Armenia và Azerbaijan lại đấu súng qua biên giới dù đang đàm phán

11/05/2023 16:49 GMT+7

Armenia và Azerbaijan quy trách nhiệm cho nhau về vụ đấu súng ở khu vực biên giới ngày 11.5, trong đó Azerbaijan cho biết nước này có một binh sĩ thiệt mạng.

Armenia và Azerbaijan lại đấu súng xuyên biên giới dù đang đàm phán - Ảnh 1.

Một thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đứng cạnh xe tăng tại khu vực Nagorno-Karabakh hồi tháng 11.2020

REUTERS

Vụ đụng độ diễn ra trong bối cảnh hai nước đối thủ ở khu vực Nam Kavkaz đã thúc đẩy các nỗ lực đàm phán và ngoại giao nhằm ngăn chặn căng thẳng biến thành xung đột toàn diện ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Vùng đất này được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan nhưng cư dân sinh sống ở đây chủ yếu là người thuộc sắc tộc Armenia, và từ lâu đã trở thành trung tâm của tranh chấp kéo dài hàng thập niên giữa hai nước.

Baku tháng trước đã thiết lập một trạm kiểm soát ở đoạn đầu Hành lang Lachin, tuyến đường bộ duy nhất kết nối Armenia với vùng Karabakh vốn nằm hoàn toàn bên trong biên giới của Azerbaijan. Yerevan cho rằng hành động này "vi phạm trắng trợn" thỏa thuận ngừng bắn mà hai nước ký kết năm 2020 với Nga làm trung gian.

Trong vụ đụng độ hôm 11.5, vụ mới nhất trong một loạt vụ nổ súng ở biên giới, cả hai bên đều nói rằng họ hành động để tự vệ và cáo buộc bên kia nổ súng trước, theo Reuters.

Azerbaijan cho biết các lực lượng Armenia đã dàn dựng một "hành động khiêu khích có chủ đích" và đã làm thiệt mạng một binh sĩ Azerbaijan. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo 4 binh sĩ nước này bị thương sau khi Azerbaijan nã pháo vào các vị trí của họ gần làng Sotk trên biên giới chung giữa hai nước.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết vụ việc là nỗ lực của Azerbaijan nhằm phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra.

Bộ trưởng ngoại giao của cả hai nước đã gặp nhau tại Washington DC (Mỹ) trong bốn ngày hồi đầu tháng 5 nhưng không đạt được bất cứ đột phá nào. Ông Pashinyan chuẩn bị gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Brussels (Bỉ) vào ngày 14.5 để tham gia cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian nhằm hạ nhiệt căng thẳng.

Các vụ đụng độ mới nhất cũng được coi là phép thử đối với khả năng của Nga trong việc tác động đến tình hình ở Nam Kavkaz.

Nga là đồng minh chính thức của Armenia thông qua một hiệp ước tự vệ chung, nhưng cũng nỗ lực duy trì quan hệ hữu hảo với Azerbaijan. Moscow cho rằng thỏa thuận năm 2020 mà họ đứng ra làm trung gian, nhằm chấm dứt xung đột kéo dài 6 tuần khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Karabakh, là cơ sở duy nhất cho một giải pháp lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.