Tôi kể chuyện đời với cả tấm lòng

27/10/2007 17:42 GMT+7

Bộ phim Nữ bác sĩ, với đa số nhân vật là nữ, một ê-kíp làm phim cũng nhiều nữ, và một vấn đề hoàn toàn thuộc về phái nữ nhưng xứng đáng có sự quan tâm của toàn xã hội: việc sinh đẻ, hay văn hoa hơn, việc cho ra đời những con người.

Nữ bác sĩ đã tránh được những lỗi thường thấy ở phim truyền hình Việt Nam với các ưu điểm: vấn đề thật, hình tượng thật, diễn xuất thật..., và nhờ đó, có được hiệu ứng thật. Cuộc trò chuyện với đạo diễn Song Chi bộc lộ một phần những quan niệm về nghề của chị.

* Chị đã bỏ ra nhiều công sức để chăm chút cho bộ phim. Giờ đây khi phim đã lên sóng, chị có thể tâm sự điều gì với khán giả?

- Bộ phim Nữ bác sĩ có đề tài và bối cảnh là ngành sản phụ khoa. Trong thực tế, tại các bệnh viện sản - phụ khoa, hằâng ngày hằâng giờ đang xảy ra việc có thể hay không thể ra đời những con người, có biết bao câu chuyện khác nhau, hạnh phúc và bất hạnh chen lẫn của các gia đình nói chung và phụ nữ nói riêng. Số phận các nhân vật trong phim cũng không hề khác với chuyện thường ngày ở các bệnh viện. Tôi hy vọng sau khi xem xong phim, khán giả sẽ hiểu hơn về công việc của các bác sĩ trong ngành sản phụ khoa, cũng chính là nước mắt và nỗi đau mà người đàn bà phải trải qua để có thể được làm mẹ. Nhưng chính vì điều này, bản thân từng người phụ nữ phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định cho hay không cho ra đời một con người...

Các nhân vật chính, các nữ bác sĩ cũng là những cô gái, những người vợ, người mẹ. Họ cũng có những nỗi niềm và hệ lụy của riêng mình, cũng trải qua những trắc trở, mất mát... trong tình bạn, tình yêu, hôn nhân. Hạnh phúc trên đời đúng là vừa không dễ tìm, lại hết sức mong manh và ít khi trọn vẹn...

* Chị định gửi thông điệp xã hội nào từ Nữ bác sĩ ?

Xuân Hòa (vai bác sĩ Ngọc Hà)

- Khi làm phim, chúng tôi cố gắng không rao giảng điều gì, cũng không cố đưa ra hướng giải quyết nào cả. Đó là việc của các nhà giáo dục, nhà đạo đức, và Nhà nước. Là một người làm phim, tôi chỉ kể lại những câu chuyện đời với tất cả tấm lòng và trách nhiệm xã hội của mình thôi.

* Những nhân vật chính trong Nữ bác sĩ đã được các diễn viên thể hiện rất tốt. Chị đã làm việc thế nào để có được kết quả này?

- Các diễn viên chính của Nữ bác sĩ một số đã từng đóng phim. Như Xuân Hòa (vai Ngọc Hà), từng tạo được sự chú ý với vai thứ chính nữ phóng viên Linh Sương trong phim Nghề báo. Các diễn viên Y Nhung (vai Thanh Hà), Hoài Nam (vai Luận), Minh Thắng (vai Khang), Mai Sơn Lâm (vai Lương)... cũng đều đã xuất hiện trong một số phim. Cũng có diễn viên lần đầu đóng phim và vào luôn vai chính như Quý Bình (vai Khải).

Khi chọn diễn viên, nguyên tắc của tôi là họ phải phù hợp và có khả năng diễn xuất, tất nhiên. Điều thứ hai là nhân vật càng thật, càng có số phận, càng có đất diễn thì diễn viên sẽ càng hứng thú với vai diễn hơn. Với Xuân Hòa, Y Nhung hay Quý Bình, các nhân vật trong phim đều trải qua nhiều đoạn đời khác nhau với nhiều thăng trầm trong cuộc sống, có sự chuyển đổi trong nhận thức, trong tính cách, nên diễn viên sẽ có nhiều đất để diễn.

Mỗi đạo diễn đều có cách làm việc khác nhau. Về phần mình, tôi tôn trọng sự sáng tạo của diễn viên, rất ít thị phạm và cũng không có thói quen to tiếng, tạo sự căng thẳng trong lúc quay. Với tôi, khi xong phim, nếu nhân vật tạo được sự đồng cảm, chia sẻ với khán giả thì đó là công sức và tài năng của diễn viên, ngược lại, nếu nhân vật còn có chỗ chưa thuyết phục hoặc cả bộ phim còn có bất cứ điều gì chưa hoàn chỉnh..., thì đó thuộc về trách nhiệm của đạo diễn.

* Trong phim có một cảnh khá “nóng”: khi Ngọc Hà và Khải yêu nhau, dẫn đến việc Hà có thai. Cảnh này đã được thể hiện trên phim khá đạt, không sượng và có góc hình khá đẹp. Chị có gặp khó khăn trong cảnh quay này?

Đinh Y Nhung (vai bác sĩ Thanh Hà)

- Thật ra thì cảnh “nóng” này cũng nhẹ nhàng thôi. Nhưng đối với các diễn viên Việt Nam, khi phải diễn những cảnh yêu đương như vậy bao giờ cũng là sự căng thẳng với họ. Khi quay những cảnh này, chúng tôi hạn chế ít nhất số người có mặt tại hiện trường để diễn viên đỡ thấy ngượng ngùng.

* Có một nhân vật phụ nhưng lại gây ấn tượng mạnh, nhờ diễn xuất rất tinh tế của diễn viên. Chị đã tìm thấy diễn viên này ở đâu và đã làm gì để giúp cô ấy nhập vai Thiên Hương, cô gái không còn khả năng làm mẹ khi mới 17 tuổi?

- Đó là diễn viên Lan Phương. Cô học trường Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, đã xuất hiện trong một số vở kịch của sân khấu thành phố. Lan Phương đã đến thử vai khi tôi casting cho phim. Theo tôi, đó là một diễn viên có lối diễn thông minh, tinh tế, và rất nghiêm túc với nghề nghiệp. Tôi hầu như không phải nói gì nhiều về nhân vật với cô ấy cả.

* Một số cảnh trong phim như cảnh mổ lấy con, cấp cứu, chọc hút trứng... có vẻ rất thật. Chị có thể nói thêm về những cảnh như vậy?

- Làm phim về đề tài, lĩnh vực nào thì trước hết phải đúng, phải thật về lĩnh vực đó. Khi làm phim này, ngoài sự tư vấn chung của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, khi đi quay những cảnh dính tới chuyên môn, chúng tôi luôn mời các bác sĩ đến tư vấn, ngay cả thoại cũng phải điều chỉnh cho đúng với thuật ngữ hoặc cách nói của dân ngành y. Còn các cảnh mổ bắt con hoặc chọc hút trứng thì đúng là giống như thật, bởi vì chúng tôi đã... quay cảnh thật trong bệnh viện.

* Qua Nữ bác sĩ, có thể thấy được sự kỹ tính của đạo diễn Song Chi. Chị có thể nói rõ hơn về sự kỹ càng của mình khi xúc tiến công việc?

Xuân Hòa (vai bác sĩ Ngọc Hà) và Mai Sơn Lâm (bác sĩ Lương)

- Cũng đơn giản thôi, tôi cố gắng kỹ trong từng khâu và ngay từ đầu, để phim càng ít sạn càng tốt. Về kịch bản, tôi luôn làm việc với biên kịch khi kịch bản văn học mới chỉ là đường dây, cùng bàn bạc sửa chữa suốt quá trình hoàn thành, tạo được mối đồng cảm, thống nhất về ý tưởng, nội dung, tính cách nhân vật..., giữa đạo diễn và biên kịch, chưa kể là tôi sẽ có thời gian để ngấm với các nhân vật. Và như vậy cũng để sau này tránh được chuyện không hài lòng vì nhau.

Thật ra, người làm phim truyền hình hiện nay đang phải chịu áp lực lớn về thời gian và kinh phí. Nhưng một số đạo diễn vẫn cố gắng kỹ càng, và vì thế họ từ chối những kịch bản mà dù có sửa đến đâu cũng khó hay được, hoặc những lời mời làm phim với sự thúc hối quá gấp gáp, khó lòng đảm bảo được chất lượng của bộ phim sau này.

* Tác phẩm sắp tới của chị?

- Cũng lại là phim truyền hình và làm cho TFS. Một bộ phim điều tra phá án, khoảng 30 tập. Nếu Nữ bác sĩ từ đầu đến cuối là chuyện liên quan đến sinh nở thì phim sắp tới lại sẽ toàn... người chết. Bên cạnh đó, tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc thú vị từ trước đến giờ của mình: phim tài liệu đề tài văn hóa xã hội.

* Đi học ở Ấn Độ về phim nhựa nhưng lại chỉ làm phim truyền hình, có khi nào chị... chạnh lòng không?

- Sẽ không thật lòng nếu tôi đáp rằng tôi không mơ được làm những bộ phim điện ảnh thật sự. Bởi vì với truyền hình, các đạo diễn khó có cơ hội để thi thố hết mức về nghề, nhất là trong điều kiện làm phim nhanh - rẻ như hiện nay. Nhưng truyền hình lại có thế mạnh về số lượng khán giả, cho phép người làm phim đưa ra những vấn đề thời sự xã hội, đạt hiệu quả tương tác cao với người xem, đồng thời độ dài của phim nhiều tập cho phép phát triển những câu chuyện trải dài về thời gian, với những giai đoạn khác nhau của lịch sử... Vì vậy,  làm phim điện ảnh hay phim truyền hình, tôi thấy đều có những thú vị khác nhau.

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.