Bản đồ ma túy toàn cầu

Khánh An
Khánh An
24/01/2024 06:15 GMT+7

Những vụ thu giữ ma túy kỷ lục và những trường hợp cocaine số lượng lớn trôi dạt trên biển phản ánh sự tấp nập của những tuyến buôn lậu toàn cầu.

Theo Báo cáo ma túy thế giới 2023 do Văn phòng LHQ về tội phạm và ma túy (UNODC) công bố gần đây, các nước sản xuất nhựa cần sa nhiều nhất trên thế giới gồm Ma Rốc, Afghanistan, Pakistan và Li Băng.

Bản đồ ma túy toàn cầu- Ảnh 1.

Tàu bán ngầm chở 3,2 tấn ma túy bị bắt giữ ở Ecuador ngày 20.1

Reuters

Cần sa, thuốc phiện và COCAINE

Nhựa cần sa từ Ma Rốc chủ yếu được buôn lậu sang thị trường châu Âu, nhất là tại Tây Ban Nha, còn nguồn từ Afghanistan chủ yếu cung cấp cho các nước Tây Á. Các tuyến buôn lậu từ Ma Rốc trải dài sang Libya và Ai Cập qua vùng Sahel. Các tuyến phổ biến khác đi qua biên giới Tây Ban Nha bằng đường biển, hoặc qua biên giới đường bộ giữa Ma Rốc và Algeria để tiếp tục đi vào Tunisia và Libya. Từ Libya, một số được đưa qua Địa Trung Hải vào châu Âu. Khoảng 60% các vụ bắt giữ nhựa cần sa tập trung tại khu vực Bắc Phi và Tây Âu, nơi việc buôn lậu và tiêu thụ vẫn ở mức cao.

Về thuốc phiện, UNODC cho biết diện tích trồng toàn cầu tăng thêm 28% trong năm 2022. Đáng chú ý, theo AFP, Myanmar vượt qua Afghanistan, trở thành nước sản xuất thuốc phiện nhiều nhất trong năm ngoái. Ước tính Myanmar sản xuất khoảng 1.080 tấn thuốc phiện, thành phần cơ bản của heroin, trong khi Afghanistan chỉ sản xuất khoảng 330 tấn trong năm 2023.

Khu vực "Tam giác vàng" giữa Myanmar, Lào và Thái Lan từ lâu vẫn là điểm nóng sản xuất và buôn lậu ma túy, nhất là thuốc phiện và ma túy đá. Các tuyến buôn lậu thuốc phiện chính gồm tuyến Balkan cung cấp cho Tây Âu và Trung Âu, thông qua Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến phía nam qua Pakistan và Iran đến vùng Vịnh, châu Phi, Nam Á. Ngoài ra còn tuyến qua Trung Á đến Nga.

Bản đồ ma túy toàn cầu- Ảnh 2.

Ma túy bị thu giữ tại Ecuador ngày 20.1

Reuters

Trong khi đó, cocaine chủ yếu được sản xuất ở Nam Mỹ và cung cấp cho cả châu Mỹ cũng như Tây Âu và Trung Âu. Tuy nhiên, nhu cầu ở châu Phi và châu Á đã tăng dần trong 2 thập niên qua. Ước tính có 2.304 tấn cocaine được sản xuất trong năm 2021. Cocaine chủ yếu được buôn lậu bằng đường biển với mạng lưới phức tạp và khoảng 90% các vụ bắt giữ cocaine bên ngoài Nam Mỹ đều liên quan buôn lậu bằng đường biển.

Bản đồ ma túy toàn cầu- Ảnh 3.

Tội phạm ma túy bị bắt giữ ở Bolivia ngày 5.1

Reuters

Ma túy tổng hợp

Theo báo cáo của UNODC, tình trạng sử dụng các chất hướng thần dạng amphetamine (ATS) được ghi nhận cao nhất ở Bắc Mỹ, tiếp theo là Đông Á và Đông Nam Á. Hoạt động buôn lậu ATS, đặc biệt là methamphetamine (ma túy đá), đã lan rộng về mặt địa lý với mức tăng trưởng đáng chú ý ở các thị trường phi truyền thống. Việc sản xuất, sử dụng ma túy đá tiếp tục lan rộng đáng kể tại Nam Á, Tây Á, châu Âu và châu Phi, trong khi Myanmar và Afghanistan được cho là nguồn cung ứng chính. Bọn buôn lậu tiếp tục vận chuyển số lượng lớn ma túy tổng hợp sang Lào và miền bắc Thái Lan, cũng như qua biển Andaman để đến các thị trường khác. Đáng chú ý, đường đi của ma túy đá còn thể hiện sự hòa nhập của Nam Á vào thị trường Đông Nam Á, với số lượng lớn được buôn lậu từ Myanmar vào Bangladesh và khu vực đông bắc Ấn Độ.

Ngoài ra, tình trạng sử dụng các chất hướng thần mới (NPS) cũng được ghi nhận ở hầu hết các nước. UNODC cho rằng NPS được sử dụng phổ biến nhất là cần sa tổng hợp và ketamine. Việc sử dụng NPS được dự báo sẽ giảm ở Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng có thể tăng tại châu Á và châu Phi. Có 44 quốc gia ghi nhận các vụ bắt giữ NPS trong năm 2020 và 2021.

Nhận định ban đầu về VỤ GẦN 300 kg cocaine dạt vào bờ biển Quảng Ngãi

Liên quan số lượng lớn cocaine trôi vào bờ biển Quảng Ngãi những ngày vừa qua, chuyên trang Tiếng Chuông (Tiengchuong.chinhphu.vn - trang tin điện tử của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm) ngày 20.1 dẫn lời Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), nhận định nguồn gốc số ma túy là từ nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia sử dụng đường biển để vận chuyển đến các nước khác. Bởi trên thực tế, cocaine hầu như không được sử dụng tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 4.1, trong lúc đi dọc bờ biển, ông Võ Văn Tèo (46 tuổi, trú thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phát hiện một túi bên trong có 3 gói bọc ni lông có trọng lượng mỗi gói khoảng 1 kg. Nghi ngờ các đồ vật trên là ma túy, ông Tèo đã đến trình báo và giao nộp cho Đồn biên phòng Bình Hải.

Ngày 9.1, Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Quảng Ngãi) trưng cầu giám định, kết luận chất rắn màu trắng là chất ma túy (loại cocaine), tổng trọng lượng 2,94 kg. Đến ngày 14.1, thông qua tin báo của người dân, Đồn biên phòng Bình Hải, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Công an xã Bình Hải tổ chức lực lượng tuần tra tại bờ biển gành Nước Nhỉ (xã Bình Hải, H.Bình Sơn) và phát hiện 288 gói, tổng trọng lượng khoảng 290 kg. Qua kiểm tra, trọng lượng mỗi gói khoảng 1 kg đều cùng nhãn mác, màu và mùi với số ma túy đơn vị này đã thu giữ vào ngày 4.1.

Tội phạm lợi dụng xung đột

Theo Báo cáo ma túy thế giới 2023 của Văn phòng LHQ về tội phạm và ma túy (UNODC), việc buôn lậu ma túy tiếp tục diễn biến ở mức kỷ lục, với các mạng lưới buôn lậu ngày càng tinh vi, thách thức các cơ quan thực thi pháp luật. Số liệu tổng hợp mới nhất cho thấy thế giới có hơn 296 triệu người sử dụng ma túy trong năm 2021, tăng 23% so với trước đó 10 năm. Theo UNODC, các nhóm tội phạm còn lợi dụng tình hình bất ổn hoặc xung đột để mở rộng hoạt động sản xuất và buôn lậu ma túy như tại Afghanistan, Myanmar, Colombia, Peru, Mexico, Syria, Ukraine, khu vực Trung Mỹ và vùng Sahel ở châu Phi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.