'Bắt tay' hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản

Mai Thu
(từ Nhật Bản)
16/12/2023 06:00 GMT+7

Chiều 15.12 (giờ địa phương), ngay sau khi xuống sân bay quốc tế Haneda (Tokyo, Nhật Bản), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm tỉnh Gunma, bắt đầu chuỗi lịch trình dày đặc các hoạt động song phương tại Nhật.

Người đứng đầu Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới hợp tác giữa các địa phương 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, với hơn 100 cặp quan hệ được thành lập thời gian qua. Tham gia đoàn công tác ngoài các lãnh đạo bộ, ngành, có lãnh đạo các tỉnh như Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ.

“Bắt tay” hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thống đốc tỉnh Gunma Yamamoto Ichita

NHẬT BẮC

Tỉnh Gunma nằm ở vị trí trung tâm Nhật Bản, gần thủ đô Tokyo, dân số khoảng 2 triệu người, nhưng GDP của tỉnh năm 2021 khoảng 62 tỉ USD. Hiện có 45 doanh nghiệp (DN) của Gunma đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như nhựa, thiết bị vận tải… Ngày càng nhiều DN tại đây quan tâm và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Gunma khoảng 12.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại đây.

Trong buổi chiều làm việc tại Gunma, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thống đốc Yamamoto Ichita và dự tọa đàm với các DN của tỉnh. Chia sẻ với Thống đốc Yamamoto Ichita, theo Thủ tướng, Gunma là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của 4 đời Thủ tướng Nhật Bản, trong đó có cựu Thủ tướng Fukuda, người đã đưa ra học thuyết "từ trái tim đến trái tim" vào những năm 1970 để thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN.

Nhắc lại khi giao lưu với lao động người Việt tại Công ty Shibata Gousei và được anh em cho biết đều rất vui vẻ và hạnh phúc khi sinh sống tại đây, Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới Thống đốc tỉnh Gunma đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho người Việt Nam. "Chúng tôi muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương Nhật Bản và Việt Nam tốt hơn, mạnh mẽ hơn. Năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, đã có 500 sự kiện được tổ chức - đây cũng là kỷ lục các sự kiện", Thủ tướng nói và cho biết các sự kiện này đều rất thực chất, cụ thể.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn coi hợp tác địa phương là kênh hiệu quả để thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác, tăng cường tình cảm gắn bó giữa người dân hai nước. Đồng thời, đề nghị Thống đốc Yamamoto Ichita tổ chức đoàn DN thăm Việt Nam và Ngày Gunma tại tỉnh Hà Nam vào năm 2024. Ngoài ra, đề nghị lãnh đạo tỉnh Gunma thúc đẩy quan hệ hợp tác với tỉnh Hà Nam và các địa phương Việt Nam thăm Gunma dịp này như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Khánh Hòa và Cần Thơ, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng còn rất lớn thông qua đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác du lịch.

Hút đầu tư chất lượng cao từ Nhật

Tại cuộc tọa đàm, các DN tiêu biểu, hàng đầu của Gunma và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như Cainz (hàng tiêu dùng), Koshidaka Holdings (lĩnh vực giải trí), J!NS (kính mắt), Tsukiji Gindaco (thực phẩm), Yamada (đồ điện), Subaru (ô tô), Acecook (thực phẩm, nổi tiếng với sản phẩm mì tôm), Taiyo Yuden (linh kiện điện tử), ngân hàng Gunma… đã giới thiệu về thế mạnh và bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ hội, triển khai và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam trân trọng và đánh giá cao các nhà đầu tư Nhật Bản luôn có sự quyết tâm, nghiêm túc, uy tín, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, quan tâm, chăm lo đời sống người lao động, chú trọng bảo vệ môi trường. Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác số 1 về ODA, đối tác số 2 về lao động, đối tác số 3 về đầu tư và du lịch, đối tác số 4 về thương mại. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.

“Bắt tay” hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản - Ảnh 2.

Thủ tướng gặp gỡ kỹ sư, người lao động Việt tại Công ty Shibata Gousei

DƯƠNG GIANG

Về đầu tư, với hơn 5.200 dự án và hơn 71,5 tỉ USD vốn đăng ký. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt tại hầu hết các địa phương của Việt Nam, tham gia nhiều dự án mang tính chiến lược trong một số lĩnh vực trọng điểm.

Thủ tướng đánh giá cao nhiều DN của Gunma có hướng đi khác biệt, độc đáo, đồng thời phù hợp với xu thế tự động hóa và thân thiện môi trường. Người dân Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng trong các sinh hoạt văn hóa, giải trí; các món ăn Nhật Bản rất được người dân Việt Nam ưa chuộng… Các kết quả về hợp tác đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hợp tác của Việt Nam và Nhật Bản cũng như với tỉnh Gunma, đặc biệt là trước bối cảnh hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra nhiều không gian, tiềm năng hợp tác mới.

Chia sẻ thêm, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam đang tiến hành 3 đột phá chiến lược. Theo đó, đột phá về thể chế để hướng tới thị trường, cạnh tranh, giảm can thiệp hành chính. Đột phá về hạ tầng, chi phí logistics hiện chiếm khoảng 17% GDP, giá cao nên cần tập trung vào hạ tầng giao thông để giảm chi phí, giúp giảm đầu vào và giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh sản phẩm. Và cuối cùng là đột phá về nhân lực chất lượng cao. Khi làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn đều quan tâm tới hạ tầng, nhân lực - đây là 2 điểm hạn chế mà Việt Nam cần nỗ lực tập trung để các DN đến đầu tư thuận lợi hơn.

Về lĩnh vực ngân hàng, hiện nay nhiều ngân hàng lớn của Nhật đã đầu tư vào Việt Nam, hiện có ngân hàng đầu tư hơn 1 tỉ USD. Việt Nam cũng đề nghị khi vào đầu tư phải tham gia cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Thủ tướng cho biết từng tạm dừng một chuyến công tác để làm việc với một ngân hàng Nhật Bản và thương vụ này đã thành công. Ngoài ra, trong lĩnh vực đường sắt cao tốc Nhật có kinh nghiệm, địa hình Việt Nam tương đồng như địa hình Nhật, mong muốn có nghiên cứu hợp tác giữa DN 2 nước.

Thủ tướng cũng đề nghị Thống đốc tỉnh Gunma sẽ dẫn thêm nhiều đoàn DN nữa đến Việt Nam, năm 2023 đoàn có 30 DN rồi thì năm tới sẽ là 45 - 50 DN. Thủ tướng cũng mong muốn các DN Nhật tăng cường chuyển giao công nghệ, sử dụng nhiều hơn lao động Việt Nam và nguyên liệu Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh. Về phía Việt Nam, Chính phủ cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Ngày 16.12, tiếp tục lịch làm việc song phương tại Nhật trong khuôn khổ chuyến thăm và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ASEAN - Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, tham dự các tọa đàm, diễn đàn kinh tế với các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật...

Nhân dịp này, Thủ tướng và Thống đốc tỉnh Gunma đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Gunma và tỉnh Hà Nam; thăm khu giao lưu người dân tỉnh Gunma - nơi người dân giao tiếp với chính quyền và nêu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị.

Trước đó, Thủ tướng đã tới thăm Shibata Gousei - một trong những DN tiêu biểu của tỉnh Gunma đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong vận hành, sản xuất, hiện thực hóa dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động bằng máy móc. Công ty hiện có 30 nhân viên người Việt Nam đang làm việc, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như kỹ sư lập trình, thiết kế, chế tạo các máy đóng gói tự động, máy gia công...

Bày tỏ vui mừng khi nhiều kỹ sư, nhân viên Việt Nam đang làm việc tại công ty, đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong việc chế tạo thiết bị tự động hóa, chuyển đổi số của công ty, coi công ty như nhà mình, trong điều kiện làm việc và đãi ngộ tốt, Thủ tướng cũng cảm ơn và mong muốn lãnh đạo công ty tiếp tục tiếp nhận thêm lao động Việt Nam. "Tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản được thể hiện ngay trong nhà máy, người Việt Nam và Nhật Bản cùng chung sức, đồng lòng phát triển nhà máy theo xu thế tự động hóa và thân thiện với môi trường", Thủ tướng nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.