76 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023)

Hy sinh vì cuộc sống bình yên

Sự mất mát, hy sinh giữa thời bình của những cán bộ, công chức và chiến sĩ lực lượng vũ trang vì nước quên thân, vì dân phục vụ để lại sự xúc động, trân trọng trong tình cảm đồng đội và người dân.

Một ngày nửa đầu tháng 6, giữa cuộc sống bình yên, cuộc tấn công bất ngờ, tàn bạo của các nghi phạm khủng bố tại 2 xã Ea Tiêu, Ea Ktur (H.Cư Kuin, Đắk Lắk) đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong vụ tấn công khủng bố này, có 6 liệt sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ: thiếu tá Hoàng Trung, đại úy Nguyễn Đăng Nhân (cán bộ Công an xã Ea Ktur); thiếu tá Trần Quốc Thắng, đại úy Hà Tuấn Anh (cán bộ Công an xã Ea Tiêu); ông Nguyễn Văn Kiên (Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur) và ông Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu).

GÁC HẠNH PHÚC RIÊNG ĐỂ LO CHO MẸ GIÀ

Mùa mưa Tây nguyên đang ngày nặng hạt, chúng tôi trở lại H.Cư Kuin, kính cẩn thắp nén nhang trước hương linh các liệt sĩ đã hy sinh. Con đường ngoằn ngoèo đầy đất đỏ dẫn chúng tôi đến nhà liệt sĩ, thiếu tá Trần Quốc Thắng tại thôn 18, xã Ea Ktur. Trong căn nhà mái tôn nhỏ bé, đập vào mắt chúng tôi là dáng một phụ nữ gầy gò, mắt cứ nhìn sâu về phía di ảnh trên bàn thờ cách đó vài bước chân. Đó là bà Trần Thị Hòa (64 tuổi, mẹ liệt sĩ Thắng). Thấy người lạ đến thăm, nước mắt bà lại lăn dài, giọng nghẹn lại khi kể về người con trai vừa hy sinh.

76 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023):Hy sinh vì cuộc sống bình yên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình liệt sĩ Trần Quốc Thắng

CTV

Bà Hòa chia sẻ gia đình gốc Hà Tĩnh vào Đắk Lắk theo diện kinh tế mới không lâu thì chồng bà mất, một mình bà bươn chải nuôi con. Thiếu tá Thắng mồ côi cha từ hồi 5 tuổi. Anh là con áp út trong gia đình có 5 anh chị em. Bởi gia cảnh khó khăn, các anh chị lớn nghỉ học khi đa số vừa hết cấp 3, nhường suất học cho anh Thắng và người em gái út. Rồi anh Thắng thi đỗ Trường đại học An ninh, trở thành niềm tự hào, kỳ vọng của gia đình, chòm xóm.

Trước ngày ngã xuống, thiếu tá Thắng cùng mẹ già sống trong một căn nhà cấp bốn cũ, có phần tường chưa được tô trát, xây từ năm 1996. Cũng vì lý do này, anh luôn đau đáu ước mơ làm lại nhà, giúp mẹ có một mái ấm khang trang hơn.

Bà Hòa kể anh Thắng đã bước qua tuổi 35; cùng trang lứa với anh, nhiều người đã yên bề gia thất. Thế nhưng, khi mẹ giục lấy vợ, anh cứ lần lữa mãi. "Thắng nói do hoàn cảnh công tác của mình chưa thể lo chu toàn cho mẹ nên chưa dám xây dựng hạnh phúc riêng. Nó muốn đi làm nhiệm vụ, sửa lại cái nhà đàng hoàng cho mẹ rồi sẽ cưới vợ, nhưng rồi nó ra đi bất ngờ…", bà Hòa nghẹn ngào.

Người mẹ liệt sĩ Thắng cho biết trước ngày hy sinh, anh tất bật với nhiệm vụ về các buôn làng kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho bà con; trực cơ quan, tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn...

"Con nói xong nhiệm vụ đợt này sẽ về làm cỏ, bỏ phân, chăm vườn cà phê giúp tôi. Giờ con ra đi mãi rồi, vườn tược tôi cũng để đó, chẳng làm được việc gì", mẹ liệt sĩ Thắng ngậm ngùi.

76 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023):Hy sinh vì cuộc sống bình yên - Ảnh 2.

Lúc còn sống, liệt sĩ Trần Quốc Thắng luôn ao ước dành đủ tiền sửa lại ngôi nhà cũ kỹ cho mẹ

HIỀN LƯƠNG

"ANH NÓI HIẾN CHO TÔI QUẢ THẬN, VẬY MÀ…"

Tại nhà liệt sĩ Hoàng Trung, cạnh con đường đất vùng ngoại ô thuộc P.Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, nhắc đến chồng, chị Trần Thị Sen (40 tuổi, vợ liệt sĩ Trung) cứ khóc nghẹn. Chị nói chuyện như mới xảy ra hôm qua, chưa nguôi ngoai được. Trước hôm xảy ra vụ tấn công khủng bố (11.6), anh Trung ghé về nhà, thăm hỏi sức khỏe mẹ già, động viên vợ, các con rồi vội đi trực ở cơ quan. "Tối anh đi, sáng hôm sau tôi nhận tin dữ về chồng. Tôi không tin, cho đến khi thi thể anh được đồng đội đưa về", chị Sen không kìm được nước mắt.

Chị Sen kể năm 2006, chị và anh Trung nên duyên vợ chồng. Sau ngày cưới, vợ chồng chị thuê trọ, sống hạnh phúc và lần lượt 2 đứa con (một trai, một gái) ra đời. Mãi tới năm 2013, ông bà ngoại cho chị mượn đất, hai vợ chồng chạy vạy cất tạm căn nhà cấp bốn để ở. Vợ chồng chị dự tính vài năm nữa sẽ trả đất cho ông bà để dựng tổ ấm riêng, nhằm ổn định hơn trong cuộc sống. "Anh nói phấn đấu để xây một căn nhà cho mẹ con tôi. Vậy mà anh đi, bỏ lại mẹ già, vợ bệnh, con thơ cùng bao ước mơ dở dang", giọng chị Sen nghẹn lại.

76 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023):Hy sinh vì cuộc sống bình yên - Ảnh 3.

Chị Trần Thị Sen (vợ liệt sĩ Hoàng Trung) nghẹn lời trong câu chuyện hy sinh của chồng

HIỀN LƯƠNG

Chị Sen công tác tại nhà khách Công an tỉnh Đắk Lắk, mức lương gần 6 triệu đồng/tháng, chỉ đủ đóng học phí cho 2 con và chi tiêu các khoản lặt vặt nên anh Trung là lao động chính của gia đình. Năm 2016, chị Sen đi chữa dây chằng gối sau chấn thương ở một trận đấu bóng chuyền. Sau thăm khám, bác sĩ thông báo chị bị suy thận khiến chị như chết lặng vì thể trạng chị trước đó đến giờ rất bình thường. Từ đó, cứ 3 tháng một lần, chị phải lặn lội xuống bệnh viện tại TP.HCM để thăm khám định kỳ, lấy thuốc uống.

Cuộc sống vốn chật vật khi chỉ dựa vào tiền lương 2 vợ chồng nay thêm phần chi phí điều trị bệnh, vì thế buổi tối chị Sen phải làm thêm chả ram để bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

"Thương vợ, anh Trung hết lời động viên, anh còn dặn vợ yên tâm, khi bệnh không thuyên giảm, anh sẽ hiến một quả thận của mình cho em để em được sống khỏe. Vậy mà…", chị Sen khóc nghẹn khi nhắc lại những lời động viên của chồng. (còn tiếp) 

ĐÃ HIẾN DÂNG CẢ CUỘC ĐỜI MÌNH…

Nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống, thiếu tá Đỗ Sơn Tùng, Đội trưởng Đội tổng hợp Công an H.Cư Kuin, không khỏi bùi ngùi, tiếc thương. Anh Tùng cho biết trước đây, thiếu tá Hoàng Trung công tác tại Đội an ninh của Công an H.Cư Kuin. Khi Công an H.Cư Kuin xây dựng lực lượng công an xã chính quy, anh Trung đã xung phong về công tác tại Công an xã Ea Ktur. "Trong quá trình công tác, anh Hoàng Trung có nhiều sáng kiến với chỉ huy trong việc đóng góp, xây dựng đơn vị. Trong công việc, anh rất cẩn trọng, cần cù, được cấp ủy, đồng đội trong cơ quan đánh giá cao", anh Tùng hồi tưởng.

Nhớ người đồng đội thân thương, trung tá Trần Văn Vũ, Trưởng công an xã Ea Ktur, xúc động kể: Do đặc thù công việc, trước đó thiếu tá Hoàng Trung cũng như tất cả anh em cơ quan phải tăng ca, tăng tốc làm việc. Anh Trung luôn là người điềm đạm, tận tình trong công việc. Anh còn là "bếp trưởng", thường chế biến những món ăn tại cơ quan giúp anh em ấm bụng để trực ban.

Còn trung tá Võ Văn Sang, Trưởng công an xã Ea Tiêu, là người gắn bó thân thiết trong công tác cùng thiếu tá Trần Quốc Thắng. Theo trung tá Sang, anh Thắng rất nhiệt tình với công việc, được nhiều người dân viết thư khen vì đã giúp bà con với thái độ tận tình, chu đáo, xử lý hài hòa, gọn gàng các công việc. Khi nhận thư, lãnh đạo cơ quan biểu dương nhưng anh Thắng khiêm tốn nói đó là trách nhiệm, phần việc phải làm của mình để phục vụ bà con.

Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định các liệt sĩ đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, dành cả tâm huyết, trí tuệ, sức lực của mình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó.

Trong chuyến thăm hỏi, động viên thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Đắk Lắk vừa qua, đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh những cán bộ, chiến sĩ công an giữa thời bình vẫn chịu nhiều hy sinh; gia đình các anh cũng vậy, phải gánh nỗi mất mát quá lớn vì cuộc sống bình yên.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Đảng, Nhà nước, Bộ Công an luôn quan tâm, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, có nhiều hình thức động viên, chia sẻ để thân nhân các gia đình và toàn lực lượng Công an nhân dân sớm vượt qua nỗi đau mất mát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.