dăm ông khách nữa trọ qua đêm. Họ là doanh nhân từ Yangon lên Nay Pyi Taw làm hồ sơ, xin giấy phép. Trò chuyện với họ, tôi lại thấy thêm một sự nhiêu khê nữa. Số là do hầu hết văn phòng bộ ngành đều đã chuyển lên Nay Pyi Taw trong khi các hoạt động kinh tế lớn đều tập trung tại Yangon nên mỗi khi cần làm thủ tục, xin giấy phép, các doanh nghiệp phải tất tả "thượng kinh", không phải một mà đến hai lần, lần thứ nhất đi nộp, lần thứ hai đi nhận hồ sơ. Mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Mấy doanh nhân mà tôi gặp kể rằng mỗi khi lên đây họ thường nhậu với một số quan chức. Chuyện này nghe quen quen.

Thành phố của các vị vua

Sáng hôm sau, tôi thuê xe vào thủ đô Nay Pyi Taw. Sau khi rời khách sạn khoảng dăm phút, vượt qua bùng binh có đắp bông sen trắng to tướng, xe tiến vào khu vực nhà ở cho viên chức chính phủ. Người ta chia thành phố Nay Pyi Taw thành nhiều khu vực khác nhau. Ngoài cùng là khu khách sạn (Hotel Zone), với 6 cụm khách sạn rộng mênh mông nhưng dở dang. Tiếp đến là khu nhà ở cho công chức, sau đó là các cơ quan chính phủ, rồi đến khu biệt thự dành cho quan chức cấp thứ trưởng trở lên, trong cùng là khu vực dành cho quân đội.

Xe chạy chầm chậm, tôi quan sát thật kỹ, cố tìm kiếm một góc phố đông người nào đó để sà xuống. Nhưng chịu. Thật khó để gọi đây là một thành phố bởi tất cả đều mới được dựng lên. Góc này là một cụm chung cư cao bốn, năm tầng, góc kia là khu biệt thự, chỗ này là công trường xây dựng, chỗ kia là khu chợ mới lập. Mọi thứ đều sơ khai, mọi nơi đều im ắng, ít bóng người.

Những ngôi nhà im lìm và đường phố vắng hoe - Ảnh: Đỗ Hùng

Tiếp sau khu vực dành cho viên chức ở là đến dinh nguyên thủ quốc gia (tương tự dinh tổng thống vậy). Đó là một tòa nhà lớn, chiếm nguyên một góc đồi. Tiếp tục tiến vào bên trong, tôi gặp trụ sở các bộ. Mỗi trụ sở tọa lạc trên một ngọn đồi. Nhiều trụ sở nằm rất sâu phía trong, chỉ thấy cái cổng và dòng chữ bên đường. Văn phòng Quốc hội thì vẫn còn là một công trường xây dựng với cột trụ, giàn giáo, sắt thép lởm chởm, nằm giữa một đồi hoa lau trắng. Tiến sâu vào trong nữa là khu biệt thự dành cho thứ trưởng, rồi bộ trưởng. Đó là những biệt thự vừa phải, được xây cùng một kiểu, với tường sơn trắng và ngói đỏ. Không được phép chụp ảnh tại khu vực cơ quan chính phủ, biệt thự quan chức. Còn khu trụ sở Bộ Quốc phòng và doanh trại quân đội nằm ở một nơi biệt lập phía trong, dân thường không được phép vào. Tại thủ đô mới người ta cũng kịp làm một sân golf và xây một ngôi chùa nhỏ, vàng óng. Dọc đường đi, chúng tôi gặp rất ít người. Những khu nhà vắng tanh, trạm chờ xe buýt không bóng người, trên đường thì vài phút mới thấy một chiếc xe, chủ yếu là xe cảnh sát, quân đội và xe phục vụ công trường xây dựng. Khu chợ chính mới được xây của thủ đô cũng lưa thưa người và hàng hóa.

Khác với vùng đồng ruộng bên ngoài, khu vực thành phố Nay Pyi Taw là nơi có đồi núi lúp xúp. Những đường dốc quanh co, uốn lượn khá đẹp. Những ngọn đồi bị xẻ ngang, đất đỏ au như máu, xen giữa những đám cây xanh. Phía bên ngoài thành phố, người ta ngăn sông tạo ra một hồ lớn để cung cấp nước. Khi chưa đến đây, tôi cứ tưởng Nay Pyi Taw là một thành phố đã có từ lâu, sau đó chính phủ chuyển tới và mở rộng thêm ra. Nhưng khi tới nơi tôi mới biết đây là một thành phố mới hoàn toàn, được xây dựng từ một ngôi làng hẻo lánh cách đây hai năm. Thành phố được xây lên một cách khiên cưỡng, bằng sức mạnh ý chí của chính phủ và phục vụ những chiến lược nào đó. Có ý kiến cho rằng việc xây thành phố này đã khiến Chính phủ Myanmar bị thâm hụt ngân sách trầm trọng và biện pháp tăng giá xăng dầu vừa qua là nhằm bù khoản thâm hụt đó. Tôi không khẳng định điều này, nhưng quả thực khi ngắm thủ đô Nay Pyi Taw, vốn đang mang hình hài của một công trường, tôi thấy được phần nào công sức và tiền bạc mà chính quyền quân sự Myanmar đã, đang và sẽ đổ vào đây cũng như tham vọng của họ. Họ muốn biến vùng đất này thành một thành phố lớn, lớn hơn cả Yangon, có thể sánh với thủ đô của các nước trong khu vực. Nhưng tôi cũng biết rằng từ đây tới đó còn rất xa. Hiện ở Nay Pyi Taw, Chính phủ Myanmar đang đối mặt với nhiều khó khăn. Chẳng hạn như thiếu trường lớp, khu vui chơi, mua sắm cho các công dân mới.

Khi trở về bằng đường hàng không, tôi có dịp quan sát sân bay Nay Pyi Taw, nằm cách trung tâm thành phố chừng 20 km. Cửa ngõ hàng không thủ đô là một phi trường bé xíu, mỗi ngày đón khoảng 3-4 chiếc máy bay loại nhỏ, kiểu ATR-42, ATR-72. Tôi ngắm sân bay và cố gắng hình dung vào một ngày nào đó trong tương lai nó sẽ trở thành cảng hàng không lớn. Rất khó để hình dung. Nhưng có lẽ giới lãnh đạo Myanmar đã nhìn thấy rõ ngày đó, cũng như họ đã thấy một tương lai rực rỡ cho Nay Pyi Taw, thành phố của các vị vua.

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.