Bóng đá Đông Nam Á từng là khách quen của các kỳ Olympic, bao giờ cho đến ngày xưa!

28/04/2024 14:02 GMT+7

U.23 Indonesia đứng trước cơ hội lớn dự Olympic Paris 2024. Tuy nhiên, ngay cả khi làm được điều đó, đội bóng xứ sở vạn đảo cũng chưa phải là đội đầu tiên của khu vực Đông Nam Á dự Thế vận hội.

Dấu ấn một thời

Bản thân đội tuyển quốc gia Indonesia từng tham dự Olympic 1956 tại Melbourne (Úc). Năm đó, đội tuyển Indonesia vào đến tứ kết nội dung bóng đá nam của Thế vận hội (từ năm 1988 trở về trước, nội dung bóng đá nam dành cho các đội tuyển quốc gia, chứ chưa dành cho các đội Olympic hoặc U.23 như ngày nay), nhờ được miễn thi đấu vòng 1. 

Bóng đá Đông Nam Á từng là khách quen của các kỳ Olympic, bao giờ cho đến ngày xưa!- Ảnh 1.

Thủ môn Maulwi Saelan của Indonesia trong trận đấu với Xô Viết năm 1956 (hòa 0-0)

Đội tuyển Indonesia hòa đội tuyển Liên Xô 0-0 trong trận tứ kết vào ngày 29.11.1956. Đôi bên phải đá lại vào ngày 1.12.1956 (năm đó bóng đá chưa có luật sút luân lưu sau các trận hòa). Ở trận đá lại, Liên Xô thắng 4-0. 

Không những từng lọt vào tứ kết một kỳ Olympic, Indonesia còn có một lần khác dự vòng chung kết World Cup vào năm 1938. Thời điểm năm 1938, đội tuyển Indonesia mang tên Đông Ấn thuộc Hà Lan (Dutch East Indies). Kỳ Olympic 1956 là kỳ Olympic duy nhất tính cho đến thời điểm này, bóng đá Indonesia góp mặt tại một kỳ Thế vận hội. 

Bóng đá Đông Nam Á từng là khách quen của các kỳ Olympic, bao giờ cho đến ngày xưa!- Ảnh 2.

Cầu thủ Malaysia (phải) đối mặt với đội tuyển Đức ở Olympic 1972

Nhưng Indonesia không phải là nền bóng đá duy nhất ở Đông Nam Á từng tham dự Olympic. Myanmar, Thái Lan và Malaysia đều đã từng làm được điều này. Riêng Thái Lan có đến 2 lần dự Olympic. 

Đội tuyển quốc gia Malaysia từng tham dự Olympic Munich (Đức) 1972. Thậm chí, Malaysia còn giành được 1 chiến thắng ở vòng bảng nội dung bóng đá nam Thế vận hội năm đó. Ngày 29.8.1972, Malaysia thắng đội tuyển Mỹ 3-0 ở bảng A. Đây là chiến thắng đầu tiên và duy nhất của Malaysia ở một kỳ Olympic tính cho đến ngày nay. Malaysia cũng trở thành đội đầu tiên có chiến thắng tại Thế vận hội. 

Trước đó và sau đó, Malaysia thua Tây Đức 0-3 và thua Ma Rốc 0-6, bị loại sau vòng bảng. Cùng góp mặt ở Olympic Munich 1972 giống Malaysia là Myanmar. Khi đó, đội tuyển Myanmar mang tên đội tuyển Miến Điện, là thế lực của bóng đá châu Á. Đội tuyển Miến Điện thắng Sudan ở bảng B với tỷ số 2-0, trong trận đấu diễn ra ngày 1.9.1972. Dù vậy, do để thua sát nút các đội Liên Xô và Mexico (với cùng tỷ số 0-1) trước đó, nên Miến Điện cũng không thể vượt qua vòng bảng. Đội bóng Đông Nam Á duy nhất 2 lần được dự Olympic là Thái Lan, vào các năm 1956 tại Melbourne (Úc) và 1968 tại Mexico City (Mexico).

Bóng đá Đông Nam Á từng là khách quen của các kỳ Olympic, bao giờ cho đến ngày xưa!- Ảnh 3.

Áo đội tuyển Thái Lan dự Olympic năm 1968 vẫn được lưu giữ

Năm 1956, Thái Lan dừng bước ngay vòng 1 nội dung bóng đá nam Olympic, sau trận thua đậm đội tuyển Vương Quốc Anh đến 0-9. Đến năm 1968, Thái Lan cũng không qua nổi vòng bảng, sau 3 trận thua đậm 0-7 trước Bulgaria, 1-4 trước Guatemala và 0-8 trước đội tuyển Tiệp Khắc. Với kết quả này, Thái Lan đứng cuối bảng D. Tổng cộng, sau 2 lần dự Olympic, đội tuyển bóng đá Thái Lan toàn thua cả 4 trận, để thủng lưới đến 28 bàn, chỉ ghi được 1 bàn. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Thái Lan vẫn lập kỷ lục là đội Đông Nam Á nhiều lần nhất được dự Olympic: 2 lần. 

Không thể cạnh tranh với sự vươn lên của bóng đá Ả Rập 

Ngày nay, Thái Lan vẫn là nền bóng đá giàu truyền thống nhất, mạnh nhất Đông Nam Á. Nhưng từ sau năm 1968 đến nay, làng túc cầu xứ sở chùa vàng không có thêm lần nào được tham dự Thế vận hội.

Còn với khu vực Đông Nam Á nói chung, từ năm 1972 đến giờ, các đại diện của bóng đá Đông Nam Á chưa được quay lại với nội dung bóng đá nam của các kỳ Olympic. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kể từ khi Olympic chỉ cho phép các đội U.23 có tăng cường (thêm 3 cầu thủ ngoài 23 tuổi mỗi đội) dự Thế vận hội từ năm 1992, các đội bóng ở Đông Nam Á chưa được góp mặt ở sân chơi này. 

Thật ra, các nền bóng đá ở Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam và cả Singapore trước đó (4 lần vô địch AFF Cup) đều có sự tiến bộ. Tuy nhiên, so về tốc độ tiến bộ, bóng đá chưa là gì với bóng đá Ả Rập.

Bóng đá Đông Nam Á từng là khách quen của các kỳ Olympic, bao giờ cho đến ngày xưa!- Ảnh 4.

U.23 Indonesia có cơ hội dự Olympic 2026

Những năm đầu thập niên 1970 trở về trước, các nền kinh tế Ả Rập chưa phải là những nền kinh tế lớn, mức độ đầu tư của họ cho bóng đá chưa cao. Tuy nhiên, khi dầu mỏ trở nên đắt giá, kinh tế của các quốc gia Ả Rập phát triển chóng mặt. Bóng đá của họ nhờ đó được đầu tư mạnh mẽ và phát triển với tốc độ vũ bão, các nền bóng đá ở Đông Nam Á không còn theo kịp các nền bóng đá thuộc khối Ả Rập, khả năng cạnh tranh của Đông Nam Á trong việc giành suất dự World Cup và Olympic cũng kém đối thủ.

Đơn cử, đến năm 1980, Kuwait trở thành quốc gia đầu tiên thuộc khối Ả Rập vô địch châu Á, dù trước đó họ hầu như vô danh trên bản đồ bóng đá ở châu lục này. Sau đó đến lượt Ả Rập Xê Út vô địch Aisan Cup các năm 1984, 1988 và 1996. Đấy đều là những điều mà bóng đá Đông Nam Á chưa thể thực hiện được. 

Đến nay, lại có thêm Qatar (vô địch Asian Cup các năm 2019 và 2023) trở thành thế lực mới của bóng đá châu Á. Giờ đây, để cạnh tranh suất dự Olympic hay World Cup ở khu vực châu Á, trước mắt các đội bóng Đông Nam Á ngoài những đội mạnh truyền thống gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Iran, Iraq, Uzbekistan, còn phải đối diện với khoảng chục quốc gia Ả Rập có bóng đá khá phát triển hoặc rất phát triển, gồm Ả Rập Xê Út, UAE, Kuwait, Qatar, Bahrain, Oman, Syria, Lebanon, Jordan, Yemen. Nên nhiệm vụ giành vé dự Olympic hay World Cup với các đội Đông Nam Á ngày một khó khăn hơn xưa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.