Các dự án trọng điểm ở TP.HCM vẫn vướng

15/04/2023 07:22 GMT+7

Dồn lực gỡ bài toán vốn và mặt bằng nhằm đẩy nhanh các công trình giao thông làm tiền đề vực dậy kinh tế, song nhiều dự án trọng điểm tại TP.HCM đến sát "giờ G" vẫn gặp khó.

Vành đai 3 khát… cát

Chiếm tới 80% tỷ lệ vốn ngân sách cho giao thông phải giải ngân trong năm nay, đường Vành đai 3 là dự án đang được toàn hệ thống chính trị của TP.HCM dồn lực đẩy tiến độ. Chủ đầu tư cam kết đảm bảo tiến độ duyệt thiết kế xây lắp, các địa phương cũng khẳng định sẽ bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch, song Vành đai 3 vẫn chưa hết lo vì thiếu vật liệu xây dựng.

Mới nhất, UBND TP.HCM vừa có văn bản đề nghị 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước cho khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng để làm Vành đai 3, trong bối cảnh dự án đang thiếu vật liệu đắp nền. Cụ thể, UBND TP cho biết tổng nhu cầu vật liệu làm Vành đai 3 ước tính gần 15 triệu m3, gồm: cát, đất đắp nền và cát, đá xây dựng. Qua khảo sát, đất đắp nền đường đạt yêu cầu khoảng 1,7 triệu m3/1,6 triệu m3, đáp ứng 106% nhu cầu dự án. Đối với đá xây dựng, đạt yêu cầu khoảng 6,2 triệu m3/4,4 triệu m3, vượt 141% nhu cầu dự án. Tương tự, cát xây dựng cũng đáp ứng khoảng 1,1 triệu m3/1,5 triệu m3, đạt 73% nhu cầu. Riêng khối lượng cát đắp cần 7,2 triệu m3 đến nay mới đáp ứng khoảng 5,8 triệu m3, đạt 80% nhu cầu dự án.

Các dự án trọng điểm ở TP.HCM vẫn vướng - Ảnh 1.

Công trình cầu Long Kiểng (H.Nhà Bè) tiếp tục vướng vì công tác di dời hệ thống điện và dây thông tin chưa xong

NGUYỄN BẢO ANH

Để bảo đảm tiến độ khởi công dự án vào tháng 6 tới như kế hoạch, UBND TP đề nghị Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước cho khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng, đồng thời chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin về các mỏ ở khu vực này cũng như hỗ trợ việc khảo sát, kiểm tra chất lượng. Phương án sử dụng nguồn cát ở hồ Dầu Tiếng được Bộ TN-MT đưa ra tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà hồi tháng 3. Lòng hồ này có trữ lượng cát lớn và thời gian qua các địa phương đã cấp phép cho một số doanh nghiệp khai thác.

Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết ngày 11.4.2019, Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 2508 đề nghị 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh tạm ngừng hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng để đánh giá chất lượng nguồn nước, cũng như chất lượng công trình thủy lợi hồ đập. Từ đó đến nay, mọi hoạt động khai thác cát trên hồ thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh Bình Dương đã tạm ngưng và tỉnh cũng không còn thẩm quyền cấp phép bến bãi khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng.

Tương tự, cả tỉnh Bình Phước và Tây Ninh đều thông tin thẩm quyền cấp phép cho các bến bãi hoạt động khai thác cát trên hồ Dầu Tiếng hiện nay thuộc Bộ NN-PTNT.

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM phải nhờ tới sự hỗ trợ của các địa phương khác nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho đường Vành đai 3. Đầu tháng 2, TP.HCM cũng đã phải tổ chức cuộc họp khẩn với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, cấp bách đề nghị các tỉnh dồn vật liệu xây dựng cho Vành đai 3. Thiếu 50% nhu cầu cát đắp nền, phía chủ đầu tư dự kiến sẽ lấy tại Đồng Tháp (khoảng 20%) và An Giang (khoảng 30%); 30% khối lượng cát xây dựng còn thiếu dự kiến sẽ lấy tại An Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, đã có 2/4 địa phương từ chối cung cấp cát đắp nền cho dự án với lý do ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại địa phương. Hai địa phương còn lại cũng khó tránh khỏi phải "lắc đầu" vì cũng phải ưu tiên cung cấp cho các tuyến cao tốc và công trình trọng điểm của tỉnh.

Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đang đề xuất UBND TP tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh trong việc chia sẻ, cung cấp nguồn vật liệu phục vụ cho dự án.

Xem nhanh 12h ngày 15.4: Bi hài chuyện bỏ xe vì có nồng độ cồn | Hiện hữu nguy cơ Covid-19 bùng phát

Chậm tiến độ vì hạ tầng điện, nước

Không thiếu đất, cát thì một số công trình trọng điểm của TP.HCM đang thi công ì ạch chỉ vì "lệch pha" với công tác di dời hạ tầng điện, nước. Tại buổi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu Long Kiểng (H.Nhà Bè) mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã phê bình các sở ngành phối hợp chưa tốt dẫn đến dự án chậm tiến độ quá lâu, đặc biệt là ngành điện. Cụ thể, dự án cầu Long Kiểng được phê duyệt cách đây gần 23 năm. Sau nhiều lần tạm ngưng chờ mặt bằng, tháng 8.2018 dự án được tái khởi động nhưng chỉ hơn 1 năm sau lại phải tạm dừng, cũng do chưa giải phóng xong mặt bằng. Tháng 9.2022, UBND H.Nhà Bè bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục thi công. Tuy nhiên, công trình lại tiếp tục vướng vì công tác di dời hệ thống điện và dây thông tin chưa xong, nên dù chủ đầu tư dồn lực thi công nhưng đến nay cũng chỉ đạt khoảng 70% giá trị khối lượng công trình.

Để đạt tiến độ hoàn thiện dự án trước 2.9.2023, Ban Giao thông (chủ đầu tư) đang đề nghị Công ty Điện lực Duyên Hải di dời hệ thống điện trung, hạ thế dọc tuyến. Đồng thời, thông báo cho các đơn vị viễn thông liên quan di dời đồng bộ dây thông tin trên trụ điện để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đối với các vị trí đặt ống chờ, đề nghị các đơn vị hạ tầng kỹ thuật phối hợp đặt ống chờ tại các vị trí đã thỏa thuận nhằm tránh phải đào đường nhiều lần.

Đồng cảnh ngộ, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) cũng đang trễ tiến độ vì còn vướng đường nước. Khởi công vào tháng 4.2020, công trình dự kiến hoàn thành vào quý 4 năm tới nhưng đến nay khối lượng thi công công trình mới đạt khoảng 36% do việc di dời hạ tầng kỹ thuật thực hiện chậm, lệch pha với tiến độ thi công nhánh hầm. Báo cáo lãnh đạo TP, các đơn vị trình bày vướng mắc là vẫn chưa chốt được phương án làm nền cho đường ống nước BOO. Nếu di dời đường ống nằm trên vỉa hè thì chi phí làm nền sẽ thấp hơn so với nằm dưới đường. Tuy nhiên pháp lý quy hoạch còn chưa rõ nên chưa thể xác định vị trí đường ống để có phương án tương ứng.

Theo Ban Giao thông, hiện các nhà thầu đang tập trung triển khai các gói thầu di dời hệ thống điện, nước trong khu vực nút giao để có mặt bằng tiếp tục thi công các đốt dầm. Dự kiến, tháng 5 này bắt đầu thi công một số hạng mục của hầm chui HC1, và từ tháng 8 sau khi hoàn tất việc di dời các hệ thống điện và nước tại khu vực nút giao, chủ đầu tư sẽ đồng loạt đẩy nhanh tiến độ thi công 3 đốt hầm kín của hầm chui HC2 và các hạng mục của hầm chui HC1, thi công song song cả 2 hầm để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Các dự án ì ạch là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân đầu tư công của TP.HCM trong quý 1 chỉ đạt 2% so với kế hoạch. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, thừa nhận năm 2023, áp lực công tác giải ngân của ngành giao thông lớn chưa từng có. Nếu trước đây tỷ lệ giải ngân trung bình mỗi năm của TP khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông, nhưng năm nay lên tới 31.000 tỉ đồng. Do đó, từ dự án lớn như Vành đai 3 cho tới tất cả các dự án nhỏ, Ban Giao thông cùng các sở, ngành, địa phương đều đang dồn toàn lực nhằm đảm bảo tối đa tiến độ các công trình. 

"Ba nút thắt lớn nhất hiện nay là giải phóng mặt bằng, thời gian phối hợp giữa các đơn vị và công tác điều hành của các chủ đầu tư. Lãnh đạo TP đã chỉ đạo Ban Giao thông cùng các sở, ngành phải trực tiếp ngồi lại, làm việc với nhau, khó ở đâu cùng gỡ ở đó, đặt mục tiêu 3 trong 1: vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công, vừa giải ngân đầu tư công. Ước tính, đến cuối quý 2, tổng thể các dự án giao thông của TP sẽ đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 30 - 40%, đến cuối quý 3 tăng lên khoảng 70 - 75% và đến cuối năm sẽ đạt từ 90 - 95%".

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.