Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục: Nhiều thách thức khi thị trường lao động TP.HCM cạnh tranh hơn

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
24/10/2023 12:39 GMT+7

Thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động bằng cách chuẩn hóa lại các kênh thông tin chính thức và hoàn thiện phần mềm kết nối việc làm.

Ngày 24.10, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, trả lời Thanh Niên về hoạt động kết nối cung - cầu lao động, trước bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại TP.HCM còn cao.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết 128.477 nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời, tổ chức 122 phiên sàn giao dịch việc làm. Các phiên, sàn việc làm này được tổ chức mỗi tháng, gồm cả trực tiếp và trực tuyến, có sự phối hợp của nhiều đơn vị như Công an TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM. Trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 500.000 người lao động tại TP.HCM tiếp cận được các thông tin về việc làm.

TP.HCM sẽ có phần mềm giới thiệu việc làm chính quy - Ảnh 4.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM Nguyễn Văn Hạnh Thục

THU NGÂN

* Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng công tác kết nối việc làm và đào tạo nghề cho người lao động của cơ quan nhà nước, mà ở đó trung tâm dịch vụ việc làm là một trong đơn vị thực hiện chủ lực, vẫn chưa phát huy được hết lợi thế. Bà đánh giá như thế nào về thực tế này?

- Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục: Hiện công tác kết nối việc làm tại TP.HCM gặp một số thách thức như mức lương tuyển dụng của doanh nghiệp không phù hợp với yêu cầu của người lao động, thời gian làm việc không phù hợp, độ tuổi của người lao động vượt độ tuổi yêu cầu của doanh nghiệp...

Cùng với đó, việc đào tạo nghề cũng chưa được hiệu quả như mong đợi khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, nên khi bị mất việc cần tiền từ trợ cấp thất nghiệp trước để trang trải cuộc sống rồi mới tính đến chuyện có việc làm. Có khi, người lao động sẽ chuyển về địa phương sinh sống để giảm chi phí sinh hoạt sau khi mất việc nên không có nhu cầu học nghề lại.

TP.HCM sẽ có kênh giới thiệu việc làm chính quy - Ảnh 4.

Công tác kết nối việc làm tại TP.HCM đối diện nhiều thách thức khi thị trường lao động ngày một cạnh tranh hơn

THU NGÂN

Mặt khác, có thực tế, dù người lao động đã qua đào tạo thì doanh nghiệp tuyển vào chỉ trả lương theo vị trí công việc như lao động phổ thông nên người lao động không mặn mà.

Cạnh đó, chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động hiện nay chỉ chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp, chứ chưa có giải pháp hỗ trợ lao động đang làm việc muốn phát triển thêm, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Mức hỗ trợ chỉ duy nhất có khoản học phí, chưa có các nội dung như ăn ở, sinh hoạt, đi lại... nên chưa thu hút, chưa hấp dẫn, bởi lẽ, người lao động đang thất nghiệp thì khó lòng chấp nhận chi nhiều khoản khác trong trong thời gian học nghề.

Trong khi đó, hiện theo quy định, mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp, cụ thể là hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng). Với mức hỗ trợ này, người lao động không thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên hay những nghề có chất lượng cao, có tính thu hút hơn.

TP.HCM sẽ có kênh giới thiệu việc làm chính quy - Ảnh 2.

Người lao động làm hồ sơ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM

THU NGÂN

* Đơn vị có kiến nghị gì với các cấp có thẩm quyền để giải quyết khó khăn trong công tác đào tạo nghề, từ đó nâng cao cơ hội nghề nghiệp mới cho người lao động?

- Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đề xuất Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tham mưu cho TP.HCM xem xét có chính sách hỗ trợ người lao động thêm kinh phí học nghề, nâng cao tay nghề... cho phù hợp với tính chất đặc thù của TP.HCM (như đào tạo chuyển đổi nghề, đào tạo nâng cao, chi phí ăn ở, đi lại); chỉ đạo việc đào tạo nghề dựa trên nhu cầu của người lao động, có sự kết hợp chặt chẽ với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và gắn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ở góc độ của đơn vị, tôi sẽ tăng cường chỉ đạo việc tư vấn, giới thiệu cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp cận với các ngành nghề đào tạo ngắn hạn, đào tạo để chuyển đổi công việc mới so với công việc trước khi thất nghiệp và phù hợp thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đơn vị cũng kết nối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động có nơi ở, sinh hoạt trong thời gian học nghề.

* Một thực trạng cũng cần kể đến là việc tìm việc trực tuyến đang ngày càng mạnh mẽ. Đơn vị đã có lợi thế về tổ chức các sàn việc làm trực tiếp, các nơi tư vấn việc làm..., vậy thời gian tới có chiến lược nào để người lao động tìm đến kênh của đơn vị khi muốn tìm việc online? 

- Ứng dụng công nghệ để kết nối, giới thiệu việc làm là tất yếu. Tuy nhiên, thực tế còn khá đông lao động, nhất là lao động phổ thông, lao động lớn tuổi vẫn chưa thể sử dụng công nghệ thành thạo, chưa tiếp cận với các thiết bị thông minh để tăng khả năng tìm việc và giảm rủi ro bị lừa đảo khi tìm việc.

Để phát huy hết hiệu quả và lợi thế của công nghệ trong công tác kết nối việc làm, cần có thời gian, nguồn lực để phát triển, xây dựng nền tảng với giao diện phổ thông, đơn giản, dễ sử dụng và làm sao đó để người lao động dễ tiếp cận và có thói quen tìm việc thông qua các kênh công nghệ uy tín.

TP.HCM sẽ có kênh giới thiệu việc làm chính quy - Ảnh 7.

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM sẽ chuẩn hóa các kênh thông tin việc làm trong thời gian tới

CHỤP MÀN HÌNH

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM với lợi thế về nhân lực, nguồn lực, đặc biệt là nguồn cung lao động lớn là những người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, sắp tới sẽ hoàn thiện trang web của trung tâm (vietlamhcm.net), hoàn thiện phần mềm kết nối giới thiệu việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp.

Đồng thời, chuẩn hóa thông tin, tập trung hướng dẫn, truyền thông cho người lao động, doanh nghiệp ứng tuyển, đăng tin về việc làm trên các website (vietlamhcm.net), kênh Zalo, kênh Facebook của đơn vị cũng như trực tiếp tại các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp tại TP.HCM để tăng lượng tiếp cận.

Những tháng cuối năm, đơn vị tập trung tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến và liên kết các tỉnh thành khác để kết nối việc làm giữa người lao động và doanh nghiệp.

Người lao động cần việc làm có thể tham gia các sàn giao dịch việc làm hoặc đến trực tiếp Trung tâm hoặc các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị để được tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước.

Một điểm đáng lưu ý khác, đơn vị cũng đang khảo sát nhu cầu tìm việc của học sinh sinh viên để lên phương án, kế hoạch kết nối việc làm cho nhóm lao động có trình độ chuyên môn này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.