'Băm nát' không gian thoát lũ sông Hồng: Chính quyền than vi phạm là 'muôn thuở'

Khi PV Thanh Niên liên hệ để làm rõ những vi phạm không gian thoát lũ sông Hồng thì một số địa phương đã thẳng thắn thừa nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo địa phương khác lại viện cớ bận công việc, trì hoãn thời gian trả lời hoặc cố tình "né". Điển hình là UBND Q.Long Biên (Hà Nội).

Phép vua thua lệ làng (?)

Ông Mai Văn Ngần, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Vân (H.Thường Tín, Hà Nội), cho biết hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 40 - 50 công trình vi phạm không gian thoát lũ, trong số đó có những công trình kiên cố và gần 20 nhà xưởng, kho xưởng với diện tích từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông. Nói về những vi phạm này, ông Ngần ngao ngán cho rằng rất "nan giải", "không phải ngày một ngày hai" và chỉ ra hàng loạt lý do từ chủ quan đến khách quan.

Chính quyền than vi phạm là “muôn thuở” - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu vực thảo nguyên hoa Long Biên vi phạm về không gian thoát lũ sông Hồng

ĐÌNH HUY

Đầu tiên, phải kể đến yếu tố "phép vua thua lệ làng". Ông Ngần thông tin, trước đây người dân được cấp đất ngoài đê từ năm 1993, nhưng mãi sau này mới có luật Đê điều nên công trình tồn tại từ trước khi có luật. Thời điểm khi đã có luật Đê điều rồi thì nhà người khác thấy những nhà trước đó làm được công trình, họ vin vào lý "nhà họ làm được, nhà tôi cũng làm được" để xây dựng.

"Chúng tôi cũng là người địa phương, mà ở nông thôn, nhiều nhà thích xây gì thì họ xây, trong đó có những người anh em, họ hàng, chẳng nhẽ bây giờ họ bảo xây cổng, xây tường chúng tôi lại cấm?", ông Ngần phân trần.

Cũng chính vì những lý do trên nên khi có quy định từ cấp trên đưa xuống, ông Ngần phải đi động viên người dân nộp phạt, thậm chí phải nói "đứt lưỡi" để người dân ký vào biên bản.

Một yếu tố khách quan mà vị Phó chủ tịch xã Hồng Vân chỉ ra là do "văn bản từ Sở NN-PTNT Hà Nội gửi về chưa nói rõ đó là vi phạm gì", thế nên khi xã đến xử phạt, chỉ có doanh nghiệp nộp phạt, còn người dân thì "rất khó".

Ông Ngần cho rằng quy định về luật Đê điều đang làm khó cơ sở vì xây tường bao hay sửa cổng, sửa công trình phụ cũng bị tính là vi phạm nên gần đây, số công trình vi phạm trong không gian thoát lũ sông Hồng của xã Hồng Vân đứng đầu thành phố.

"Tôi cho rằng thành phố phải có quy định, chia cụ thể từng khu vực đâu là xung yếu, đâu là được sử dụng, xây dựng. Những nơi xung yếu thì mình dời người dân ra. Nếu không có quy hoạch chi tiết thì vấn đề vi phạm vẫn sẽ là muôn thuở", ông Ngần nói.

Để chứng minh cho ý kiến của mình, vị phó chủ tịch lấy ví dụ, vừa rồi ở địa phương có 1 thôn nằm trong quy hoạch được xây dựng, tuy nhiên chỉ 1/3 diện tích đất trong thôn được xây dựng, 2/3 còn lại muốn xây phải xin phép. Vậy tại sao lại không cho xây dựng hết? Đây là điều bất cập.

Về yếu tố chủ quan, ông Ngần thừa nhận chính quyền xã thiếu chuyên môn về đê điều và chỉ tập trung về xử lý luật Đất đai nên các kế hoạch phòng chống lũ cụ thể chỉ có trong kế hoạch chung của phòng chống thiên tai hằng năm.

‘Băm nát’ không gian thoát lũ sông Hồng: Phép nước có thua lệ làng? | Xem nhanh 20h

Chính quyền không thu được thuế

Cũng như ông Ngần, ông Đỗ Hồng Đức, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Sở (H.Thường Tín, Hà Nội), thẳng thắn thừa nhận hàng chục nghìn mét vuông nhà xưởng mọc ở không gian thoát lũ sông Hồng trên địa bàn xã là sai phạm. Tuy nhiên, sai phạm này tồn tại từ trước năm 2000, khi xã còn thuộc tỉnh Hà Tây cũ và lúc đó chưa có khái niệm về "hành lang thoát lũ".

Theo ông Đức, hiện nay hợp đồng thuê đất bãi ngoài đê sông Hồng của các hộ dân đã hết hạn từ năm 2017 nên từ đó chính quyền không thu được thuế, dù người dân vẫn sản xuất, canh tác. Trước câu hỏi tại sao từ năm 2017 đến nay chính quyền vẫn chưa xử lý, ông Đức cho rằng việc này vượt thẩm quyền, cần phải có quy trình, tránh gây bức xúc cho người dân.

Ông Đức tiết lộ, mới đây UBND H.Thường Tín đã ban hành kế hoạch xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng và giao UBND các xã thực hiện, thời gian hoàn thành hồ sơ hết ngày 30.12.

Hiện tại, xã Ninh Sở đã hoàn thành quá trình xác minh các chủ thể vi phạm về không gian thoát lũ sông Hồng. Tuy nhiên, khi PV đề cập cung cấp số liệu này thì ông Ngần giao cho cán bộ địa chính xã. PV cũng đã trao đổi ít nhất 2 lần với cán bộ địa chính xã Ninh Sở nhưng người này nói do bận việc nên chưa cung cấp được.

Đê sông Hồng bảo vệ cho hơn 8 triệu người dân Hà Nội

Theo thống kê, TP.Hà Nội có 623,2 km đê, trong đó 404,1 km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt; 219,2 km đê dưới cấp 3, 218,9 km kè và 201 cống qua đê. Hà Nội cũng là địa phương có chiều dài đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt lớn nhất cả nước. Tuyến đê này có nhiệm vụ chống lũ, đảm bảo an toàn, tính mạng cho hơn 8 triệu người dân cùng các khu trung tâm, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Hà Nội đã tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang thoát lũ trên thực địa, tổ chức di dời, tái định cư hộ dân nằm trong hành lang thoát lũ (không phù hợp với quy hoạch). Tuy nhiên, việc di dời số lượng lớn dân cư trong hành lang thoát lũ là khó khả thi (khoảng 200.000 người).

Theo Quyết định 257 của Thủ tướng ban hành năm 2016, khái niệm về hành lang thoát lũ, mốc chỉ giới đã không còn hiệu lực, thay vào đó là không gian thoát lũ. Không gian thoát lũ bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa 2 đê. Ngoài ra, quyết định này cũng xác định các khu dân cư tập trung hiện có ở bãi sông được tồn tại, bảo vệ ở TP.Hà Nội là bãi Tàm Xá - Xuân Canh và Long Biên - Cự Khối, khu vực này được xây dựng với tỷ lệ 15%. Một số bãi sông rộng còn lại được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5%; các khu dân cư hiện có, đã tồn tại nhiều năm ở bãi sông được tồn tại, bảo vệ nhưng phải tuân thủ quy định của luật Đê điều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.