Hạnh phúc trên xe lăn

13/12/2005 00:51 GMT+7

Cơ sở bán thức ăn gia súc, thuốc thú y Lâm Nguyên Hưng tại thị xã Bạc Liêu giờ không chỉ nổi tiếng khắp vùng về chuyện kinh doanh mà nơi đây càng được biết đến bởi vị gia chủ khuyết tật tài hoa.

Không ông nào bằng ông này!

Cuối tháng 11, trời se lạnh, chúng tôi về Bạc Liêu tìm thăm nhà thơ khuyết tật Lâm Tẻn Cuôi - cũng là chủ doanh nghiệp Lâm Nguyên Hưng. Không hề hẹn trước, chúng tôi dong Honda tìm đến địa chỉ 5 Trần Phú, phường 7, thị xã Bạc Liêu và thật may khi hai vợ chồng anh Cuôi, chị Mai đều có nhà. Ngồi xe lăn trò chuyện mà điện thoại di động của anh cứ reo liên tục bởi các cuộc gọi giao dịch của khách hàng. Anh tiếp chúng tôi còn chị thì "né"  ở bên trong vì ngại phiền đến cánh đàn ông. Chúng tôi phải thuyết phục mãi chị mới chịu bước ra chụp hình. Chị thật thà phân trần: "Tui phận vợ nên phải ở bên trong, xuất hiện ngoài này đâu tiện. Tui nói thật với nhà báo, vợ chồng tui thật ra chỉ có 2 tay, 2 chân và một cái đầu thôi". 2 tay 2 chân thì đúng bởi anh liệt 2 chân, liệt luôn tay phải do di chứng sốt bại liệt hồi năm 1954 lúc mới lên 3. Chị thì yếu hẳn tay trái cũng do sốt bại liệt từ nhỏ. Nhưng vì sao chị lại nói 2 vợ chồng tui chỉ có 1 đầu? - Tui nói 1 đầu là vì đầu anh ấy trùm luôn cả đầu tui về khoản tính toán làm ăn quán xuyến gia đình và thật ra vợ chồng tui tuy 2 đầu mà là một thôi, luôn nhất trí cao trong mọi lo toan. Lấy một người khuyết tật làm chồng, chị có lo lắng nhiều không? - Nhà tui cùng xóm nên hay qua nhà ảnh mua đồ tạp hóa. Ảnh tuy tật nguyền nhưng hiền, chăm chỉ lắm, tui cảm phục rồi thương mới nên vợ chồng như bây giờ. Với tui, không ông nào bằng ông này! Sự chân chất của chị Mai làm chúng tôi cảm động. Chính sự đôn hậu đó nên, như lời anh Cuôi, vợ chồng ít khi nào cãi vã, điều tiếng. Có gì khó khăn bất đồng thì cùng nhau bàn bạc san sẻ, chắt chiu mọi thứ để lo cho con. Mấy đứa con - đứa đã đi làm, đứa đang học đại học - đều rất ngoan nên vợ chồng anh cũng được an ủi phần nào. Anh cho biết 8 tuổi anh mới được đến lớp nhưng cũng chỉ theo hết tiểu học. Từ đó anh tự học ở nhà. "Thời chiến tranh, chuyện đến trường của người khuyết tật khó như hái sao trên trời nhưng nhờ ráng tự học mà tôi mới lèo lái nổi chuyện kinh doanh và nhất là biết làm thơ. Cha mẹ mất sớm, hai vợ chồng lập nghiệp với phương châm truyền thống gia đình là chữ "tín" và không lười nhác, không dựa dẫm. Trên chiếc xe lăn này, tôi tự đến nhiều nơi để giao dịch làm ăn, làm việc đến tận khuya, có đêm chỉ ngủ vài tiếng". “Anh chị bây giờ đã là tỉ phú?” - “Tỉ phú gì đâu, nhưng thú thiệt là vợ chồng tôi hiện có nhà mặt tiền tại tỉnh lỵ này và một nhà mới cất ở khu đô thị Nam sông Cần Thơ. Chắt chiu cho con cháu đó mà!”.

Nhà thơ tay trái

Lâm Tẻn Cuôi viết bằng tay trái và đêm đêm cánh tay ấy lại gõ bàn phím làm thơ. Tập thơ đầu tay Về miền hoa nắng 30 bài của anh, ở phần lời bạt, nhà thơ Lê Chí ghi: "...Tôi đã đọc thơ Lâm Tẻn Cuôi từ năm sáu năm về trước. Anh viết nhiều về tuổi ấu thơ, thuở học trò trong trắng và kỷ niệm làng quê. Cuối năm ngoái (2004 - PV), nhân kết thúc cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long do Hội Văn nghệ tỉnh Bến Tre đăng cai, tôi mới gặp anh - khi anh nhận được giải khuyến khích với bài Em bé trốn bão. Đó là một Lâm Tẻn Cuôi ngồi trên xe lăn phải leo lên dốc của khán đài để nhận giải. Cả hội trường xúc động... Và anh đã chiến thắng chính mình. Anh trở thành một doanh nhân làm ăn khá phát đạt ở Bạc Liêu. Không chỉ thế, nhìn ra bầu trời bao la, anh đã mở cho mình một cánh cửa lạc quan hiếm thấy, ấy là ngày ngày kiên nhẫn gieo hạt trên cánh đồng thơ bằng chính ký ức của mình. Mỗi khi đọc thơ Lâm Tẻn Cuôi là tôi hay nghĩ về anh, nghĩ về một người đi xe lăn mà giỏi việc kinh doanh, ham làm từ thiện và rất hay làm thơ...".

"Tôi về phố thị năm năm lẻ/Mãi nhớ quê nghèo bao nắng mưa/ Nhớ chiều bắt cá bên đồng cạn/Canh chua cơm mẻ nấu rau dừa" (Nhớ về quê cũ - L.T.C), "Mai vàng mấy độ rồi em nhỉ/Khi bước chung trường mơ bướm hoa/ Có con chim nhỏ trên cành trúc/ Hót tiếng ban mai thật mượt mà" (Nhớ thuở mai vàng - L.T.C), "Lắng tiếng tơ đồng vọng nắng trưa/ Khúc ca sầu biệt của người xưa/Thở than ray rứt tình ai oán/ Văng vẳng qua thềm tiếng trẻ thơ" (Cha con người ăn mày - L.T.C), "Giọt lệ lăn dài thêm nhợt nhạt/Giỏ lư hương mẹ trĩu vai gầy/Em vác niềm đau tìm trốn bão/ Cha ở nơi nào cha có hay?" (Em bé trốn bão - L.T.C)... Những vần thơ của nhà thơ khuyết tật Lâm Tẻn Cuôi hàm chứa sự đồng cảm sâu sắc với những cảnh đời bất hạnh. Tiếp sau Về miền hoa nắng, nhà thơ họ Lâm đang chuẩn bị cho ra đời tập thơ thứ hai Tiếng hát học trò và như theo lời đùa yêu của chị Mai:  ông ấy bây giờ yêu thơ hơn yêu vợ!

"Tôi thật sự bàng hoàng và cứ luôn day dứt: có điều gì kỳ diệu trong thơ mà đã giúp người đi xe lăn này vượt lên dốc thế? Bản thân anh đã là một bản trường ca thấm đẫm buồn vui. Tôi không muốn có thêm lời bình nào nữa đối với thơ Lâm Tẻn Cuôi" - nhà thơ  Lê Chí xác quyết. Và chúng tôi cũng tin như vậy!

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.