Bàn việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

24/08/2010 00:01 GMT+7

Quy định hỗ trợ nạn nhân các vụ mua bán người ra sao để có thể thực hiện trong thực tế là nội dung được các thành viên Ủy ban TVQH bàn thảo nhiều nhất tại phiên họp sáng 23.8.

Vấn đề này được đưa ra khi Bộ Tư pháp lần đầu tiên đệ trình dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người tại phiên họp TVQH.

Dự luật Phòng, chống mua bán người dành hẳn 7 điều quy định việc hỗ trợ nạn nhân các vụ mua bán người, từ việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý tới hỗ trợ văn hóa, học nghề cũng như trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ vay vốn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển nhận xét phạm vi đối tượng được hỗ trợ quá rộng, không ngân sách nào “gánh” nổi. “Có rất nhiều người đang yếu thế khác chưa chắc đã được hưởng đầy đủ hỗ trợ thế này. Đồng tình có hỗ trợ nhưng phải có phạm vi nhất định, phù hợp với điều kiện ngân sách chúng ta”, ông Hiển nêu quan điểm.

 
Các nạn nhân bị bán sang Thái Lan được giải cứu về đến sân bay Tân Sơn Nhất hồi năm 2009 - Ảnh: Phúc Nam

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng băn khoăn không kém khi cho rằng các quy định hỗ trợ nạn nhân “toàn là chuyện đụng đến tiền cả, rất khó thực hiện”. Theo ông Vượng: “Không phải hễ cứ là nạn nhân là hưởng các chế độ, quy định này. Trong các nạn nhân cũng có những người giàu có, bị lừa bán, không cần phải hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Nếu không quy định rõ điều kiện được hỗ trợ thế nào thì cuối cùng tất cả nạn nhân đều trở thành đối tượng nhà nước phải hỗ trợ”.

“Đặt ra vấn đề hỗ trợ các nạn nhân như dự luật là tốt nhưng liệu có khả thi hay không? Có cảm giác nạn nhân các vụ mua bán người được ưu đãi, hỗ trợ như người có công với đất nước”, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Xã lấy đâu ra kinh phí?

Dự luật quy định khá nhiều nhiệm vụ, trách nhiệm cho UBND các cấp, đặc biệt UBND xã, ngoài việc bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, còn phải “tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, người cần được xác minh là nạn nhân” và làm các thủ tục cần thiết theo quy định liên quan tại luật này, rồi “hỗ trợ, tạo điều kiện cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống”. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng gọi quy định trên là “xa rời thực tế” và thắc mắc “không biết các đồng chí ngồi ở đâu viết ra những câu như thế này”. Bởi theo ông Vượng, quy định UBND xã tiếp nhận là đúng, còn hỗ trợ ban đầu thì tiền đâu ra trong khi ngân sách thì không có? Rồi phải hỗ trợ tiền tàu xe cho nạn nhân về nhà trong khi bản thân cán bộ xã đi công tác còn chả có tiền. “Tôi khẳng định ngân sách xã hiện nay tuyệt đại đa số không có gì cả”, ông Vượng quả quyết.

Theo lý giải của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, việc hỗ trợ các nạn nhân với các chính sách nói trên đã được thực thi theo quyết định của Thủ tướng từ năm 2007, lần này Ban soạn thảo đưa vào luật đảm bảo tính kế thừa, thống nhất trong thực hiện, chỉ có cái mới là phạm vi điều chỉnh rộng thì phải cân đối lại khả năng đảm bảo của ngân sách. "Rõ ràng người ta là nạn nhân thì phải có giải pháp hỗ trợ, chứ không dám so sánh với chế độ người có công. Sau này sẽ bổ sung thêm quy định vào luật là sau khi hỗ trợ, nếu xác minh không phải sẽ bắt bồi hoàn, xử phạt", ông Cường nói thêm.

Đa số thành viên Ủy ban TVQH cũng đề nghị không nên phân biệt “nạn nhân” hay là “người cần được xác minh là nạn nhân”, bởi nói như Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, bà Trương Thị Mai, thì: “Nạn nhân chạy trối chết về VN rồi mình còn bắt người ta phải xác nhận là nạn nhân nữa thì rất khó khăn”. Vì vậy, trách nhiệm khai báo là của nạn nhân, còn nhiệm vụ xác minh phải là của chính quyền.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị nên làm rõ các hành vi mua bán người thế nào thì bị truy cứu hình sự, vì bản chất mua bán khác với buôn bán ở tính chất lợi nhuận. Trên thực tế, có những bậc cha mẹ vì quá nghèo mà bán con, hoặc có những gia đình giàu có nhưng hiếm muộn muốn mua con để nuôi thì có coi là đối tượng phạm pháp phải xử lý hình sự hay không, hay là chỉ giáo dục, xử phạt hành chính? Mặt khác, việc giảm nhẹ, miễn truy cứu hình sự cũng chỉ có thể được áp dụng với đối tượng ban đầu là nạn nhân, sau phạm tội mua bán người do bị cưỡng ép, chứ không thể giảm nhẹ, miễn truy cứu với đối tượng ban đầu là nạn nhân, sau chủ động tham gia mua bán người như dự luật đặt ra.

Dự luật Phòng, chống mua bán người sẽ được chỉnh sửa và trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 tới.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.