Ngô Thái Uyên gia nhập làng thời trang Mỹ

11/01/2006 10:56 GMT+7

Một con đường đã và đang mở ra cho hàng dệt may VN để bước vào làng thời trang quốc tế: thiết kế và hoàn chỉnh sản phẩm "made in VietNam". Người mở đường là cô gái Ngô Thái Uyên.

J.jill - một trong những tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng thời trang hàng đầu của nước Mỹ - đã không tiếc lời ca ngợi nhà thiết kế mới toanh của mình trong catalogue các mẫu thời trang J. jill Thu/Đông 2005. "Trong con người cô ấy là cả sự kết hợp giữa tài khéo léo tột đỉnh của bàn tay Việt Nam với kinh nghiệm thời trang quốc tế để mỗi sản phẩm mang một sắc thái riêng biệt", J. jill viết giới thiệu về Uyên cùng với 3 mẫu khăn quàng cổ do Uyên thiết kế.

Cuộc chơi màu sắc

Đứng bên cạnh những chiếc khăn choàng cổ truyền thống của J. jill, các thiết kế của Uyên trở nên nổi bật nhờ sự pha trộn độc đáo giữa hai nền văn hóa. Những chiếc khăn mang màu vàng rực rỡ của ánh nắng phương Nam được "kềm" lại bằng màu xanh thẳm của biển và xanh lơ của mây trời để không quá "nổi bật" giữa mùa đông lạnh lẽo của châu u.

Một khám phá mới mẻ của Uyên trên vải tơ tằm cao cấp Toàn Thịnh với những đường nét, mảng miếng đậm nét Á Đông nhưng vẫn giữ một tinh thần phương Tây mạnh mẽ, dứt khoát. Với J. jill, đó là sự đúc kết tinh hoa của quá trình sáng tạo tỉ mỉ của một nhà thiết kế còn rất trẻ đến từ Việt Nam - "cường quốc" về gia công hàng dệt may trên bản đồ thế giới.

Các sản phẩm của Uyên đều được J. jill đính nhãn hiệu "thiết kế và sản xuất tại Việt Nam" và bán với giá 108 USD. Hơn 5.000 sản phẩm cho đợt hàng đầu tiên là "giấy thông hành" để Uyên chính thức trở thành nhà cung cấp hàng chuyên nghiệp cho J. jill. Nhưng cô cũng thú nhận đã phải "trày da tróc vảy" mới bước chân được vào dây truyền thời trang này bởi J. jill không mua thiết kế mà mua sản phẩm cuối cùng.

Điều đó có nghĩa Uyên phải tự tổ chức sản xuất bằng hàng loạt các liên minh với nhà máy dệt - may lớn đạt tiêu chuẩn của bộ phận QC (kiểm soát chất lượng cao) do J. jill phái sang. "Làm sao để tất cả các sảm phẩm cuối cùng đều thể hiện đúng bản mẫu là điều không dễ vì vải dệt tại Việt Nam thường chênh màu, nhất là đối với loại vải cực kỳ nhạy cảm như tơ tằm. Việc những sản phẩm đầu tiên liên tục bị từ chối cũng giúp tôi hiểu rằng con đường tôi chọn thật gập ghềnh, nhưng tôi nhất định đi vì tôi tin rằng nghành dệt may VN sẽ có những thiết kế "đứng" được trong làng thời trang thế giới nếu mình biết kiên nhẫn và cố gắng.

Vượt thời gian

Sau những vấp váp đầu tiên, "guồng máy" của Công ty cổ phần thiết kế NTU do Uyên làm giám đốc mỹ thuật đã có những kinh nghiệm cần thiết để "chạy" suôn sẻ hơn.

Đầu tháng 1/2006, lô hàng cho xuân hè 2006 với làn vải mỏng hơn, màu sắc nhẹ hơn, nữ tính hơn được xuất sang Mỹ. Uyên tiếp tục bắt tay vào thiết kế cho đơn hàng thu đông 2006. Nhưng cùng lúc cô phải hình dung về xu hướng thời trang 2007 qua những tài liệu mà J. jill gửi sang. "Nhà thiết kế phải luôn làm việc trong tư thế "vượt thời gian" để đi trước suy nghĩ của khách hàng, thậm chí còn định hướng cho họ: J. jill giúp tôi rất nhiều cho việc cập nhật thông tin để không đứng ngoài dòng chảy thời trang của thế giới. Nhưng bản thân tôi cũng phải tìm tòi liên tục để nguồn sáng tạo không bị chai lì hay cạn đi" - cô tâm sự.

Một đại diện của J. jill từng hỏi Uyên thường tìm cảm hứng sáng tạo ở đâu? "Từ mọi thứ trong thế giới xung quanh tôi" - Uyên trả lời - "Một bộ phim hay, nét kiến trúc của thành phố tôi yêu thích, một tiếng động trong đêm, hay chỉ là một chiếc lá lúc đổi màu. Tôi chuyển tải những gì để ấn tượng trong tôi vào những phác thảo khi thiết kế. Rồi sau đó những cảm nhận này được lan truyền sang đội ngũ thợ thủ công lành nghề VN để biến phác thảo thành thiết kế mẫu".

(Theo Tuổi trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.