Bị nghi ngờ làm hộ dự án khoa học cho học sinh, thầy hướng dẫn nói gì?

Quý Hiên
Quý Hiên
17/05/2022 09:23 GMT+7

Bộ GD-ĐT cử 7 dự án nghiên cứu khoa học của học sinh dự cuộc thi ISEF 2022. Dư luận đang chỉ ra những dấu hiệu cho thấy nhiều dự án thực chất không phải của học sinh, mà các thầy làm hộ.

Như Thanh Niên đã phản ánh, năm nay Bộ GD-ĐT chọn ra 7 dự án trong số 12 dự án giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia (VISEF) để gửi dự thi cuộc thi ISEF 2022, tổ chức ở Mỹ. Nhờ Ban tổ chức ISEF công khai nội dung các dự án dự thi mà lần đầu tiên các nhà khoa học được biết cụ thể về các dự án của học sinh Việt Nam.

Qua đó cho thấy các dự án được sử dụng các công cụ nghiên cứu hiện đại, đòi hỏi người nghiên cứu phải được đào tạo bài bản trong thời gian dài; hàm lượng khoa học trong các dự án cao. Vì thế, nhiều nhà khoa học nghi ngờ nhiều dự án đứng tên tác giả là học sinh, nhưng thực chất do các nhà nghiên cứu khoa học làm hộ.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một số cán bộ khoa học, là thầy hướng dẫn công khai của các dự án, cho rằng nghi ngờ của dư luận là thiếu căn cứ, vì thế mà có những đánh giá không công bằng.

PGS Nguyễn Ngọc Hà, Chủ nhiệm khoa Hóa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định ông chưa bao giờ nói “học sinh làm hết” mà chỉ nói đúng những việc các em làm. PGS Hà là giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh của Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g - C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt”.

Học sinh là những người có ý tưởng

Theo PGS Hà, việc dư luận hiểu các học sinh “tự tính toán, lập trình, tự tổng hợp vật liệu xúc tác, tự tiến hành thí nghiệm đánh giá hoạt tính xúc tác của vật liệu, tự phân tích và xử lý số liệu, tự xây dựng các đồ thị và bảng biểu”, là những suy đoán có tính quy kết, đầy tai hại.

“Với bản khai tiếng Anh gửi cho Ban tổ chức ISEF 2022, tôi không hề viết như thế. Với các học sinh thì làm sao làm được những điều như thế!”, PGS Hà phẫn nộ.

Một trang trình bày trong dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g - C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” do học sinh của Sở GD-ĐT Hà Nội thực hiện.

Quý Hiên chụp tài liệu

Theo PGS Hà, các học sinh chỉ là người đưa ra ý tưởng. Ngay việc đưa ra ý tưởng, ban đầu các học sinh cũng chỉ bày tỏ nguyện vọng sơ bộ là muốn xử lý một vấn đề môi trường. Sau đó, PGS Hà đã giao tài liệu cho các em đọc, rồi thầy trò cùng thảo luận, thì mới rõ hơn cái ý tưởng cụ thể. Chỉ có điều, bản khai gửi Ban tổ chức ISEF 2022 phải viết ngắn gọn nên không nói rõ được quá trình hình thành ý tưởng diễn ra như thế nào.

Còn các phân tích, đo đạc thì đã có máy móc. “Những chỗ tính toán, các em chỉ việc lắp vào thôi, vì đã có sẵn chương trình rồi. Machine learning cũng là cái có sẵn rồi, mô hình cũng được luyện rồi, các em chỉ lắp vào như lắp một công thức”, PGS Hà khẳng định.

Trước câu hỏi của PV Thanh Niên “có phải các em tự nhập số liệu, tự tính toán?”, PGS Hà giải thích: “Phải rõ một điều là không có thầy các em không làm được, cái đó ai cũng biết. Các em mới chỉ là học sinh THPT, nên chỉ có thể đưa ra ý tưởng cơ bản, còn lại là thầy phải hướng dẫn. Có nhiều vấn đề các em không cần hiểu sâu sắc như phương trình hàm sóng, cũng không cần phải biết lập trình. Nhưng cũng không có gì khó khăn cả, vì mình sẽ hướng dẫn các em nhập số liệu vào chỗ này, bấm vào chỗ này, thì sẽ ra những con số này”.

Rồi PGS Hà khẳng định: “Việc đo đạc là do máy móc làm, các cháu đo thế nào được!”. PGS Hà còn cho biết thêm có một số việc đo đặc biệt thì các học sinh phải gửi đến các đơn vị có thiết bị đo chuyên dụng, còn ngay tại khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì các em chỉ đo một số cái cơ bản, và tự làm.

“Không ai nói là các em làm được lập trình, làm được machine learning. Tôi có viết vậy đâu! (Viết trong bản khai mẫu 1C gửi ban tổ chức ISEF 2022 - PV). Tôi cũng có nói các em biết về cơ sở về hóa học lượng tử, phân tích kết quả, lập trình ra sao đâu! Không có bất kỳ chỗ nào nói như thế. Trong đó (mẫu 1C - PV) ghi rất rõ: gửi mẫu đi đo, rồi thảo luận kết quả”, PGS Hà nhấn mạnh.

Khó lượng hóa phần việc học sinh đã làm được

Trước câu hỏi “liệu có thể lượng hóa đóng góp của học sinh là bao nhiêu phần trăm cho dự án?”, PGS Hà trả lời: “Không ai có thể tính ra như thế được. Có những đóng góp với người này thì có ý nghĩa đặc biệt, với người khác thì bình thường… Nên không thể đưa ra con số được”.

Khi được hỏi “thực chất học sinh làm được những gì?”, PGS Hà cho biết là rất khó trả lời một cách rành rẽ. Nhưng học sinh có làm, và cái gì của học sinh thì mình phải tôn trọng, phải để. “Ví dụ cuộc thi mà không có người hướng dẫn nhưng các em làm được như thế thì là vấn đề khác. Nhưng đây là cuộc thi có người hướng dẫn, thì nó khác”, PGS Hà nói.

Về bình luận ranh giới mong manh giữa thầy hướng dẫn và thầy làm hộ, PGS Hà chia sẻ: “Các em đưa ra ý tưởng và bày tỏ mong muốn triển khai ý tưởng, nhờ thầy hướng dẫn. Thầy biết nên chỉ cho các em đo đạc thế nào, phải sử dụng hóa chất hoặc máy móc ra rao, rồi chỉ dẫn cho các em cách thức tổng hợp và bảo các em tìm hiểu thêm qua các tài liệu. Trong quá trình các em tìm đọc tài liệu thì thầy cũng có những hỗ trợ cho các em”.

Về thời gian học sinh thực hiện dự án, PGS Hà cho biết là 1 năm, từ tháng 2.2021 đến tháng 2.2022. “Tổng thời gian là rất nhiều. Phần lý thuyết thì thầy trò làm việc online”, PGS Hà nói, và cho biết thêm: “Ở đây có chuyện lý thuyết kết hợp với thực nghiệm. Mặt mạnh của tôi là chuyên làm lý thuyết, nên khi hướng dẫn các em thì tôi đã chỉ bảo, định hướng, giúp các em tiết kiệm được rất nhiều thời gian”.

“Tôi là trưởng đoàn dẫn học sinh Việt Nam dự thi kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế hàng năm, là trưởng khoa của một trường ĐH lớn. Do đó làm gì tôi cũng phải đảm bảo điều đầu tiên là đạo đức nghề nghiệp, sự trung thực”, PGS Hà khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.