Bỏ tư duy buôn chuyến

25/08/2023 04:13 GMT+7

Giá sầu riêng, gạo, tiêu liên tục phá đỉnh; kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục; nhiều mặt hàng hướng tới câu lạc bộ tỉ "đô"... Đó là bức tranh hết sức lạc quan của nông sản hiện nay.

Thế nhưng, trong niềm vui được giá, được mùa thì nỗi bất an về kiểm soát chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểu làm ăn chụp giựt... vẫn còn nguyên.

Tranh mua, đẩy giá, găm hàng, gian dối mã vùng trồng, thiếu kiểm soát chất lượng... là những điều mà thị trường sầu riêng đang đối mặt. Tình trạng này không có gì mới, đã từng xảy ra với nhiều loại trái cây trước đó. Kết cục chung đều là rớt giá, ế ẩm, thậm chí có nhiều loại đổ cho bò ăn không hết. Nhưng điều quan trọng là hình ảnh, uy tín nông sản Việt; tính chuyên nghiệp, bài bản với tư cách là bạn hàng của doanh nghiệp Việt với đối tác bị ảnh hưởng trầm trọng. Đáng lo hơn, nguy cơ bị thị trường Trung Quốc "đóng cửa" luôn rình rập nếu chúng ta không nhanh chóng chấn chỉnh.

Cũng phải nói rõ là với đa số các loại nông sản, đặc biệt là trái cây VN, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, quan trọng nhất mà không một hay một nhóm thị trường nào có thể thay thế được. Có dân số gần 1,5 tỉ người, đây là thị trường tiêu thụ khổng lồ mà chúng ta có lợi thế rất lớn về cự ly cũng như chủng loại. Đây cũng là bạn hàng truyền thống của VN nhiều thập kỷ qua.

Đáng nói là trong khi "bạn" thay đổi rất nhanh, từ thị trường dễ tính sang khó tính; từ loại nào cũng nhập đến yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp mã vùng trồng, xuất xứ... thì chúng ta lại không theo kịp, hoặc phần lớn chỉ theo kiểu "đối phó". Nói như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan là chúng ta vẫn giữ tư duy buôn chuyến. Nghĩa là chỉ muốn "đánh quả", được chuyến nào hay chuyến đó. Nhưng nông sản, trái cây thì không chỉ có một vài chuyến, mà cứ hết mùa này đến mùa khác. Nên chuyến này trót lọt, chuyến sau có thể bị tuýt còi nếu phạm vào những yêu cầu của nước nhập khẩu. Một tuyến bị tuýt còi, cả ngành hàng có thể mất thị trường. Trong thế giới phẳng và hội nhập ngày nay, mất uy tín ở nước này có thể ảnh hưởng đến việc khai thác thị trường mới...

Một doanh nhân chuyên xuất khẩu qua Trung Quốc khẳng định bất cứ mặt hàng nào đã được thị trường này chấp nhận, thì đầu ra bao nhiêu cũng không phải lo. Ngược lại, nếu bị Trung Quốc tuýt còi, ngưng nhập thì không thị trường nào gánh nổi bởi số lượng rất lớn. Đó là điều mà chúng ta phải ý thức rất rõ. Một điều nữa là giá bán sang đất nước tỉ dân này cũng rất cao, thậm chí cao hơn nhiều nước khác.

"Vì thế, cái cần lo là kiểm soát chất lượng, mã vùng trồng, đáp ứng yêu cầu của họ chứ chúng ta cứ lo trồng nhiều hay trồng ít, điều đó không quan trọng", vị này nói.

Không chỉ là chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thế giới ngày nay đang chuyển qua xu hướng tiêu dùng xanh, sản phẩm hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... Là nước xuất khẩu, muốn bán được hàng chúng ta phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, phải bán cái mà họ cần chứ không chỉ chạy theo chủng loại hay giá cả. Trong thương mại hiện đại, không có chỗ cho tư duy buôn chuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.