WikiLeaks và những tiết lộ gây sốc

03/12/2010 16:32 GMT+7

(TNO) Những thư tín ngoại giao của Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ đã vẽ nên một bức tranh gây sốc về Chính phủ Afghanistan, từ việc Mỹ chê ông Harmid Karzai - nhân vật mà Mỹ đã hậu thuẫn lên ghế tổng thống - là bất tài và hoang tưởng, đến nạn tham nhũng tràn lan.

Bẽ mặt tổng thống

Theo nội dung các thư tín điện tử vừa bị WikiLeaks tiết lộ thì Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, ông Karl Eikenberry, đã mô tả Tổng thống Harmid Karzai của Afghanistan là người hoang tưởng và “không có khả năng nắm bắt những nguyên tắc xây dựng nhà nước ở mức độ sơ đẳng nhất”.

 
 Sau khi giúp ông Karzai (ảnh) ngồi vào ghế tổng thống Afghanistan, Mỹ đang phải thất vọng - Ảnh: AFP

Trong thư điện tử ngày 7.7.2009, đại sứ Eikenberry cũng viết rằng ông Karzai đã “tự ý thức đến độ quá mức cần thiết rằng thời đứng ở vị trí trung tâm với những nhận xét hoa mỹ của cộng đồng quốc tế đã qua rồi”. Tuy nhiên, ông Karzai lại “tự cho mình là một anh hùng quốc gia đã cứu đất nước khỏi bị chia cắt từ chương trình nghị sự chủ trương phân quyền của Abdullah (từng là ứng viên Tổng thống), các đối thủ chính trị khác, các nước láng giềng và Mỹ”.

Đại sứ Eikenberry kết luận: “Tôi sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại thẳng thắn, hợp tác (và có lẽ có lúc sẽ phải đối đầu) với Karzai. Không có một giải pháp rõ ràng nào khác vào lúc này. Quan điểm hiện nay của Karzai về tương lai của Afghanistan phụ thuộc quá nhiều vào các thủ lĩnh địa phương, cả có vũ trang và phi vũ trang cùng hàng loạt nhân vật khác - những người rất khó có thể thích ứng với cam kết của chúng ta trong việc xây dựng những cơ quan chính phủ mạnh mẽ và lực lượng an ninh chuyên nghiệp”.

Các tiết lộ mới cũng cho thấy mối quan hệ giữa NATO và ông Karzai rất bất ổn. Hãng truyền thông CNN trích thư điện tử vào tháng 10.2008 kể rằng một quan chức Anh đã nói nước Anh tiếp tục cảm thấy “thất vọng ê chề” về Karzai. Nhưng ông này nói tiếp: “Tôi đã nhắc mọi người rằng chính chúng ta - cộng đồng quốc tế - đã chọn ông ấy”.

Thu 200 được 30

New York Times, tờ báo đã được tiếp cận sớm với khoảng 250.000 trang tài liệu của WikiLeaks, nhìn nhận rằng các tài liệu này cho thấy tình trạng tham nhũng ở Afghanistan xảy ra như là “điều tất yếu ở khắp mọi nơi, với mức độ tràn ngập”.

 
 Các tiết lộ của WikiLeaks tiếp tục gây sốc trên toàn cầu - Ảnh: AFP

Cả quan chức chính phủ cũng phải chấp nhận là nạn nhân. Đơn cử Bộ trưởng Y tế Sayed Fatimie từng kể với các quan chức Mỹ rằng các nghị sĩ quốc hội đòi ông phải chung chi mới bỏ phiếu thông qua chức vụ của ông. 1.000 USD là giá cho “vé” hậu thuẫn của mỗi nghị sĩ.

Những thư khác do giới chức Mỹ gởi đi từ Kabul đã kể đến những đường dây “dịch vụ”chuyên nhận tiền từ các tay buôn lậu ma túy, các tổ chức tội phạm và cả lực lượng nổi dậy để hối lộ cho quan chức chính phủ.

Một quan chức cao cấp của Afghanistan kể cho đại sứ quán Mỹ rằng trong số 200 triệu USD tiền phí giao thông thu từ xe tải, chỉ có 30 triệu USD là đến tay chính phủ.

Còn trong thư viết vào tháng 10.2009, một quan chức Mỹ tả rằng “một lượng rất lớn tiền mặt được chuyển ra/vào đất nước (Afghanistan) hằng tuần, hằng tháng và hằng năm. Trước cuộc bầu cử vào ngày 20.8, đã có 600 triệu USD được phát hiện rút ra từ hệ thống ngân hàng. Hơn 190 triệu USD tiền mặt đã được đưa qua sân bay Kabul để đến Dubai”.

Tờ New York Times cũng dẫn lại lời của một quan chức Afghanistan kể lại “bốn quy trình” mà các đồng nghiệp của ông này bòn rút tiền từ các dự án phát triển: khi đấu thầu dự án, khi xin giấy phép xây dựng, trong quá trình xây dựng và lúc làm lễ cắt băng khánh thành.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.