TNO

Bên những bức tượng về cuộc chiến Gallipoli cách đây 101 năm

30/07/2016 14:00 GMT+7

(Tin Nóng) Vào Te Papa (Bảo tàng quốc gia New Zealand) nằm bên bến cảng của thủ đô Wellington, tiết mục triển lãm gây ấn tượng mạnh nhất là những bức tượng kích cỡ 2,4 lần lớn hơn người thật mô tả những người lính New Zealand ở trận chiến Gallipoli bên Thổ Nhĩ Kỳ.

(Tin Nóng) Vào Te Papa (Bảo tàng quốc gia New Zealand, được cẩm nang lữ hành Lonely Planet xếp vào danh sách 500 địa điểm phải đến) nằm bên bến cảng của thủ đô Wellington, tiết mục triển lãm gây ấn tượng mạnh nhất là những bức tượng kích cỡ 2,4 lần lớn hơn người thật mô tả những người lính New Zealand ở trận chiến Gallipoli bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Tượng thiếu úy Spencer Westmacott mất hơn 3.000 giờ mới làm xong - Ảnh: P.Nguyễn Dũng

Năm 1915, thời Thế chiến I, dân số New Zealand mới khoảng trên một triệu người nhưng do là quốc gia thuộc Vương quốc Anh nên đã có khoảng 16.000 lính New Zealand được điều động tham chiến tại bán đảo Gallipoli, ở tận bên Thổ Nhĩ Kỳ, thời ấy còn là Đế chế Ottoman. Đây là một trong những trận địa chiến kinh khủng, lính Úc và lính New Zealand đổ bộ lên và thi nhau gục ngã trước những tràng đạn từ các khẩu đại liên MG08 (do Đức sản xuất) của lính Thổ, khi ấy thuộc phe với Đế quốc Đức và Đế chế Áo-Hung. Phía đồng minh là Pháp, Anh, Ấn Độ, Canada, Úc, New Zealand.

Lần đầu tiên xung trận ở tư cách là một quốc gia, đất nước New Zealand đã chịu nhiều mất mát, rất nhiều gia đình mất người thân. Thân xác của những người con, chồng, anh, em trai mãi vùi sâu vào lòng đất đá ở xứ lạ để đến ngày nay, Gallipoli vẫn là một tên địa danh gợi nhớ niềm thương đau đối với nhiều gia đình New Zealand. Và đó chính là đề tài của cuộc triển lãm mang tên Gallipoli: The scale of our war tại bảo tàng Te Papa, tại thủ đô Wellington.

Sau một năm mở cửa (miễn phí), chương trình triển lãm này đã thu hút trên một triệu khách tham quan. Tốn kém 8 triệu đôla New Zealand, các bức tượng lính, nữ y tá được thiết kế thật sống động, chi tiết  và đặc biệt là ở chiều kích thật to lớn, sẽ còn tiếp tục hút hồn của nhiều khách trước khi cuộc triển lãm kết thúc vào năm 2019.

Bức tượng mô tả cảnh lính New Zealand chết trận Gallipoli - Ảnh: P.Nguyễn Dũng

Điều đáng kể, 8 bức tượng làm bằng sợi thủy tinh, da làm bằng silicon, đều có nguồn gốc từ những “người thật, việc thật” từng trải qua những ngày tháng kinh hoàng tại Gallipoli và may sao có người sống sót trở về để rồi qua các cuốn nhật ký, lời kể của họ mà ngày nay khách tham quan biết được thế là địa ngục trần gian tại một trận địa chiến kinh khủng.

Không thể đánh bật lính Thổ ra khỏi hệ thống giao thông hào dày đặc, chịu tổn thất nặng, quân đồng minh Anh đành phải di tản khỏi Gallipoli vào đầu năm 1916. Riêng Lực lượng viễn chinh New Zealand bị thiệt hại nặng với 2.779 sĩ quan và binh sĩ tử trận và 4.752 bị thương.

Các bức tượng lớn hơn người thật trong chương trình triển lãm đều là những tuyệt phẩm của Weta Workshop, một công ty lừng danh thế giới về công nghệ thiết kế và sản xuất những quái nhân, quái vật, xe cộ, vũ khí trong những phim giải trí hốt bạc của Hollywood. Dù được hỗ trợ bởi những công nghệ hiện đại, chẳng hạn như công nghệ in 3D, nhưng các nghệ nhân của Weta Workshop cũng đã mất đến 24.000 tiếng đồng hồ lao động mới hoàn tất được 8 bức tượng quá khổ cực kỳ sống động này. Chẳng hạn như tượng mô tả thiếu úy Spencer Westmacott (bắn súng ngắn bằng tay trái), quê ở thành phố Christchurch, trên Đảo Nam (New Zealand gồm hai đảo lớn, gọi là Đảo Bắc và Đảo Nam) mất hơn 3.000 giờ mới xong.

Tượng nữ y tá Charlotte - Ảnh: P.Nguyễn Dũng

Một người lính New Zealand tham dự Thế chiến I ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: P.Nguyễn Dũng

Xạ thủ đại liên người Maori - Ảnh: P.Nguyễn Dũng

Ẩn mình bên trong căn hầm chật hẹp tạo nên bởi những bao cát chất chồng nhằm phòng chống mảnh đạn pháo là tượng một người lính có tên là William Malone. Văng vẳng bên tai, ai đó đọc cho khách tham quan nội dung bức thư cuối cùng mà Malone viết gửi cho vợ Ida ở quê nhà.

Tỏa sáng một góc không gian triển lãm là tượng cô Charlotte Le Gallais, một trong số 10 nữ y tá được tuyển chọn lên tàu bệnh viện Maheno ở chuyến hải hành đầu tiên đến Gallipoli hồi tháng 7.1915. Charlotte tình nguyện phục vụ vì muốn tìm xem em trai của mình, Leddra, ra sao. Leddra đã đến Gallipoli từ mấy tháng trước và không có tin tức gì về cho gia đình. Khi nữ y tá đến Gallipoli thì nhận lại được chính những lá thư cô viết gửi cho em. Leddra đã tử trận ngày 23.7.1915.

Rikihana Carkeek là một binh sĩ New Zealand gốc thổ dân Maori. Anh là người hỗ trợ cho xạ thủ đại liên. Vào những lúc hiếm hoi thưa tiếng súng nổ, anh viết nhật ký ghi lại những gì đã xẩy đến với anh và đồng đội cũng là người Maori trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt tại Gallipoli. Tại đây, nhiều người bạn của anh đã hy sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.