Hi sinh cho sự sống trở về - Kỳ 1: Điều kỳ diệu của mẹ

13/11/2009 11:00 GMT+7

Người quyết tâm hiến quả thận của mình, người sẵn lòng vào phòng mổ lấy tủy... Họ nhận lấy hi sinh để người thân của mình vượt qua bệnh hiểm nghèo, được sống để viết tiếp câu chuyện đời dang dở.

Những câu chuyện cảm động đọc mà cứ rưng rưng về sự kỳ diệu của tình thân ruột rà.

Năm 2001, chồng mất, cô Dương Thị Hoàng Oanh (đường An Bình, Q.5, TP.HCM) chới với, hai đứa con gái quá nhỏ dại.

Năm 2002, con gái lớn Lê Hoàng Anh (sinh năm 1992) bị viêm cầu thận cấp. Chữa trị một thời gian thấy ổn, ai cũng nghĩ đã hết bệnh. Đầu năm 2003, khi bé Hoàng Anh chuẩn bị nhập học thì phải nhập viện. Căn bệnh xuôi theo chiều hướng rất xấu.

Các bác sĩ báo cho cô Hoàng Oanh: “Con bé bị suy thận giai đoạn cuối rồi. Bệnh này chỉ mổ ghép thận mới hết thôi”. Người mẹ nghe hung tin ập đến, sững sờ rồi ngây dại đến nỗi không nói nổi. Cô được giới thiệu qua Bệnh viện Nhi Đồng 2 gặp bác sĩ Trần Thị Mộng Hiệp, trưởng khoa thận máu - nội tiết.

Cứu con - không phải là canh bạc

“Phải ghép thận con mình mới được cứu sống! Phải ghép thận... Nhưng biết tìm thận ở đâu? Lúc đó mẹ nghĩ ngay đến mình nhưng lại lo lắng không biết có phù hợp với con không. Nhưng vẫn phải thử”. Mẹ tự tìm đến gặp bác sĩ, đề nghị cắt một quả thận ghép cho con. Khi biết chuyện, rất nhiều người phản đối.

Ngay cả những người có thân nhân ghép thận cũng tỉ tê: “Chị phải suy nghĩ thật kỹ. Rủi không hợp thì mình mất một quả thận mà con mình vẫn chết!”. Mẹ đau đáu trăn trở gần như trắng đêm nhiều ngày. Lỡ có chuyện gì ai nuôi hai đứa con?”, cô Hoàng Oanh nhớ lại.

Cuối cùng, người mẹ vốn bị thiếu máu không rõ nguyên nhân chỉ nặng 38kg vẫn quyết định cứu con mình. Cô phải uống thuốc trong ba tháng để có lượng máu đảm bảo mới có thể tiến hành cuộc phẫu thuật.

“Với mẹ, hành động đó không phải là canh bạc mà là nỗ lực cuối cùng để giành lại sự sống cho con gái mình. Đi xét nghiệm HLA (tỉ lệ hòa hợp về tế bào), mẹ lo đến phát khóc. Không phải vì sợ việc phải cho đi một quả thận. Nhà nghèo, chỉ có ba mẹ con. Em gái con thì quá nhỏ. Mẹ chỉ còn biết bám vào tia hi vọng là hiến một bên thận trong cơ thể mình để cứu con. Nếu tỉ lệ hòa hợp về tế bào không đạt thì hi vọng cứu sống con coi như vụt tắt.

 

"Nhà mình nghèo. Mẹ chỉ bán cháo rồi bán nước lai rai nên không thể lo cho các con đầy đủ..." - Ảnh: My Lăng

Những ngày đợi kết quả xét nghiệm, lúc nào mẹ cũng khóc vì hồi hộp và căng thẳng. Nghe bác sĩ thông báo tỉ lệ hòa hợp về tế bào của mình cho phép có thể tiến hành phẫu thuật, mẹ mừng rơi nước mắt. Nhưng mẹ giấu không nói cho con biết. Mẹ sợ con thương mẹ quá không chịu ghép thì khổ. Cơ hội chỉ còn lần này thôi”.

Nhưng cuộc phẫu thuật phải hoãn tới năm sau, ngay những giờ cuối cùng.

Ngày 14-6-2005, chuẩn bị phẫu thuật để ghép thận. Bé Hoàng Anh bất ngờ bị lên huyết áp, bác sĩ phát hiện cô bé bị lao xơ nhiễm. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho người ghép thận. Thận sẽ bị hư, rất uổng. “Con phải nằm điều trị một tháng ròng ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Mẹ gần như phát điên vì lo lắng sáu tháng sau có thể con lại...”.

Một năm sau. Tối 24-3-2005, tại phòng cách ly của Bệnh viện Nhi Đồng 2. Từng giọt tích tắc khe khẽ của kim đồng hồ đang nhích dần đến số 12.

Cuộc phẫu thuật thứ hai nghẹt thở

“Đó là đêm dài nhất trong đời mẹ. Máy lạnh bật ù ù, trên người chỉ khoác duy nhất tấm drap vô trùng mỏng manh. Người mẹ run lên từng chập vì lạnh. Nỗi ám ảnh từ ca ghép định thực hiện năm 2004 đến phút chót phải hủy lại ập về. Đã thế lại gần “tới ngày” nên mẹ cứ hồi hộp, lo ngay ngáy. Bác sĩ bảo nếu bị cảm hay “tới ngày”, cuộc phẫu thuật phải hoãn lại”.

Trái tim bộn bề âu lo của người mẹ tội nghiệp cứ đập thình thịch, chỉ muốn nhảy khỏi lồng ngực. Bao cảm xúc, suy nghĩ dồn dập chồng chéo làm cô Hoàng Oanh không thể chợp mắt. “Đã có lúc mẹ nghĩ tới trường hợp xấu nhất nhưng vội vàng bắt mình phải quên ngay. Đã thật sự yêu thương con thì bớt đi 20, 30 năm sống của mình để mang lại cuộc sống cho con cũng là chuyện bình thường thôi. Cuộc sống, sức khỏe của mình chẳng có nghĩa gì nữa nếu con mình chết. Nghĩ đến đó mẹ nhắm mắt lại, thanh thản chìm vào giấc ngủ”.

Tỉnh dậy, cô Hoàng Oanh thấy mình nằm trong phòng hậu phẫu. Lúc đó đã gần 5g chiều 25-3-2005. “Khi mở mắt mẹ hoảng sợ vì quanh mình rất im ắng. Rồi rất nhanh, cảm giác đầu tiên là đau. Đau lắm. Nhưng lạ một điều là mẹ không hề thấy mất mát gì cả. Lúc đó mẹ chỉ nghĩ không biết con mình sao rồi, nó tỉnh dậy chưa... Nghĩ đến việc con được cứu sống mẹ thấy vững tâm lắm. Mẹ mừng quá đến nỗi cứ run lên. Rồi lại khóc. Mẹ chỉ muốn gặp con ngay”.

Sau khi ghép thận được ba tháng, bé Hoàng Anh lại bị nhiễm trùng phải nằm viện tiếp một tháng.

“Lúc đó mẹ thấy mình sao khổ quá, chỉ muốn chết quách cho xong. Khi cha con mất, mẹ đã thấm thía nỗi đau mất người thân yêu như thế nào. Mỗi lần nhìn thấy người ta có vợ có chồng, có người quan tâm, cùng chăm sóc con cái, cùng đi chơi, mẹ tủi thân lắm. Mẹ chỉ biết dựa vào hai đứa con mà ráng sống, ráng làm. Nhà mình nghèo. Mẹ chỉ bán cháo rồi bán nước lai rai nên không thể lo cho các con đầy đủ. Nhiều lúc mẹ muốn mua cái áo cái quần mới cho hai chị em nhưng cứ nghĩ tới tiền thuốc phải lo cho con lúc con 18 tuổi là lại thôi”.

Ba năm sau gặp lại, cô Hoàng Oanh gầy hơn trước, còn bé Hoàng Anh cao và trắng hồng hơn. Do sức khỏe vốn đã yếu, lại trải qua đợt phẫu thuật nên cô Hoàng Oanh xin bảo lưu kết quả cho Hoàng Anh ba năm. Cô bé đang học lớp 9 Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM).

“Sau khi ghép thận được một năm, quả thận của mẹ đã thích nghi hoàn toàn với cơ thể em nên sức khỏe hồi phục như trước. Lớn lên em mới biết được sự hi sinh của mẹ dành cho mình quá lớn. Bây giờ mỗi tháng một lần mẹ lại đưa em đến bệnh viện làm xét nghiệm, tái khám. Lần nào mẹ cũng động viên em, làm cho em vui...” - Hoàng Anh tâm sự.

Năm đó Hoàng Anh là một trong ba ca mổ được miễn phí 100% và được miễn tiền thuốc đến năm 18 tuổi. Năm nay cô bé đã 17 tuổi. “Khi chưa ghép thận Hoàng Anh đi tí xíu là huyết áp lên, da xám ngắt. Hồi đó cháu chỉ nặng hơn 20kg, nhưng sau khi ghép tăng lên tới 10kg”, người mẹ hạnh phúc ôm lấy đứa con mà cô đã giành lại từ tay tử thần, cười thật mãn nguyện.

Theo My Lăng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.