Bí ẩn sa mu dầu giữa đại ngàn

Khánh Hoan
Khánh Hoan
25/01/2023 07:26 GMT+7

Sau nhiều thập niên được phát hiện có mặt ở một số khu rừng của nước ta, sa mu dầu vẫn chứa đựng những bí ẩn chưa được giải mã.

Trong đợt khảo sát điều tra rừng tại H.Quế Phong (Nghệ An) vào năm 1995, các nhà chuyên môn về lâm nghiệp phát hiện một số cây cổ thụ lá kim, có đường kính rất lớn và gỗ cây có mùi thơm rất dễ chịu. Đó là bước khởi đầu phát hiện cây sa mu dầu (còn gọi là sa mộc dầu) và đến năm 2016 có 56 cây sa mu dầu đường kính từ 2 - 4 m ở trong các cánh rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (H.Quế Phong) được công nhận là cây di sản. Sở hữu một quần thể báu vật sa mu dầu lớn nhất VN với hàng trăm, hàng ngàn tuổi đưa Pù Hoạt trở thành địa chỉ để khám phá những bí ẩn từ loài gỗ huyền thoại này.

Quần thể sa mu dầu ở Pù Hoạt

P.H

Báu vật của rừng xanh

Sa mu dầu được nhà thực vật học người Nhật Hayata phát hiện vào năm 1908 ở Đài Loan và ông đặt tên là Cunninghamia Konishii. Theo các dữ liệu khoa học và kết quả điều tra, nghiên cứu, ở VN sa mu dầu chỉ mới được ghi nhận phân bố ở một số khu vực hẹp với số lượng hạn chế thuộc các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Thanh Hóa và nhiều nhất tại Nghệ An.

Cây sa mu dầu con

K.HOAN

Sa mu dầu là nguồn gien quý đã được đưa vào Sách đỏ VN, xếp vào nhóm nguy cấp, quý, hiếm. Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cho biết gỗ của sa mu dầu tương đối nhẹ nhưng rất bền, không bị mối mọt, có hoa vân, màu sắc rất đẹp và đặc biệt có mùi thơm rất đặc trưng. Sa mu dầu vì thế được giới chuyên đồ gỗ săn lùng để làm đồ thủ công mỹ nghệ và còn được gọi là gỗ ngọc am. Theo nhà thực vật học TS Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật VN, ở nước ta, dựa trên những mẫu gỗ thu thập được đã chứng minh sa mu dầu cũng chính là ngọc am.

Gỗ ngọc am còn được biết đến với bí ẩn về kỹ thuật ướp xác của người xưa. Nhà khảo cổ học Nguyễn Lân Cường kể, năm 2005 ông và các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật ngôi mộ xác ướp ở vườn đào Nhật Tân (Hà Nội). Sau khi mở nắp quan tài, những người chứng kiến sững sờ vì xác ướp còn nguyên vẹn dù bị ngâm trong nước và tỏa mùi thơm rất dễ chịu của tinh dầu. Kết quả nghiên cứu về tinh dầu dùng để ướp xác ở ngôi mộ cổ này cho thấy có 3 hoạt chất chính thì cả 3 đều có trong gỗ ngọc am.

Một căn nhà của người Mông ở H.Kỳ Sơn lợp bằng gỗ sa mu dầu

K.HOAN

Theo TS Nguyễn Văn Sinh, ở Pù Hoạt, kết quả khảo sát và nghiên cứu cho thấy sa mu dầu tạo thành những quần thể gần như thuần loài và xuất hiện ở độ cao từ 868 - 1.715 m so với mực nước biển. Sa mu dầu thường xuất hiện trong rừng kín, hỗn giao cây lá kim và lá rộng ở núi trung bình và núi cao á ẩm nhiệt đới. Hiện nay, ngoài 56 cây sa mu dầu có đường kính 2 - 4 m, cao hàng chục mét đã được công nhận cây di sản, tại Pù Hoạt còn khá nhiều cây có đường kính nhỏ hơn.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về sa mu dầu ở Pù Hoạt cho thấy khả năng tái sinh của loài cây này rất hạn chế. Theo TS Sinh, sa mu dầu tái sinh cần ánh sáng rất cao, vì thế dưới tán rừng rất ít xuất hiện cây sa mu dầu tái sinh. Đây là một thách thức lớn trong công tác bảo tồn loài cây quý hiếm này.

Nỗ lực nhân giống sa mu dầu

Tại Nghệ An, sa mu dầu phân bố dọc theo tuyến biên giới Việt - Lào, từ H.Quế Phong kéo sang H.Kỳ Sơn, H.Con Cuông. Tuy nhiên, ở H.Kỳ Sơn số lượng sa mu dầu gần như đã bị xóa sổ do khai thác cạn kiệt. Tại Vườn quốc gia Pù Mát (H.Con Cuông), sa mu dầu có phân bố ở một số vùng. Năm 1998, nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học đã phát hiện cây sa mu dầu cổ thụ có đường kính 5,4 m, cao khoảng 40 - 50 m ở thượng nguồn khe Bu của Pù Mát, cách bìa rừng 3 ngày đi bộ. Đây cũng là cây sa mu dầu lớn nhất VN hiện nay.

Cây sa mu dầu đường kính 5,4 m ở Vườn quốc gia Pù Mát (H.Con Cuông, Nghệ An)

P.M

Mặc dù được phát hiện khá muộn, nhưng hàng trăm năm trước, sa mu dầu đã trở thành vật liệu làm nhà khá phổ biến của đồng bào Mông ở Nghệ An. Tiếp chuyện tôi trong căn nhà được lợp và thưng bằng ván gỗ sa mu dầu nức mùi thơm, ông Vừ Giống Phử (ở xã Tây Sơn, H.Kỳ Sơn) nói căn nhà này đã được ông dựng từ gần 30 năm trước. TS Nguyễn Văn Sinh cho rằng, gỗ sa mu dầu có chứa tinh dầu nên rất bền. Ván gỗ dùng để thay ngói lợp nhà, mùa nắng ván khô lại, tạo các khe hở để gió lùa vào nhà, nhưng khi mưa xuống, gỗ lại nở ra, che kín giúp nhà không bị dột nước. “Sa mu dầu thuộc ngành thông, có chất phitoxit có tác dụng kháng khuẩn, thanh lọc không khí, rất tốt cho tim mạch. Chất này cũng có trong cây long não, cây thông nên tại các khu nghỉ dưỡng ở nước ta do người Pháp xây dựng, thường được trồng cây long não hoặc thông”, TS Sinh giải thích.

Sau năm 1990, gỗ sa mu dầu trở nên hiếm hoi ở Kỳ Sơn do bị khai thác quá mức. Năm 1996, ông Vừ Pà Rê, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn, thấy tiếc nuối những cánh rừng sa mu dầu và pơ mu đã bị xóa sổ nên đã rủ các con của mình vào rừng tìm giống cây con đem về trồng trên những quả đồi trọc gần bản. Đến nay, đã có hơn 30 ha rừng được phủ xanh bởi cây pơ mu và sa mu dầu với đường kính từ 25 - 40 cm. Một người dân khác ở H.Quế Phong sau khi biết sa mu dầu là loài thực vật quý, hiếm cũng đã tự vào rừng tìm giống cây con về trồng và cây đang sinh trưởng tốt.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt rộng 86.000 ha, tiếp giáp biên giới Việt - Lào và 9 xã của H.Quế Phong. Theo TS Sinh, hiện trung tâm đang nhân giống sa mu để trồng, nhưng thách thức lớn nhất để bảo vệ báu vật này là diện tích rừng quá lớn, sa mu dầu lại phân bố gần biên giới và vùng giáp ranh với khu dân cư trong khi lực lượng giữ rừng hiện nay được phân công lại quá mỏng.

Từ năm 2014 đến nay, đã có nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu về cây sa mu dầu ở Pù Hoạt, nhưng theo TS Nguyễn Văn Sinh, bí ẩn về loài cây này về sự phân bố, giá trị sinh học của nó vẫn chưa được giải mã hết. Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang phối hợp điều tra, nghiên cứu để bảo tồn loài cây này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.