21% số người nhiễm HIV/AIDS mới là công nhân lao động

Duy Tính
Duy Tính
19/05/2023 14:28 GMT+7

Số người nhiễm HIV/AIDS mới đang có xu hướng trẻ hóa, tuổi đời từ 16 - 29, trong đó có nhiều công nhân lao động.

Ngày 19.5, tại TP.HCM, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị liên quan trong và ngoài nước, tổ chức hội thảo tăng cường các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến cuối năm 2022, ước tính cả nước có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS (220.580 người được biết rõ tình trạng) và 112.572 người tử vong. Số người nhiễm HIV mới trong năm 2022 theo báo cáo là 11.037 và 1.582 người tử vong. Trong tổng số mắc mới của năm 2022, chiếm nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, TP.HCM.

21% người nhiễm HIV/AIDS mới là công nhân lao động - Ảnh 1.

Hội thảo tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc

DUY TÍNH

Từ năm 2020 trở lại đây, số người nhiễm HIV/AIDS gia tăng, trong đó nam giới chiếm 84,4%. Lây truyền HIV qua đường máu đang giảm, nhưng lây truyền qua đường tình dục tăng, đặc biệt trong nhóm quan hệ đồng giới tăng liên tục từ năm 2011 đến nay (năm 2020 chiếm 47%). Tỷ lệ quan hệ đồng giới nhiễm HIV rất cao, trung bình 13/100 người nhiễm, khu vực miền Nam cao hơn với 17/100 người nhiễm.

Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cảnh báo tình hình lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16 - 29, đặc biệt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn, rất đáng lo ngại. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp nhiễm HIV, thậm chí nhiều người đến giai đoạn AIDS mới biết. Đây là điều đáng tiếc, khi hiện nay có thuốc điều trị giúp người bệnh khỏe mạnh bình thường.

Bác sĩ Hải Sơn cho biết thêm, cộng đồng nhiễm HIV nhiều nhất hiện nay là người quan hệ tình dục đồng giới: "Hiện nay không có con số cụ thể của quốc gia nào để ước tính được tỷ lệ người quan hệ tình dục đồng giới trong cộng đồng. Nhưng các báo cáo nghiên cứu tại nhiều quốc gia, nhiều tỉnh ở Việt Nam cho thấy khoảng 3,5% dân số thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới, lưỡng tính)".

Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, cần tuyên truyền phổ biến nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS tại các khu công nghiệp, đặc biệt trong các tổ chức liên đoàn lao động. Ông cảnh báo, nếu có quan niệm sai lầm, kỳ thị phân biệt đối xử với LGBT, sẽ tiếp tục đẩy tình trạng nhiễm HIV lên cao trong cộng đồng này, từ đó lây tiếp cho các cộng đồng dân cư khác, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. "Cần đối xử công bằng, bình đẳng và đảm bảo hài hòa quyền lợi cho cộng đồng này, giúp cho họ sống và cống hiến", bác sĩ Hải Sơn đề nghị.

Tại hội thảo, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết theo thống kê, trong số người mắc HIV/AIDS mới, có 21% là công nhân lao động. Bộ Y tế và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xác định 12 địa phương có nguy cơ cao, trong đó có TP.HCM. Ông Vũ Mạnh Tiêm kêu gọi các cấp, ngành, đặc biệt là ngành y tế quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân lao động, đặc biệt ở khu vực kinh tế trọng điểm như TP.HCM.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, TP.HCM đang quản lý điều trị 48.508 người nhiễm HIV/AIDS. Năm 2022, TP.HCM phát hiện 5.870 người nhiễm HIV/AIDS mới, trong đó có 2.400 người hộ khẩu tại TP.HCM. Nhóm mắc HIV/AIDS chiếm đa số là đồng tính nam, tuổi đa phần trẻ. Số tử vong do HIV/AIDS trong năm 2022 là 390 người.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.