Các nước vùng Vịnh hưởng lợi từ giá dầu tăng: chỉ là 'ánh nắng cuối chiều'?

14/10/2022 19:59 GMT+7

Giá dầu tăng vọt do tác động từ xung đột Nga - Ukraine mang lại nguồn thu lớn cho các quốc gia vùng Vịnh, nhưng liệu điều này có còn xảy ra trong tương lai hay chỉ là sự bùng nổ nhất thời?

Không giống như phần lớn thế giới, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã mang lại cho các quốc gia vùng Vịnh cơ hội thịnh vượng thêm một lần nữa nhờ giá dầu tăng vọt, bổ sung thêm hàng trăm tỉ USD vào kho tài sản của họ. Tuy nhiên, đây có thể là lần cuối cùng họ có thể được hưởng lợi từ việc tăng giá dầu do thế giới đang hướng tới việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và dần dịch chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá dầu thế giới tăng tới mức cao nhất trong vòng 14 năm qua, dẫn đến lạm phát tăng vọt và thu hẹp nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đối với các quốc gia vùng Vịnh giàu năng lượng, đây lại là tin tốt sau cuộc suy thoái kinh tế kéo dài 8 năm vì giá dầu thấp và đại dịch Covid-19 gây ra.

Tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa tại Dubai, UAE

Reuters

Trước đó, vào thập niên 1970 và 1980 của thế kỷ trước, sau đó là đầu những năm 2000, các quốc gia vùng Vịnh đã được hưởng lợi lớn từ các đợt bùng nổ về giá dầu mỏ, tuy nhiên, họ đã phung phí tài sản vào những khoản đầu tư lãng phí và kém hiệu quả, xây dựng nhiều công trình và mua vũ khí, đồng thời phân phát tiền cho người dân. Và khi giá dầu hạ nhiệt, các quốc gia này đã rơi vào suy thoái kinh tế, ngân sách thâm hụt rất lớn.

Do đó, đợt tăng giá dầu hiện nay được coi là "cái phao" cho nền kinh tế đang suy thoái của các quốc gia vùng Vịnh.

Mỹ tuyên bố sẽ có hành động trừng phạt Ả Rập Xê Út vì giảm nguồn cung dầu

Hưởng lợi từ giá dầu tăng kỷ lục

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nhà xuất khẩu năng lượng Trung Đông sẽ thu về khoảng 1,3 ngàn tỉ USD trong vòng 4 năm tới nhờ sự bùng nổ giá dầu mỏ hiện nay. Với số doanh thu xuất khẩu dầu mỏ tăng thêm này, các quốc gia vùng Vịnh sẽ có thặng dư ngân sách lần đầu tiên kể từ năm 2014. Dự kiến, tăng trưởng kinh tế ở khu vực này cũng sẽ tăng tốc đáng kể.

Trong 4 tháng đầu năm nay, nền kinh tế Ả Rập Xê Út tăng trưởng 9,9%, mức cao nhất trong một thập niên qua. Ngược lại, nền kinh tế Mỹ thu hẹp xuống mức tăng trưởng chỉ còn 1,5%.

Hơn nữa, chiến tranh cũng đã mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất khí đốt trong khu vực. Trong nhiều thập niên, các nước châu Âu đã chọn nhập khẩu khí đốt từ Nga qua đường ống thay vì vận chuyển khí đốt từ các quốc gia xa xôi bằng đường biển. Tuy nhiên, sau khi loại bỏ khí đốt của Nga, châu Âu đang tìm kiếm đối tác tiềm năng ở Trung Đông để mua, trong đó Qatar hiện đã cam kết cung cấp 1/2 tổng công suất khí đốt của mình cho châu Âu trong thời gian 4 năm.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký các thỏa thuận khí đốt với Ai Cập và Israel - cả hai quốc gia đều là những trung tâm khí đốt tự nhiên đầy tham vọng trong khu vực. Trong chuyến thăm Paris vào tháng này, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan đã ký một thỏa thuận đảm bảo việc xuất khẩu dầu diesel của UAE sang Pháp.

Mặc dù, điều quan trọng của đợt tăng giá này là giúp các quốc gia vùng Vịnh thoát khỏi suy giảm kinh tế, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chu kỳ tăng giảm là tất yếu và họ không nên lãng phí nguồn lợi nhuận khổng lồ này như những thời kỳ trước. Các quốc gia vùng Vịnh cần tận dụng tối đa lợi nhuận thu được để đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.

Ngay từ tháng 5, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có báo cáo khuyến nghị, lợi nhuận khổng lồ mà các nước vùng Vịnh thu được sau đại dịch và từ cuộc xung đột Nga - Ukraine phải được đầu tư vào “quá trình chuyển đổi kinh tế và môi trường. Hơn nữa, việc tập trung đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng.

Hiện nay, cho dù tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới để bổ sung cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga nhưng các quốc gia phương Tây vẫn đang nỗ lực hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo. Đây cũng là xu thế tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhà nghiên cứu cấp cao Karen Young thuộc Trung tâm Columbia về Chính sách Năng lượng Toàn cầu đánh giá rằng sự bùng nổ giá dầu mỏ hiện nay rất khác so với các cuộc bùng nổ giá dầu mỏ trước đây bởi nó không chỉ dừng lại ở một cuộc khủng hoảng nhiên liệu, mà chứng tỏ có một sự thay đổi lớn về cấu trúc và cách chúng ta đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Nhà Trắng nói OPEC+ 'đứng về phía Nga' khi giảm mạnh sản lượng dầu

Sự thức tỉnh của các quốc gia vùng Vịnh?

Dường như các quốc gia vùng Vịnh đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế. Kể từ đợt bùng nổ dầu mỏ cuối cùng kết thúc vào năm 2014, 4 trong số 6 quốc gia vùng Vịnh đã áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó, UAE đi đầu trong việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi không có quốc gia vùng Vịnh nào áp dụng thuế này.

Ả Rập Xê Út đã và đang đầu tư sang lĩnh vực du lịch để đang dạng hóa nền kinh tế, tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra hoài nghi về việc doanh thu từ lĩnh vực du lịch có thể bù đắp cho doanh số khổng lồ từ dầu mỏ. Tính theo thời giá hiện nay, Ả Rập Xê Út đang thu khoảng 1 tỉ USD/ngày từ dầu mỏ.

Tuy nhiên, không phải quốc gia vùng Vịnh nào cũng đi theo hướng này khi nhiều nước cho rằng nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chính và khó mà bị loại bỏ cho dù có chuyển hướng sang sử dụng năng lượng thay thế. Họ khẳng định dầu mỏ đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, nhu cầu về dầu thô gia tăng khi thế giới dần gỡ bỏ các chế liên quan đại dịch Covid-19.

Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế có trụ sở tại Paris cho biết dự kiến nhu cầu dầu mỏ ​​sẽ tăng mạnh trong năm tới do Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch và nhu cầu du lịch toàn cầu gia tăng.

UAE, một trong những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã cảnh báo rằng việc chuyển đổi quá nhanh khỏi nhiên liệu hóa thạch có thể gây ra khủng hoảng kinh tế. Theo Sultan Al Jaber, Đặc phái viên của UAE về biến đổi khí hậu, các chính sách nhằm thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch quá sớm mà không có các giải pháp thay thế khả thi thích hợp là tự thất bại; đồng thời nhấn mạnh, việc này sẽ phá hoại an ninh năng lượng, làm xói mòn sự ổn định kinh tế và sẽ khiến nguồn ngân sách đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng ít đi.

Nhà nghiên cứu Karen Young cũng phải thừa nhận rằng ngay cả khi các nền kinh tế rời bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng nguyên liệu tái tạo thì nhu cầu về các sản phẩm từ dầu mỏ như hóa dầu và nguyên liệu vẫn tiếp tục còn.

Tuy nhiên, về lâu dài, cho dù nhu cầu về các sản phẩm từ dầu mỏ không chấm dứt nhưng sự biến động về giá giúp các quốc gia vùng Vịnh được hưởng lợi lớn như thời kỳ trước đây và giai đoạn hiện nay có thể không xảy ra một lần nữa với mức độ hoặc tần suất tương tự. Dường như đây chỉ là sự bùng nổ nhất thời và giống như “ánh nắng cuối chiều”. Chính vì vậy, các quốc gia vùng Vịnh cần phải tận dụng cơ hội này một cách tối đa, sử dụng nguồn lợi nhuận thu được từ dầu mỏ một cách hiệu quả để đầu tư hợp lý, đa dạng nền kinh tế, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ, từ đó có được sự tăng trưởng và phát triển bền vững cho tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.