Bí thư TP.HCM: 'Không làm thay, không làm thêm mà chỉ làm phụ, thúc đẩy'

18/04/2023 11:26 GMT+7

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc các tổ giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM "không đi để làm thay, cũng không làm thêm mà đi để làm phụ, hỗ trợ chia sẻ, thúc đẩy và tháo gỡ".

Sáng 18.4, trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ 9 của HĐND TP.HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ thêm về việc Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM lập các tổ giám sát đầu tư công và 38 dự án trọng điểm.

"Năm nay vốn đầu tư công của thành phố rất lớn nên Ban Thường vụ Thành ủy đi thực tế để thấy anh em làm như thế nào, và đang gặp vướng mắc như thế nào để tháo gỡ, không để mọi việc cứ đè xuống khiến anh em đuối sức thì kết quả cũng không tốt", ông Nguyễn Văn Nên nói.

Thông qua việc kiểm tra, tổ công tác ghi nhận cách làm, quyết tâm của các đơn vị có đúng theo nhiệm vụ được giao hay không để chia sẻ, uốn nắn, tăng cường, nếu đến mức xử lý thì phải xử lý. "Mình gần gũi để thấu hiểu khó khăn", Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ, đồng thời nhìn nhận tình trạng quá tải hiện nay là có thật, do khối lượng công việc lớn. Năm 2023, TP.HCM đã phân bổ vốn đầu tư công hơn 43.400 tỉ đồng.

Dù vậy, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh các tổ giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy "không đi để làm thay, cũng không làm thêm mà đi để làm phụ, hỗ trợ chia sẻ, thúc đẩy và tháo gỡ".

Bí thư TP.HCM: 'Không làm thay, không làm thêm mà chỉ làm phụ, thúc đẩy' - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với các phóng viên bên lề kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM sáng 18.4

SỸ ĐÔNG

Theo danh sách phân công kiểm tra 38 dự án, Bí thư Thành ủy TP.HCM kiểm tra 3 công trình trọng điểm gồm: tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), dự án chống ngập do triều gần 10.000 tỉ đồng, và cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.

Lý giải việc chọn 3 công trình này, ông Nguyễn Văn Nên nói rằng đây là chuyện bình thường, bởi lẽ khi chống dịch thì Bí thư Thành ủy chọn chỗ phức tạp nhất là Q.Bình Tân, còn bây giờ đi kiểm tra thì cũng chọn công trình lớn, khó khăn nhất.

Khi đi kiểm tra, tổ giám sát sẽ mời thêm các sở, ngành, đơn vị liên quan. Như công trình chống ngập do triều, Nghị quyết 40/2021 của Chính phủ cho phép UBND TP.HCM được tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù, nhằm đảm bảo lợi ích về kinh tế - xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Nghị quyết nêu rõ Chính phủ tháo gỡ nhưng phải thực hiện việc thanh toán, quyết toán, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật.

Do đó, tổ giám sát sẽ mời thêm cơ quan kiểm toán cùng tham gia, để sau này xác định trách nhiệm của từng đơn vị. "Thay vì làm xong mới đi thì bây giờ mình đi trước, vừa động viên vừa thấy được khó khăn để tháo gỡ", Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ.

Tiến độ 3 dự án trọng điểm

Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài gần 20 km, tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng từ vốn vay Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Chủ đầu tư thông tin tiến độ hiện đạt 95%. Trong buổi kiểm tra dự án ngày 15.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị chủ đầu tư cố gắng đưa dự án hoàn thành dịp 2.9.2023, trước 1 quý so với kế hoạch đưa công trình trở thành biểu tượng để chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Bí thư TP.HCM: 'Không làm thay, không làm thêm mà chỉ làm phụ, thúc đẩy' - Ảnh 2.

Cống kiểm soát triều Mương Chuối thuộc dự án chống ngập do triều gần 10.000 tỉ đồng

TN

Dự án chống ngập do triều có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, có tất cả 9 hạng mục, trong đó có 6 cống kiểm soát triều: Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và tuyến đê kè ven sông Sài Gòn dài gần 8 km. Hiện dự án đạt 93% khối lượng. Theo chủ đầu tư, nếu các khó khăn về vốn được tháo gỡ thì khoảng tháng 6.2023 tái thi công, tháng 2.2024 hoàn thành và vận hành thử nghiệm, tháng 5.2024 bàn giao cho TP.HCM.

Dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư khoảng 8.200 tỉ đồng, vừa khởi công hồi tháng 2.2023, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.