‘Bôi trơn’ trăm triệu

05/08/2014 10:20 GMT+7

So với các vụ án tham nhũng, hối lộ và gây thất thoát tiền Nhà nước mà các cơ quan chức năng phanh phui thời gian gần đây thì việc “bôi trơn” 100 triệu của anh tài xế tên Nguyên để được ông Lê Đức Hải, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát QL1A, thuộc Đội kiểm lâm cơ động số 1, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa “cho qua” chỉ là chuyện vặt.

Nhưng nó sẽ không “lặt vặt” chút nào nếu đặt câu chuyện trăm triệu này chỉ ở một trạm kiểm soát. Cả nước có đến hàng trăm trạm kiểm soát thuộc các đội kiểm lâm cơ động mà trạm nào cũng “xơi” trăm triệu cho mỗi lần “bôi trơn” thì con số sẽ là… không đếm hết.

Rất chuyên nghiệp, khi bắt quả tang tài xế Nguyên “chở thêm” 1,520m3 gỗ giáng hương (nhóm 1) ngoài 22m3 gỗ cẩm lai có giấy tờ hợp lệ, ông Hải mặc cả ngay: Trăm triệu thì… cho qua! Nếu chung chi trót lọt thì anh tài xế nọ thoát được án tù do buôn lậu gỗ nhưng sẽ trắng tay vì phải mua số gỗ kia đến hai lần, một lần mua ở rừng và một lần “mua” ông Hải. Sau khi ông Hải “hét” giá trăm triệu, tài xế Nguyên phải hẹn chiều đó mới chung chi. Hẳn là anh tài xế này đã cân nhắc kỹ cái giá của trăm triệu kia rồi. Và dĩ nhiên, tính chuyên nghiệp trong việc nhận của đút lót trong các phi vụ bắt gỗ lậu đã giúp ông Hải đưa ra cái giá “vừa phải” để bên chung chi có thể chấp nhận được. Tính ra bên nào cũng có “lợi” cả. Bên buôn lậu thì thoát án tù dù chịu mất tiền, bên nhận hối lộ thì được trăm triệu. Nhưng “kịch bản” đó đã bị phá sản vì có một “kịch bản” khác ly kỳ hơn. Công an của Bộ đã hoàn thành vai diễn của mình trong phi vụ này: Đóng giả hành khách chở động vật hoang dã để bắt quả tang vụ nhận hối lộ buôn lậu gỗ của ông Hải và thuộc cấp tại Trạm Kiểm soát QL1A, thuộc Đội kiểm lâm cơ động số 1, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa hôm 1.8 như mọi người đã biết.

Việc bắt quả tang nhận hối lộ cả trăm triệu ở một trạm kiểm soát như thế, lại được “người của trung ương” thực hiện, có thể làm hả dạ công luận trong mấy ngày qua. Nó chứng tỏ các khẩu hiệu về chống tham nhũng được giăng mắc khắp nơi không chỉ là những khẩu hiệu suông. Nhưng bình tâm mà xét, liệu có mấy người đặt ra câu hỏi này: Gỗ nhóm 1 ấy sẽ được tiêu thụ ở đâu? Nông dân hay công nhân hoặc cán bộ ăn lương Nhà nước với mức thu nhập “làng nhàng” thì không dám mơ đặt lưng xuống những bộ ghế gỗ nhóm 1 ấy trong nhà mình rồi. Không hiếm nhà các “quan” hiện nay, khách bước chân vào là “lạnh” với … gỗ nhóm 1. Có cầu, ắt sẽ có cung. Chừng nào quan chức không lấy cái gọi là “đẳng cấp gỗ” trong nhà mình làm thước đo cho những giá trình phù phiếm thì vẫn còn tài xế Nguyên chở gỗ ngoài luồng, còn Trạm trưởng Hải “hét” giá trăm triệu cho mỗi phi phụ như thế.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.