Bệnh nhân mắc sỏi đường mật 'hình cây' hiếm gặp

Duy Tính
Duy Tính
05/08/2023 10:13 GMT+7

Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) mổ lấy sỏi đường mật "hình cây" hiếm gặp cho bệnh nhân 45 tuổi.

Ngày 5.8, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM), cho biết bệnh viện đã phẫu thuật thành công, lấy sỏi đường mật "hình cây" hiếm gặp trên bệnh nhân N.T.K (45 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức).

Trước đó, bệnh nhân K. nhập viện tại khoa Cấp cứu của bệnh viện vì tình trạng đau bụng vùng thượng vị hướng hạ sườn phải. Bệnh nhân nói mình bị đau bụng kéo dài từ khoảng 3 ngày trước khi đến bệnh viện.

Bác sĩ thăm khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân tỉnh táo, da niêm mạc vàng, nhiệt độ 37 độ C, đau bụng chủ yếu vùng thượng vị hướng hạ sườn phải, ấn vào cảm giác đau nhiều hơn. Xét nghiệm máu phát hiện bệnh nhân đang có hội chứng nhiễm trùng.

 Bệnh nhân mắc sỏi đường mật 'hình cây' hiếm gặp - Ảnh 1.

Sỏi đường mật hình cây với kích thước khá lớn được bác sĩ phẫu thuật lấy ra cho người bệnh

BVCC

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner) bụng cho thấy hình ảnh gan lớn, đường mật trong gan giãn có nhiều sỏi với kích thước 66x15mm. Ống mật chủ giãn kích thước khoảng 17mm, đoạn cuối ống mật chủ có sỏi khoảng 24x12mm.

Bệnh nhân được hội chẩn và được chỉ định nhập viện khoa Ngoại tổng hợp để tiếp tục theo dõi sỏi đường mật. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng đau bụng bệnh nhân cải thiện, bác sĩ thăm khám ấn vào vùng thượng vị cho thấy tình trạng giảm đau, giảm sốt.

Nhưng bệnh nhân vẫn còn chán ăn, vàng da nhiều, các chỉ số sinh hóa máu có giảm nhưng vẫn còn trong mức cao. Bệnh nhân được chỉ định mổ lấy sỏi đường mật giải quyết nguyên nhân. Quá trình mổ, thám sát, bác sĩ thấy gan bệnh nhân to ứ mật nhiều, túi mật thành mỏng. Ống mật chủ và ống gan chung giãn khoảng 20mm có sỏi cứng, tắc hoàn toàn cây đường mật ngoài gan.

Phẫu thuật viên tiến đã gắp ra được 3 viên sỏi đường mật (2,5x1,5cm; 6,5x2cm và 1x1,5cm) bị đứt rời tạo thành "hình cây" đường mật ngoài gan, đồng thời đặt ống dẫn lưu.

Sau 2 ngày phẫu thuật lấy sỏi đường mật, bệnh nhân ổn định, bụng mềm, dẫn lưu khoảng 400 ml dịch mật, dẫn lưu dưới gan không ra thêm dịch, vết mổ khô. Bệnh nhân được rút ống dẫn lưu dưới gan và cho ăn sớm. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ CK.I Lý Hữu Truyện, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, thông tin sỏi đường mật là bệnh ngoại khoa thường gặp ở nước ta. Sỏi đường mật thường là sỏi ống mật chủ (OMC) và sỏi trong gan, có thể có sỏi túi mật phối hợp. Bệnh nhân sỏi đường mật thường hay gặp ở nữ nhiều gấp đôi nam giới, tuổi từ 40 đến 60, người có đời sống kinh tế thấp, ăn uống thiếu đạm và vệ sinh kém. Hầu hết những sỏi ống mật chủ liên quan đến tình trạng nhiễm trùng đường mật và nhiễm giun đũa. Vi khuẩn kích hoạt quá trình can xi hóa dịch mật, tạo thành sỏi bùn và sỏi vụn. Lúc đầu có thể xuống tá tràng dễ dàng, nhưng nếu quá trình này thường xuyên và lặp đi lặp lại thì sỏi vụn trở nên sỏi viên với số lượng ngày càng nhiều, nằm rải rác hoặc tạo thành khối. Trong đó, sỏi ống mật chủ tạo thành khối "hình cây" đường mật ngoài gan là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp gây nên tình trạng vàng da tắc mật, nhiễm trùng nặng nề.

Bác sĩ Lý Hữu Truyện khuyến cáo, bệnh nhân có các triệu chứng đau bụng, vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu, nên đến bệnh viện để khám và làm một số xét nghiệm kiểm tra, phát hiện sớm; không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có nguy cơ tắc mật nhiễm trùng nặng, các biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.