Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua xe điện như thế nào?

28/04/2023 19:59 GMT+7

Việc sử dụng xe điện đã trở thành một phần cơ bản của quá trình chuyển đổi xanh diễn ra trên toàn cầu, trong đó Trung Quốc là quốc gia hàng đầu về sản xuất và sử dụng xe điện.

Ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Số lượng xe điện mà nước này sản xuất và bán ra trong vòng 2 năm qua tăng trưởng nhanh chóng.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Công nghiệp ô tô Trung Quốc, thị trường ô tô chạy bằng năng lượng mới của nước này đã có sự bùng nổ trong năm 2022 với tổng sản lượng đạt 7,058 triệu chiếc, tăng 96,9% so với năm 2021. Doanh số bán ra đạt gần 7 triệu chiếc (bao gồm 5,365 triệu chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện và 1,518 triệu chiếc xe hybrid - xe lai giữa xăng và điện), tăng 93,4% so với năm 2021. Năm 2022 cũng là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua xe điện như thế nào? - Ảnh 1.

Một mẫu xe điện của Geely (Trung Quốc) tại triển lãm ở Thượng Hải năm 2021

REUTERS

Tính cạnh tranh của các thương hiệu ô tô điện lớn của Trung Quốc như SAIC, MG, BYD, Geely hay Nio ngày càng cao. Hiện nay, các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc đang chiếm khoảng 40% thị trường xe điện thế giới, đồng thời đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới ở phần còn lại của thị trường châu Á, nhờ ký kết các hiệp định thương mại khu vực. Trong khi đó, châu Âu, nơi có những thương hiệu ô tô tiên phong, hiện mua khoảng 19% ô tô điện từ Trung Quốc và đây mới chỉ là bước khởi đầu. Các nhà sản xuất ô tô điện lớn của Trung Quốc như BYD kỳ vọng có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu lên khoảng 50% trong thời gian tới với các mẫu xe dành riêng cho thị trường này.

Động lực phát triển

Ngay từ đầu năm 2000, trước khi mạo hiểm bước vào lĩnh vực xe điện, các hãng xe nội địa thuộc ngành sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong của Trung Quốc đều không thể cạnh tranh được với các hãng sản xuất ô tô nước ngoài của Mỹ, Nhật Bản, Đức, thậm chí buộc phải nhường "sân chơi nội địa" cho chính các hãng xe này, theo MIT Technology Review.

Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra rằng họ sẽ không thể vượt được các hãng xe lâu đời của Mỹ, Nhật Bản và Đức trong việc cải tiến và phát triển động cơ đốt trong. Chính điều này đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc quyết tâm tập trung đầu tư vào một lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro và mạo hiểm là sản xuất xe điện chạy bằng pin hoàn toàn.

Cơn sốt đã qua, xe điện "tỉnh mộng" trước thị trường đại chúng

Hơn nữa, sản xuất xe điện còn là "mũi tên trúng nhiều đích" vì không những giúp Trung Quốc hướng đến mục tiêu giành lại thị phần trên chính thị trường nội địa của mình, tăng khả năng cạnh tranh và tiến tới mục tiêu thống trị thị trường nước ngoài mà còn giúp chính phủ Trung Quốc có thể giải quyết các vấn đề lớn đầy nan giải như: tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các thành phố lớn, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, đồng thời giúp nước này tái thiết nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng năm 2008.

Thế mạnh giúp thống trị thị trường

Ngành sản xuất ô tô điện của Trung Quốc phát triển bùng nổ trong thời gian qua vì có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các đối thủ khác. Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc có chính sách hỗ trợ rất tốt với ngành xe điện thông qua các khoản trợ cấp hào phóng như giảm thuế và nhiều ưu đãi chính sách, đồng thời luôn đóng vai trò là "vườn ươm công nghệ" và đồng hành cùng các doanh nghiệp. Nhờ đó, một loạt thương hiệu xe điện nội địa mới xuất hiện, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc cũng như xuất khẩu.

Từ năm 2009 - 2022, chính phủ Trung Quốc đã phân bổ tới hơn 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 29 tỉ USD) vào các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, hỗ trợ các công ty xe điện duy trì hoạt động trong những năm đầu, triển khai chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân mua xe điện.

Hơn nữa, chính sách ưu đãi và các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc không bị giới hạn ở các công ty nội địa mà áp dụng cho cả các hãng xe nước ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc thực sự gắn bó sâu sắc với hãng Tesla (Mỹ) khi đưa ra các ưu đãi tích cực để mời Tesla xây dựng các cơ sở sản xuất tại nước này. Gigafactory (nhà máy lớn) của Tesla ở Thượng Hải được xây dựng cực kỳ nhanh chóng vào năm 2019 nhờ các chính sách thuận lợi của địa phương và hiện đã trở thành trung tâm sản xuất hiệu quả nhất của Tesla khi chiếm hơn một nửa số xe Tesla được giao vào năm 2022. Ngày nay, Trung Quốc là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của Tesla.

Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua xe điện như thế nào? - Ảnh 2.

Mẫu xe Model 3 của Tesla tại nhà máy ở Thượng Hải

REUTERS

Nhà kinh tế trưởng Alicia García-Herrero phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty quản lý quỹ Natixis (Pháp) nói rằng: "Chính sách này rất thông minh" bởi thay vì "chọc giận người nước ngoài bằng chính sách thiên vị nội địa", Trung Quốc đã tạo ra được hệ sinh thái chung khiến các công ty nước ngoài không thể rời bỏ họ.

Thứ hai, vốn là một cường quốc sản xuất ô tô động cơ đốt trong, Trung Quốc đã có sẵn lợi thế về chuỗi cung ứng, từ đó hỗ trợ rất lớn cho việc phát triển ngành sản xuất xe điện. Bên cạnh đó, khả năng sản xuất và hàng hóa giá rẻ giúp duy trì các nhà máy sản xuất ô tô động cơ đốt trong của Trung Quốc cũng có thể chuyển sang hỗ trợ ngành sản xuất xe điện nước này rất lớn.

Doanh số bán xe ô tô điện toàn cầu tăng 66%

Thứ ba, Trung Quốc đang nắm trong tay công nghệ pin - chìa khóa thống trị lĩnh vực xe điện bởi pin là thành phần quan trọng nhất khi chiếm tới 40% giá thành xe điện. Trong một thập niên qua, các công ty Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ pin lithium ferrous phosphate (LFP) thay vì loại pin niken mangan coban (NMC) phổ biến ở phương Tây. Công nghệ LFP có rất nhiều lợi ích và tính đến tháng 9.2022, nó chiếm tới 1/3 tổng số pin xe điện.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng là nước kiểm soát nhiều nguyên liệu thiết yếu để tạo ra pin xe điện như coban, niken sunfat, lithium hydroxit và than chì. Do đó, pin xe điện của Trung Quốc vừa có giá thành thấp, vừa có số lượng lớn.

Thứ tư, xe điện của Trung Quốc không những có giá thành rất cạnh tranh so với các hãng xe điện nổi tiếng trên thế giới như Tesla Model S hoặc Hyundai Ioniq 5, mà phạm vi hoạt động, hiệu suất và kiểu dáng cũng ngang ngửa xe của các hãng này. Thậm chí, các nhà sản xuất Trung Quốc còn tự tin khẳng định, ngay cả khi tăng giá thì họ vẫn sẽ "hạ gục" xe điện của Telsa.

Đơn cử, Model S của Telsa có giá 89.990 USD (hơn 2,1 tỉ đồng), đắt hơn BYD Han của Trung Quốc tới 58.890 USD (gần 1,4 tỉ đồng). Trong khi Tesla Model 3 Performance có phạm vi hoạt động 504 km và được bán với mức giá 53.990 USD (khoảng 1,3 tỉ đồng), ET5 của Nio của Trung Quốc có phạm vi hoạt động lên tới 994 km nhưng mức giá bán chỉ có 47.520 USD (khoảng 1,1 tỉ đồng). 

Tuy nhiên, ưu thế này đang lung lay khi Tesla đẩy mạnh chiến lược hạ giá kể từ đầu năm đến nay, để cạnh tranh và đang khiến cho các hãng Trung Quốc gặp nhiều thách thức.

Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua xe điện như thế nào? - Ảnh 3.

Xe điện được cắm sạc tại thành phố Liễu Châu, Trung Quốc

REUTERS

Dự báo tăng trưởng thị trường xe điện

Các chuyên gia đánh giá, trên thực tế, sự tăng trưởng của thị trường xe điện mới chỉ bắt đầu. Doanh số bán xe điện dự kiến sẽ tăng từ 4% tổng doanh số bán ô tô vào năm 2020 lên 70% vào năm 2040, trong đó Trung Quốc là thị trường chính, tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU), trong khi phần còn lại của châu Á được dự đoán sẽ tham gia vào cuộc chơi này từ năm 2025 trở đi.

Tập đoàn ING của Hà Lan (hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính) nhận định thị trường ô tô đang phát triển của Trung Quốc cũng có nghĩa là xe điện sẽ chiếm thị phần lớn hơn trong đội xe của quốc gia này. ING dự báo, đến năm 2025, 13% phương tiện trên đường của Trung Quốc sẽ là xe điện và đến năm 2030, 50% doanh số bán ô tô của Trung Quốc sẽ là xe điện, sớm vượt mục tiêu mà chính phủ nước này đề ra tới 5 năm.

Dàn ô tô điện "chiếm sóng" triển lãm xe Thượng Hải

Có thể thấy, Trung Quốc đang dẫn đầu trong cuộc đua thống trị trong lĩnh vực xe điện khi có nhiều lợi thế, nhất là trong việc kiểm soát các thành phần pin xe điện. Sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện thời gian qua không chỉ giúp ngành công nghiệp ô tô nước này tăng trưởng bền vững trong thời kỳ đại dịch Covid-19 mà còn thúc đẩy Trung Quốc tiến tới trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chính sách khí hậu. Tuy nhiên, với việc xe điện là một công cụ hữu ích để các chính phủ thể hiện nỗ lực chống biến đổi khí hậu, các thành phần của pin xe điện có thể dễ dàng trở thành một thế đối đầu địa chính trị quan trọng và có thể là một "nút thắt cổ chai" mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giống như "cuộc chiến" về chất bán dẫn hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.