Bánh cuốn chị Liên có gì lạ mà ăn hoài không ngán, có ngày bán đến 50kg?

18/07/2019 12:23 GMT+7

Chị Liên nhấc vung, trên lớp vải là lớp bánh mỏng trắng điểm thêm những chấm xanh của hẹ. Cách làm bánh cuốn có nhiều sáng tạo khiến vị bánh làm nhiều người mê. Mỗi ngày, chị bán ít nhất 16 - 20 kg, có hôm 50 kg.

Bí quyết khiến người người mê mẩn

Gà gáy gọi bình minh, chị Nguyễn Thị Phú Liên (ở xã Phổ Hòa, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) thức dậy, xay bột để tráng bánh. Những hạt gạo trắng tinh vừa được vớt ra từ nước chuyển thành bột lỏng sóng sánh. Chị đun sôi dầu phộng cùng hành tím xắt mỏng, hương thơm lan tỏa trong căn bếp nhỏ. Mớ hẹ tươi non được chị rửa sạch rồi xắt nhỏ cho vào thau bột cùng dầu phộng, hành phi và gia vị: muối hầm, bột ngọt, đường. Tiếp đến, chị pha thêm ít nước lọc rồi dùng vá khuấy đều.
Chiếc lò đun bằng vỏ trấu lửa cháy rừng rực, nước trong nồi nhôm sôi sùng sục. Miệng nồi bao phủ tấm vải với hơi nước nóng tựa sương khó tỏa chung quanh. Chị dùng vá múc bột đổ lên vải và tráng mỏng rồi đậy nắp. Lát sau, chị nhấc nắp vung ra khỏi lò, trên lớp vải hiện ra lớp bánh mỏng trắng trong điểm thêm những chấm xanh từ hẹ xắt nhỏ trông thật bắt mắt.
Thanh tre vót mỏng cùng chiếc vá lướt nhẹ trên tấm vải bởi đôi tay uyển chuyển như múa dẻo. Bánh cuốn nóng hổi được vớt ra khỏi lò tỏa hương thơm trong gió sớm. Căn nhà nhỏ rộn tiếng nói cười bởi những người phụ nữ chân quê đến mua bánh mang về cùng gia đình thưởng thức trong buổi sớm mai.
"Bánh cuốn ở đây làm từ gạo cùng dầu phộng, hành tím và hẹ, thêm ít gia vị với hương vị đặc trưng. Mọi người đều ăn được, không lo ngại gì cả. Tôi và nhiều người thường đến đây mua bánh về ăn...", bà Phạm Thị Mỹ Lệ chia sẻ.

Bánh cuốn nỏng hổi trên tấm vải. Chị Liên làm bánh luôn mang bao tay để đảm bảo vệ sinh

TRANG THY

Người dân Phổ Hòa gọi bánh cuốn là bánh ướt cuốn (khác với bánh ướt lá, tráng dày và không có hẹ xắt nhỏ). Bánh cuốn chị Liên mềm mại với phương pháp chế biến sáng tạo. Chị trộn lẫn bốn phần gạo cùng một phần gạo dẻo thơm rồi ngâm trong nước vài giờ trước khi xay thành bột. Tùy lượng bột mà chị gia giảm dầu phộng, hành phi và hẹ xắt nhỏ cùng gia vị để bánh đậm đà hương vị.
"Trộn các loại gạo với tỷ lệ phù hợp và pha lượng nước vừa đủ để bánh mềm dẻo. Dầu phộng cùng hẹ, hành phi, gia vị với lượng thích hợp để bánh thơm ngon và không gây ngán...", chị cho biết.

"Dù lãi ít nhưng tôi vẫn tráng bánh để bà con thưởng thức"

Bánh cuốn là món quà dân dã nơi làng quê ven sông Lò Bó hiền hòa và thơ mộng. Loại bánh này khá "dễ tính", có thể chấm nước mắm, chao, xì dầu, tương quê, mắm nêm... Các loại rau ăn kèm khá đa dạng: xà lách, rau sống, rau giá đỗ trụng nước sôi, giá sống muối chua... làm thỏa lòng thực khách.
Đơn giản là bánh cuốn chấm mắm pha chanh, đường, ớt, tỏi khiến bao người xuýt xoa khen ngợi. Miếng bánh dẻo mềm với hương thơm từ hẹ, hành phi lẫn vị béo của dầu phộng hòa cùng vị mặn của muối, ngọt từ đường và bột ngọt thấm vào từng tế bào vị giác. Nước mắm với vị mặn, ngọt, chua, cay cho bánh thêm đậm đà, tạo nên dư vị khó phai.

Chuẩn bị vớt bánh

TRANG THY

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ (bên trái) mua bánh cuốn mang về ăn sáng

TRANG THY

"Nhiều người ăn bánh cuốn cuộn trong xà lách rồi chấm mắm. Có người lại ăn bánh cuốn kèm với bánh tráng nướng chín rồi chấm xì dầu. Sáng nay họ ăn kèm với thứ này, mai lại ăn với thứ khác. Mỗi kiểu ăn mang lại hương vị riêng như người ta đổi món trong bữa cơm gia đình...", chị Liên tâm sự.
Mỗi ký bánh nóng hổi chỉ mười nghìn đồng. Ở đây, bác nông dân hay anh thợ hồ đều dùng món này làm món ăn sáng. Những cụ già mời nhau miếng bánh cuốn, rì rầm chuyện trò dưới hiên nhà.

Đĩa bánh cuốn cùng rau xà lách

TRANG THY

Bánh cuốn ăn kèm với rau xà lách chấm nước mắm

TRANG THY

Đĩa bánh cuốn còn hiện diện trên mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng thành kính của cháu con đối với người đã khuất. Những người con tha hương nhờ anh em, bạn bè nơi quê nhà mua bánh cuốn gửi vào tận nơi thưởng thức, hoài niệm về quá khứ thân thương.
"Thường ngày tôi tráng 16 - 20 kg bánh. Nhưng có nhiều bữa người ta đặt trước nên tráng 40 - 50 kg. Dù lãi ít nhưng tôi vẫn tráng bánh để bán cho bà con thưởng thức. Bởi vì, người dân ở đây thích ăn bánh, nhiều người mua gửi cho con cháu làm ăn phương xa cho vơi nỗi nhớ quê...", chị Liên bộc bạch.
Bao đời, cư dân Phổ Hòa cần mẫn trên ruộng đồng để làm ra hạt gạo trắng tinh khôi sau bao nỗi nhọc nhằn. Qua bàn tay khéo léo, gạo thành bánh cuốn thơm ngon khiến nhiều người gật gù tán thưởng. Loại bánh dân dã phảng phất hương vị đồng làng, gắn kết yêu thương và làm bâng khuâng cõi lòng những người con xa xứ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.