Cá tra Việt nổi tiếng vì… Mỹ cứ đánh thuế chống bán phá giá liên tục

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/04/2023 20:40 GMT+7

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ thông tin trên tại Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu Quốc gia cho nông sản Việt" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 6.4.

Xuất khẩu nông sản mang về 47 tỉ USD trong năm 2022, chiếm 12,9%, tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Theo ông Chinh, thương hiệu của nông sản nằm trong chuỗi từ giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, phân phối… Việc lựa chọn loại hoa quả nào để làm thương hiệu phải tính đến lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp cần đặt chiến lược dài hơi, phát triển, nuôi dưỡng, đổi mới và cạnh tranh liên tục. Không thể xây xong bỏ đó và phải có khả năng tài chính để phát triển, nuôi dưỡng…

Cá tra Việt nổi tiếng vì… Mỹ cứ đánh thuế chống bán phá giá liên tục - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phát biểu tại Tọa đàm do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 6.4

ĐỘC LẬP

Ông Phan Văn Chinh cho biết, theo chương trình Thủ tướng Chính phủ giao từ năm 2019, phải phát triển thương hiệu thực phẩm 9 mặt hàng: Chè, cà phê, tiêu, hạt điều, rau quả, ngũ cốc, thủy sản, rau quả tươi, mật ong. Nhưng chưa thể lựa chọn tất cả mà chỉ chọn lựa những sản phẩm có khả năng vượt đối thủ cạnh tranh và theo 3 cấp bậc: quốc gia, ngành hàng, doanh nghiệp.

"Ngay mặt hàng gạo khó làm thương hiệu bởi Việt Nam có cả 100 giống lúa, không biết chọn loại nào, trong khi Thái Lan chỉ có 1 - 2 loại nên dễ hơn".

Về cơ hội, ông cho rằng, nông sản Việt vẫn theo 2 "trụ cột" để làm thương hiệu. Đó là xuất khẩu nông sản thô và qua chế biến. Trong đó, muốn nâng giá trị gia tăng sản phẩm trong chuỗi sản xuất, vai trò khâu chế biến rất quan trọng, phải đáp ứng được nhu cầu thị trường và yêu cầu khách hàng.

"Đôi khi xây dựng thương hiệu lại gắn với sự kiện nào đó như trường hợp cá tra Việt Nam tự nhiên rất nổi tiếng vì Mỹ đánh thuế chống phá giá liên tục. Người tiêu dùng các nước tò mò, không hiểu tại sao sản phẩm này lại bị "đánh thuế" liên tục vậy, nhờ đó, thương hiệu cá tra Việt Nam được nhiều người biết hơn", ông Chinh chia sẻ.

Nhắc đến các hiệp định thương mại tự do (FTA) là xác định là lợi thế cho xuất khẩu, đại diện Bộ Công thương nêu vấn đề: "Để xuất khẩu lô trái cây tươi sang một nước thì chúng ta phải "xếp hàng" rất lâu, mất 5 - 7 năm mới được. Bộ NN-PTNT không thể đi đàm phán để đưa quả này quả kia vào thị trường nào đó, quan trọng là chính doanh nghiệp xây dựng thương hiệu ngay trong hệ sinh thái đó bằng chế biến sâu, một mặt giúp nâng giá trị gia tăng sản phẩm, mặt khác để "vượt qua rào cản" xuất hàng đi".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.