Bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được cấy ghép tim lợn

Khánh An
Khánh An
24/09/2023 07:16 GMT+7

Các chuyên gia tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (bang Maryland, Mỹ) vừa tiến hành thành công ca phẫu thuật thứ 2 về ghép tim lợn trên người.

Bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được cấy ghép tim lợn - Ảnh 1.

Bộ phận được cấy ghép là quả tim lợn được can thiệp gien

Trung tâm Y khoa Đại học Maryland

Hãng AFP ngày 24.9 đưa tin một người đàn ông 58 tuổi vừa trở thành bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được cấy ghép tim lợn được can thiệp gien, sau khi ca đầu tiên thành công hồi tháng 1.2022 nhưng sau đó bệnh nhân tử vong.

Việc cấy ghép các bộ phận từ động vật có thể đem lại giải pháp cho vấn đề thiếu hụt trầm trọng các bộ phận cơ thể người. Hơn 100.000 bệnh nhân tại Mỹ hiện đang nằm trong danh sách chờ được cấy ghép tạng.

Cả 2 ca cấy ghép tim lợn đều được tiến hành bởi các chuyên gia tại Trung tâm Y khoa Đại học Maryland (bang Maryland, Mỹ).

Bệnh nhân trong ca đầu tiên là một người đàn ông 57 tuổi tử vong vào ngày 8.3.2022 do "vô số yếu tố bao gồm cả tình trạng sức khỏe kém của ông ấy". Trước đó, các chuyên gia tại Đại học Maryland cho biết bệnh nhân nhiễm một loại virus từ lợn có tên là Cytomegalovirus (CMV).

Ca phẫu thuật mới nhất được tiến hành hôm 20.9, với bệnh nhân Lawrence Faucette phù hợp với điều kiện được cấy ghép tim do bị bệnh mạch máu đã có từ trước và các biến chứng chảy máu bên trong cơ thể.

Bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được cấy ghép tim lợn - Ảnh 2.

Ông Faucette gần như chắc chắn phải đối mặt với bệnh suy tim và đồng ý thử nghiệm

Trung tâm Y khoa Đại học Maryland

Nếu không được cấy ghép thử nghiệm, ông Faucette gần như chắc chắn phải đối mặt với bệnh suy tim. Ông là cựu chiến binh Hải quân và có 2 người con.

"Hy vọng thực sự duy nhất còn lại của tôi là được sử dụng trái tim lợn được cấy ghép. Ít nhất bây giờ tôi có hy vọng và cơ hội", ông phát biểu trước ca phẫu thuật.

Trường Đại học Maryland cho biết, sau ca cấy ghép, ông Faucette đã tự thở và trái tim mới hoạt động tốt mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ các thiết bị hỗ trợ. Hiện bệnh nhân đang dùng các loại thuốc chống đào thải thông thường cũng như nhận được liệu pháp kháng thể mới để ngăn cơ thể làm tổn hại hoặc đào thải cơ quan mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.