Bốn hãng hàng không Việt Nam lo 'mất' xưởng bảo dưỡng ở sân bay Tân Sơn Nhất

03/05/2023 15:22 GMT+7

Quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất hiện vẫn đang gặp khó khi một xưởng bảo dưỡng máy bay chưa "chốt" được phương án di dời hợp lý, nguy cơ ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của 4 hãng bay.

Nội dung được trình bày chi tiết trong văn bản do Công ty CP Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines - VSA) "cầu cứu" Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và UBND TP.HCM.

Bốn hãng hàng không Việt Nam lo 'mất' xưởng bảo dưỡng ở sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất được xây dựng trên khu đất 16,05 ha bao gồm nhiều hạng mục thuộc quản lý của Lữ đoàn Không quân 918 (9,2 ha) và sư đoàn không quân 370 (6,8 ha)

ACV

Cụ thể, từ 2010, Vietstar Airlines được thành lập và liên kết với Quân chủng Phòng không - Không quân, được bàn giao 10 ha đất quốc phòng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân tại Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất để đầu tư xây dựng 3 hangar bảo dưỡng máy bay, bao gồm 1 hangar bạt và 02 hangar kết cấu thép kiên cố. Đồng thời, thành lập đơn vị bảo dưỡng máy bay thuộc VSA. 

Từ đó đến nay, đơn vị bảo dưỡng của VSA hoạt động ổn định, hiện tại có gần 200 kỹ sư, thợ kỹ thuật và cán bộ, nhân viên, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ bảo dưỡng máy bay cho các hãng hàng không Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và cho chính đội máy bay hàng không chung của VSA.

Hiện nay, để phục vụ việc xây dựng nhà ga T3 ở Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, VSA được Bộ Quốc phòng và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Tân Bình (TP.HCM) thông báo, chỉ đạo về việc di dời các hangar bảo dưỡng máy bay để giải phóng mặt bằng xây nhà ga T3. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn chưa "chốt" phương án sẽ di dời các cơ sở bảo dưỡng máy bay này đi đâu, theo phương thức như thế nào.

Trong khi đó, hiện nay tại Việt Nam có hơn 200 máy bay dân dụng nhưng cả nước chỉ có 2 đơn vị bảo dưỡng máy bay có hangar cho các công việc bảo dưỡng máy bay, động cơ, thiết bị máy bay bắt buộc phải thực hiện trong hangar là VAECO thuộc Vietnam Airlines và hangar bảo dưỡng thuộc VSA. 

Trong điều kiện thiếu cơ sở, công suất bảo dưỡng máy bay như vậy, để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và Chứng chỉ Nhà khai thác tàu bay, các hãng hàng không bắt buộc phải có hợp đồng sử dụng 1 hoặc cả 2 cơ sở bảo dưỡng nói trên. Hợp đồng dịch vụ bảo dưỡng máy bay với VSAE thuộc VSA là một phần của hồ sơ xin cấp giấy phép của các hãng mới Bamboo Airways, Vietravel Airlines và các hãng này thường xuyên sử dụng cơ sở bảo dưỡng VSAE của VSA. 

Theo VSA, thực tế là cơ sở bảo dưỡng hiện tại của VAECO thuộc Vietnam Airlines không thể đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu bảo dưỡng máy bay của tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam. Qua làm việc với các hãng hàng không, các hãng khẳng định nhu cầu sử dụng cơ sở bảo dưỡng của VSA cả trước mắt và lâu dài, mong muốn có phương án di dời sao cho không làm gián đoạn các hoạt động bảo dưỡng, khai thác máy bay của các hãng. 

"Tất cả các khách hàng của chúng tôi đều lo lắng, nếu việc di dời cơ sở bảo dưỡng của VSA dẫn đến tình trạng cả nước chỉ có một cơ sở bảo dưỡng máy bay thuộc Vietnam Airlines phục vụ tất cả các hãng hàng không. Điều này đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch bảo dưỡng máy bay và vận tải hàng không của Vietjet Air bởi hãng có đội tàu bay lớn thứ hai Việt Nam và có tần suất khai thác tàu bay bình quân ngày càng cao. Hậu quả thiếu công suất, tăng giá do độc quyền là tất yếu. Chưa kể, việc thu hồi nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của VSA, quyền lợi hợp pháp của người lao động không được đảm bảo" - lãnh đạo Vietstar Airlines lo ngại.

Khẳng định ủng hộ tuyệt đối việc triển khai thi công dự án nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay, song, để không làm gián đoạn hoạt động bảo dưỡng máy bay của các hãng hàng không, VSA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép di dời các hangar sang khu đất bên cạnh (trong tổng thể 10 ha đất VSA đã nhận và đang quản lý) theo phương thức cuốn chiếu. Phương án, thủ tục di dời sẽ được Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT, UBND TP thống nhất với Vietstar Airlines.

Liên quan đến kiến nghị của VSA, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan liên quan theo thẩm quyền, xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.

Vietnam Airlines giảm lỗ trong quý 1/2023 | Chuyển động Kinh tế


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.