Ăn hủ tiếu Nam Vang trong phố Miên

08/07/2013 12:04 GMT+7

Hồ Thị Kỷ là đoạn đường nhỏ trên địa bàn quận 10, thông ra đường Lý Thái Tổ và Hùng Vương. Đây cũng là tên của khu chợ hoa sầm uất bậc nhất Sài Gòn, luôn đông nghịt khách vào những dịp lễ lớn. Ít ai, đặc biệt là các bạn trẻ, còn nhớ đoạn đường này còn được mệnh danh là "khu phố Miên giữa lòng Sài Gòn". Biến cố "cáp duồn" (tìm và tiêu diệt Việt kiều) năm 1970 dưới thời chính quyền Lon Non ở Campuchia đã tạo nên một làn sóng di cư của các kiều bào quay lại Sài Gòn, đem theo những món ăn ngon từ nước bạn mà phổ biến nhất có lẽ là món hủ tiếu trứ danh Nam Vang. Theo nhiều tư liệu thì cọng hủ tiếu dai trong hủ tiếu Nam Vang là một biến thể thú vị từ những người Mẫn Nam (Phúc Kiến) trong giai đoạn di cư về phía những nước Đông Nam Á, với bột gạo là nguyên liệu chính. Do không có nguyên liệu làm sợi mì, họ đã dùng nguyên liệu tại chỗ là gạo để chế sợi thay cho mì (từ đầu thế kỷ trước 3 nước Đông Dương đã là một vựa gạo khổng lồ với sản lượng xuất khẩu lên đến 1.5 triệu tấn hàng năm).

Ăn hủ tiếu Nam Vang trong chợ Miên 1
Tô hủ tiếu khô đậm đà dù đã thay đổi ít nhiều so với nguyên bản ở Phnompenh

Hồ Thị Kỷ là đoạn đường nhỏ trên địa bàn quận 10, thông ra đường Lý Thái Tổ và Hùng Vương. Đây cũng là tên của khu chợ hoa sầm uất bậc nhất Sài Gòn, luôn đông nghịt khách vào những dịp lễ lớn.

Ít ai, đặc biệt là các bạn trẻ, còn nhớ đoạn đường này còn được mệnh danh là "khu phố Miên giữa lòng Sài Gòn". Biến cố "cáp duồn" (tìm và tiêu diệt Việt kiều) năm 1970 dưới thời chính quyền Lon Non ở Campuchia đã tạo nên một làn sóng di cư của các kiều bào quay lại Sài Gòn, đem theo những món ăn ngon từ nước bạn mà phổ biến nhất có lẽ là món hủ tiếu trứ danh Nam Vang.

Theo nhiều tư liệu thì cọng hủ tiếu dai trong hủ tiếu Nam Vang là một biến thể thú vị từ những người Mẫn Nam (Phúc Kiến) trong giai đoạn di cư về phía những nước Đông Nam Á, với bột gạo là nguyên liệu chính. Do không có nguyên liệu làm sợi mì, họ đã dùng nguyên liệu tại chỗ là gạo để chế sợi thay cho mì (từ đầu thế kỷ trước 3 nước Đông Dương đã là một vựa gạo khổng lồ với sản lượng xuất khẩu lên đến 1.5 triệu tấn hàng năm).

Như ở Campuchia hủ tiếu được gọi là "kuy teav", ở Việt Nam gọi là "hủ tiếu", ở Thái Lan là "kuai tiao" cũng như các nước lân cận Malaysia, Singapore và Brunei gọi là "kway teow" (nhưng lại là cọng hủ tiếu mềm). Nhưng đặc biệt nhất chắc là chỉ có ở Việt Nam, khi cọng hủ tiếu dai còn có thêm nhiều biến thể khác như hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc hay thậm chí là hủ tiếu bột lọc rất độc đáo.

 Ăn hủ tiếu Nam Vang trong chợ Miên 3
Bạn có thể nêm thêm chanh, ớt, tỏi chua và chấm thịt với chén tương ngọt đặc trưng
của quán

Ăn hủ tiếu Nam Vang trong chợ Miên 2
Rau ăn kèm ngoài xà lách và giá sống còn có thêm hẹ và cần

Hủ tiếu Nam Vang khi du nhập về Sài Gòn đã thay đổi khá nhiều cho phù hợp với khẩu vị địa phương. Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản ở Phnompenh chỉ bao gồm thịt heo bằm và xắt miếng, ăn chung với xà lách và giá sống thì khi phiêu bạt về Sài Gòn đã "bổ sung" thêm gan, tim, bao tử, phèo, tôm và trứng cút (cách ăn này có lẽ hơi giống các món mì, hủ tiếu thập cẩm của người Hoa), phần rau thì phong phú hơn với rau cần, tần ô và hẹ.

Dần dần rồi quen, người Sài Gòn cũng không thắc mắc lắm với những thay đổi này. Có chăng là nhận định thú vị "Hủ tiếu Nam Vang ở Phnompenh thua xa ở Sài Gòn!" khi đã một lần ghé qua Campuchia.

 Ăn hủ tiếu Nam Vang trong chợ Miên 4
Ít ai biết cái quán ọp ẹp chỉ bán từ sáng sớm cho đến gần giờ trưa này đã có thâm niên
gần 40 năm, phục vụ biết bao thế hệ thực khách

Tiệm hủ tiếu Nam Vang có tên Phú Quý này nằm ở một góc đường Hồ Thị Kỷ (hướng từ Lý Thái Tổ quẹo vào). Đi từ xa xa đã nghe mùi thơm nức của tỏi phi trong gió rồi. Để thấy hết cái ngon của món hủ tiếu độc đáo này, bạn nên gọi một tô khô vì đây là cách thưởng thức trọn vẹn nhất. Đó là cái vị tổng hợp với một chút đắng của tỏi phi, một chút ngọt ngọt của hành lá, cải xá bấu, thịt heo bằm nhuyễn, và vị đậm đà, béo béo của cọng hủ tiếu... Thành phần của tô hủ tiếu, dù là khô hay nước, cũng rất "hùng hậu" với thịt heo xắt miếng, phèo, bao tử heo... và tuyệt nhiên không có trứng cút hay tôm như các tiệm khác. Bạn có thể nêm thêm chanh, ớt, tỏi chua và chấm thịt với chén tương ngọt đặc trưng của quán. Rau ăn kèm ngoài xà lách và giá sống còn có thêm hẹ và cần. Khi ăn gần hết, bạn chan chén nước lèo vào tô hủ tiếu thì phần nước lèo sẽ đậm đà hơn rất nhiều nhờ vào những gia vị, thịt heo bằm, hành, tỏi... được nêm trong tô hủ tiếu.

Một hương vị đậm đà khó quên, tuy đã thay đổi ít nhiều để chiều lòng người Sài Gòn. Ít ai biết cái quán ọp ẹp chỉ bán từ sáng sớm cho đến gần giờ trưa này đã có thâm niên gần 40 năm, phục vụ biết bao thế hệ thực khách.

 

Nếu để chọn ra những món tiêu biểu cho ẩm thực Sài Gòn, tôi tin rằng hủ tiếu Nam Vang sẽ có một vị trí khá quan trọng (bên cạnh phở, bánh mì hay cơm tấm đã quá quen thuộc). Một món ngon cộng hưởng từ tinh hoa của nhiều nền văn hóa, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, và cuối cùng đã định danh tại thành phố này.

P.V

 Ăn hủ tiếu Nam Vang trong chợ Miên 5

Hủ tiếu Nam Vang - Phú Quý
84 Hồ Thị Kỷ, phường 14, quận 10
Mở cửa: 5h30 sáng đến 12h30 trưa
Giá: Hủ tiếu Nam Vang (30.000đ/tô)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.