Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

21/07/2023 17:09 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định, Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sẽ đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045

Phát biểu tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN ở Hà Nội ngày 21.7, Bộ trưởng Janet Yellen nhìn nhận sự bùng nổ của nền kinh tế Việt Nam đã được thúc đẩy bởi sự chăm chỉ và tài năng của người dân Việt Nam. Điều này được xúc tác bởi cải cách thị trường và thương mại, đầu tư toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói về vai trò của Việt Nam trong thông điệp ‘friendshoring’ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Janet Yellen phát biểu tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN ngày 21.7

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Việt Nam hiện là một nhân tố chủ chốt của kinh tế toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Yellen nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà đã tận mắt chứng kiến sự năng động, nghị lực đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam. "Sức mạnh không thể phủ nhận này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045", bà Yellen khẳng định.

Nhiều công ty lớn nhất của Mỹ như Apple và Google đã có sự hiện diện đáng kể và ngày càng tăng tại Việt Nam.

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng phát triển. Trong 2 thập kỷ qua, thương mại giữa hai nước tăng trưởng gần 25%/năm. "Đó là một tỷ lệ đáng kinh ngạc, không chỉ nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Mỹ tăng vọt mà ngày nay, Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam gấp gần 20 lần so với năm 2002", Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh.

Không có dấu hiệu nào cho thấy đà này đang chậm lại, thương mại giữa hai nước đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói về vai trò của Việt Nam trong thông điệp ‘friendshoring’ - Ảnh 2.

Sản xuất cánh tà máy bay dân dụng của Boeing tại một nhà máy ở Hà Nội

PHẠM HÙNG

Điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu

Theo Bộ trưởng Janet Yellen, sáng kiến "đặt sản xuất tại quốc gia bằng hữu" (friendshoring) của chính quyền Mỹ là một cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo đuổi nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy.

"Mục tiêu của chúng tôi là giảm tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế đối với cú sốc cung trong sản xuất những loại hàng hóa quan trọng", bà Yellen chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho biết, khả năng phục hồi kinh tế dài hạn đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng. Điều này có nghĩa là làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế với nhiều quốc gia có thể tin cậy, trong đó có Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Yellen, một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vì vai trò quan trọng của chúng với các dây chuyền sản xuất khác. Cụ thể, Mỹ đang thực hiện cách tiếp cận toàn diện để đa dạng hóa và củng cố hệ sinh thái bán dẫn, đầu tư vào năng lực nội địa thông qua các chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất ở Mỹ; dành riêng quỹ 500 triệu USD cho các dự án bán dẫn và viễn thông quốc tế theo Đạo luật CHIPS.

"Như chúng ta thấy, ở Việt Nam, lĩnh vực này cũng có thể thúc đẩy kinh tế và lực lượng lao động phát triển. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một nút quan trọng trong nguồn cung cấp chất bán dẫn toàn cầu. Các khoản đầu tư vào đây ngày càng tăng tốc", bà Yellen khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra dẫn chứng về Amkor - một công ty có trụ sở tại Arizona (Mỹ), sẽ sớm khai trương nhà máy lớn, hiện đại ở Bắc Ninh để lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn. Tại Khu Công nghệ cao TP.HCM là cơ sở lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel trên thế giới...

"Nhìn rộng hơn, Việt Nam và Mỹ đã hợp tác để củng cố chuỗi cung ứng bền vững với các quốc gia khác. Mỹ tự hào tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam để xây dựng sự thịnh vượng kinh tế cho cả 2 quốc gia", bà Yellen khẳng định. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.