Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: Thị trường nội địa 100 triệu dân cần được quan tâm

13/01/2023 10:35 GMT+7

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2022 đạt trên 53 tỉ USD, nhưng để hạn chế rủi ro xuất khẩu khi gặp tình huống bất thường, thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng cần được quan tâm đúng mức.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra ngày 13.1, tại Hà Nội, có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ, ngành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng trưng bày bên lề hội nghị

PHAN HẬU

Thông tin tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp năm 2022 có nhiều tin vui. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt trên 53 tỉ USD, hoàn thành chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Xuất siêu sản phẩm nông nghiệp chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022.

"Những tin vui đó thể hiện nỗ lực đa dạng hoá thị trường, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp theo gợi mở của Thủ tướng. Những tin vui có được cũng nhờ các bộ, ngành trung ương và địa phương đã chung tay kết nối, quảng bá, xúc tiến sâu rộng thương mại nông sản cả trong và ngoài nước", ông Hoan nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp đánh giá, biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới ngày càng khó đoán định. Hàng loạt cảnh báo liên tục được đặt ra về sự sụt giảm của các đơn hàng quốc tế, đặc biệt là ngành hàng gỗ; về đứt gãy chuỗi cung ứng; về rủi ro dao động đột biến giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào… "Điều chúng ta có thể chủ động chính là tâm thế sẵn sàng, là sự chuẩn bị để thích ứng cho các điều kiện, tình huống khác nhau", ông Hoan nói.

Xác định chỉ dấu thị trường để điều chỉnh sản xuất

Bộ trưởng Bộ NN-PNTT cho rằng, bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tăng trưởng xuất khẩu, các công việc chính của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới là xoay quanh việc xác định chỉ dấu thị trường để điều chỉnh sản xuất, định hướng quy hoạch các vùng nguyên liệu phù hợp gắn với chứng nhận mã vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc.

Trước thực trạng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại; quy mô, sản lượng nhiều ngành hàng dần chạm ngưỡng, càng cần phải tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới.

"Rất vui là đã có nhiều địa phương mạnh dạn áp dụng mô hình đa canh, xen canh, luân canh, đa tầng, đa tán, đa giá trị, hướng tới nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững", ông Hoan nói.

Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu 54 tỉ USD trong năm 2023

PHAN HẬU

Dù tự hào về thành tích xuất khẩu của ngành nông nghiệp nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để hạn chế rủi ro thị trường xuất khẩu khi gặp tình huống bất thường, thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng cần được quan tâm đúng mức.

Theo đó, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cần được lan tỏa thường xuyên, liên tục, trở thành tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần quan tâm đầu tư các dòng sản phẩm chinh phục nhu cầu người tiêu dùng, tự tin khẳng định niềm tin về chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt.

Đặt mục tiêu xuất khẩu 54 tỉ USD trong 2023

Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022, giá trị gia tăng của ngành NN-PTNT đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỉ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỉ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế…

Trong năm 2023, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 54 tỉ USD; 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; 57% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn; 80% số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.