Armenia tạm dừng tham gia liên minh quân sự do Nga dẫn dắt giữa căng thẳng

23/02/2024 15:32 GMT+7

Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia cho biết nước này đã tạm dừng tham gia Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, động thái có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình France 24 được phát sóng ngày 22.2, Thủ tướng Pashinyan nói rằng CSTO - liên minh quân sự bao gồm Nga và 5 quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ (Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan) - đã không đáp ứng được kỳ vọng của Yerevan.

"Theo quan điểm của Armenia thì Hiệp ước An ninh Tập thể đã không hoàn thành các mục tiêu của mình, đặc biệt là trong những năm 2021 và 2022. Và chúng tôi không thể cứ phớt lờ để chuyện đó xảy ra", ông Pashinyan nói thông qua một phiên dịch viên, đề cập đến văn kiện nền tảng của CSTO.

"Trên thực tế, hiện tại chúng tôi đã đình chỉ việc tham gia hiệp ước này. Về động thái tiếp theo, chúng tôi sẽ phải xem xét", Thủ tướng Armenia cho biết.

Armenia tạm dừng tham gia liên minh quân sự do Nga dẫn dắt giữa căng thẳng- Ảnh 1.

Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia

REUTERS

Ngoài ra, ông Pashinyan cho rằng Azerbaijan, quốc gia láng giềng hai lần đi đến xung đột vũ trang với Armenia trong 3 thập niên qua, đã không tuân thủ các nguyên tắc cần thiết để đạt được một hiệp ước hòa bình lâu dài. Cũng theo nhà lãnh đạo, Azerbaijan đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công khác.

Ông cho biết hiện không có cuộc thảo luận nào về thời điểm đóng cửa căn cứ của Nga ở Armenia. Việc đó phải tuân theo các hiệp ước khác nhau.

Armenia chính thức gia nhập tòa án đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Putin

Ông Leonid Kalashnikov, người đứng đầu Ủy ban về các vấn đề CIS (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập) thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), nói với RIA Novosti rằng việc Armenia đình chỉ tư cách thành viên trong CSTO có thể chỉ là tạm thời và cần thiết để "làm dịu sự lo lắng của một số chính trị gia" nước này.

Cũng theo RIA, Ban Thư ký CSTO vẫn chưa nhận được bất kỳ tuyên bố nào từ Yerevan về việc đình chỉ tư cách thành viên.

Trong những tháng gần đây, ông Pashinyan đã bày tỏ sự bất mãn về mối quan hệ lâu đời giữa Armenia và Nga, tuyên bố rằng Armenia không còn có thể dựa vào Nga để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của mình. Ông cũng báo hiệu rằng Armenia có thể rút khỏi CSTO, tổ chức mà Moscow duy trì ảnh hưởng, theo Reuters.

Azerbaijan đã giành lại một số vùng lãnh thổ vào năm 2020 trong cuộc chiến thứ hai ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Khu vực này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan song cư dân chủ yếu là người thuộc sắc tộc Armenia.

Năm ngoái, quân đội Azerbaijan đã nắm quyền kiểm soát khu vực, khiến hầu hết cư dân Nagorno-Karabakh phải đi đến Armenia.

Trong cuộc phỏng vấn với France 24, ông Pashinyan cho biết triển vọng đạt được một hiệp ước hòa bình lâu dài đã bị tổn hại bởi những tuyên bố của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev. Theo Yerevan, những lời lẽ này thể hiện yêu sách của Baku đối với phần lớn lãnh thổ Armenia.

"Nếu các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và bất khả xâm phạm về biên giới không được Azerbaijan công nhận, hiệp ước hòa bình đơn giản là chuyện không thể", Thủ tướng Armenia nói.

Ông Pashinyan cũng cho rằng "Azerbaijan đang lợi dụng tình hình để củng cố lý lẽ của mình. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng Azerbaijan đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới nhằm vào Armenia".

Các yếu tố chính để đảm bảo một hiệp ước hòa bình là phân định biên giới và thiết lập các hành lang giao thông khu vực thường đi qua lãnh thổ của nhau.

Tổng thống Aliyev cũng nêu vấn đề xác định quyền kiểm soát các khu vực có yếu tố sắc tộc ở cả hai bên biên giới.

Ông Pashinyan và ông Aliyev đã thảo luận về các động thái hướng tới một hiệp ước hòa bình tại một số cuộc gặp, bao gồm cuộc thảo luận vào tuần trước bên lề Hội nghị An ninh Munich (Đức).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.