60 năm sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy

Văn Khoa
Văn Khoa
23/11/2023 06:24 GMT+7

Dù chính phủ Mỹ đã công bố nhiều tài liệu được giải mật về vụ ám sát Tổng thống John F.Kennedy, nhưng những thuyết âm mưu vẫn tồn tại sau 60 năm.

Ngày 22.11.2023 đánh dấu 60 năm kể từ khi Tổng thống trẻ nhất nước Mỹ John F.Kennedy bị ám sát vào ngày 22.11.1963 tại TP.Dallas thuộc bang Texas (Mỹ), ở tuổi 46, theo tạp chí Time.

60 năm sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy - Ảnh 1.

Tổng thống Kennedy, đệ nhất phu nhân Jacqueline và Thống đốc Texas John Connally trên xe ngày 22.11.1963

Time

Ông Kennedy bị một cựu lính thủy đánh bộ tên Lee Harvey Oswald bắn khi đang ngồi trên ô tô cùng đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy và Thống đốc Texas John Connally. Hai ngày sau, vào ngày 24.11.1963, chủ hộp đêm địa phương tên Jack Ruby bắn chết Oswald.

Động cơ chưa được lý giải

Chỉ một tuần sau vụ ám sát, Tổng thống kế nhiệm Lyndon B.Johnson ký một sắc lệnh hành pháp thành lập Ủy ban Warren do Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ Earl Warren đứng đầu để điều tra cái chết của Tổng thống Kennedy. Khoảng 10 tháng sau, báo cáo của Ủy ban Warren xác định Oswald đã nổ súng giết chết Tổng thống Kennedy và làm bị thương ông Connally. Tuy nhiên, báo cáo kết luận "không có bằng chứng" nào cho thấy Oswald hoặc Jack Ruby là một phần của âm mưu trong nước hoặc chính phủ nước ngoài đứng sau vụ ám sát. Báo cáo cũng không xác định lý do Oswald bắn ông Kennedy.

60 năm sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy - Ảnh 2.

Tổng thống John F.Kennedy (phải) và đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy tại một sự kiện ở Washington D.C ngày 20.1.1961

AP

Trong 60 năm qua vẫn chưa rõ tại sao Oswald lại bắn Tổng thống Kennedy, làm dấy lên vô số thuyết âm mưu. Sức hút từ việc tìm hiểu thủ phạm ám sát Tổng thống Kennedy và lý do ám sát được lý giải bằng nhiều thuyết âm mưu vẫn phủ bóng chính trường Mỹ cho đến ngày nay, theo Time.

Một lý do lớn khiến các thuyết âm mưu ám sát Tổng thống Kennedy vẫn tồn tại là không phải tất cả hồ sơ liên quan ngày định mệnh đó đều được chính phủ Mỹ công bố. Tất cả hồ sơ liên quan được cho là sẽ công bố vào năm 2017, nhưng đã bị hoãn lại nhiều lần. Ông Larry Sabato, nhà nghiên cứu sâu những hồ sơ đã được giải mật về vụ ám sát, cho hay có hàng ngàn trang vẫn còn được liệt vào dạng mật và không rõ tại sao. "Chúng tôi không biết họ che giấu những gì và điều đó nuôi dưỡng những thuyết âm mưu nhiều hơn", Time dẫn lời ông Sabato - người tiến hành nghiên cứu vấn đề trên cùng với các sinh viên của mình tại Đại học Virginia (Mỹ).

John F. Kennedy - 'hùm chết để da'

Người dân vẫn thắc mắc

Tròn 60 năm sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy, dân chúng Mỹ tiếp tục bị ám ảnh bởi những gì đã xảy ra, theo Đài CBS. Trong nhiều thập niên qua, vụ ám sát đã truyền cảm hứng cho hàng chục cuốn sách và bộ phim, và nơi xảy ra vụ nổ súng vẫn là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Dallas. Mỗi năm có hàng trăm ngàn người từ khắp nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đến thăm khu Dealey Plaza, nơi Tổng thống Kennedy bị bắn.

60 năm sau vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy - Ảnh 3.

Chiếc xe chở Tổng thống Kennedy bị thương chạy về phía bệnh viện sau khi ông bị bắn

AP

Vụ ám sát Tổng thống Kennedy được cho là đã thay đổi tiến trình lịch sử, nhưng sự nghi ngờ xung quanh phiên bản chính thức của vụ việc dường như là một phần lý do tại sao vụ đó tiếp tục ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người Mỹ, theo CBS. Kể từ cuối thập niên 1960 cho đến nay, kết quả của các cuộc thăm dò dư luận luôn cho thấy hầu hết người Mỹ tin rằng thủ phạm Oswald không hành động một mình trong vụ ám sát tổng thống.

Kể từ khi Đạo luật thu thập hồ sơ vụ ám sát Tổng thống John F.Kennedy được ban hành năm 1992, chính phủ Mỹ đã giải mật nhiều tài liệu liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, một số chuyên gia về vụ ám sát này cho rằng không có tiết lộ quan trọng nào được tìm thấy từ những tài liệu đó.

"Không có thông tin mới nào được tiết lộ hoặc phơi bày mà thực sự làm thay đổi cách hiểu của chúng tôi về những gì đã xảy ra", ông Nicola Longford, Tổng giám đốc điều hành Bảo tàng Tầng sáu tại khu Dealey Plaza thuộc TP.Dallas, nói. Bảo tàng Tầng sáu là bảo tàng chuyên về vụ ám sát Tổng thống Kennedy, nằm trong tòa nhà nơi Oswald bắn ông Kennedy.

Ngoài ra, theo CBS, Cơ quan Lưu trữ quốc gia Mỹ trong năm nay đã hoàn tất việc xem xét các hồ sơ mật liên quan vụ ám sát Tổng thống Kennedy và khẳng định 99% số hồ sơ liên quan đã được công bố rộng rãi, nhưng thực tế rằng có những tài liệu vẫn bị giữ lại hoặc được biên tập lại đã gây ra sự hoài nghi.

"Vụ ám sát có phải là một vụ giết người chưa được giải quyết hay là một hành động đầy bạo lực do một người thực hiện? Người dân Mỹ có thể không bao giờ nhất trí về câu trả lời cuối cùng", CBS viết. 

Vài nhân chứng vẫn còn sống

Một số nhân chứng trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy vẫn còn sống, theo Time. Loạt phim tài liệu mới của mạng truyền hình National Geographic ra mắt vào ngày 5.11 được kể thông qua đoạn phim lưu trữ từ Bảo tàng Tầng sáu và các nhân chứng, từ phóng viên Peggy Simpson của Hãng tin AP, đến ông Clint Hill, cựu nhân viên Cơ quan Mật vụ Mỹ đã cố gắng che chắn đạn cho gia đình ông Kennedy.

Ngoài ra, trong một cuốn hồi ký được xuất bản vào tháng 10, một nhân chứng khác là ông Paul Landis (88 tuổi), thành viên của đội mật vụ bảo vệ cố đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy, đã tiết lộ về vai trò của ông trong ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát. Tuy nhiên, việc ông Landis không lên tiếng trong 60 năm đã đặt ra một số câu hỏi về lời kể của ông cũng như mức độ chính xác về trí nhớ của ông, theo Time.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.