Cách nào để 'giải cứu' pin cũ không dùng nữa?

24/07/2022 14:39 GMT+7

Với thông điệp bảo vệ môi trường trước những rác thải độc hại, các bạn trẻ tại TP.HCM mang hàng trăm viên pin đã qua sử dụng đến đổi quà hoặc quyên góp cho những dự án tái chế.

Đó chính là chương trình “Đổi pin lấy cây” và dự án “Giải cứu pin cũ” do chính các bạn trẻ thực hiện.

“Đổi pin lấy cây”

Thượng Hải

Đổi rác nhận quà

Một viên pin đã qua sử dụng nếu không được xử lý đúng quy trình sẽ gây ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm. Nhận thức được những tác hại nghiêm trọng đó, các bạn trẻ đã tổ chức những hoạt động nhằm thu gom pin cũ như “Đổi pin lấy cây” và “Giải cứu pin cũ” tại TP.HCM trong cuối tuần này.

Trong dự án “Đổi pin lấy cây”, mỗi 5 viên pin cũ được trao đi thì người tham gia sẽ nhận được một chậu sen đá hoặc xương rồng.

Anh Hoàng Quý Bình, người đứng đầu dự án “Đổi pin lấy cây”, chia sẻ: “Hoạt động này giúp tăng cường nhận thức về tác hại của pin cũ và việc tặng cây có thể tạo cho mọi người thói quen tiêu dùng xanh”.

Người trẻ đổi pin lấy cây tại sự kiện của “Nhà nhiều lá”

Thượng Hải

Những viên pin cũ sau khi được thu gom sẽ được chuyển đến một công ty môi trường để xử lý những những độc tố trong pin và tái chế thành gạch sinh thái.

Các cộng tác viên của dự án đa phần là học sinh, sinh viên tại TP.HCM. Họ chia thành hai ca trực sáng và chiều hỗ trợ đổi pin, tặng cây cho người tham gia. Đây là lần thứ hai sự kiện được tổ chức sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong các dự án sắp tới, anh Bình hy vọng sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động đổi rác lấy cây khác như đổi giấy cũ, đồ nhựa…

Cầm trên tay những chậu sen đá nhỏ, Ngọc Phụng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết: “Tôi chưa bao giờ tham gia những hoạt động đổi rác lấy cây lần nào nên cảm thấy chương trình rất hay. Trước đây, trong nhà có pin cũ và tôi không biết đem đến đâu để xử lý. Giờ đây, tôi có thể chủ động để dành pin lại để đổi cây. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình ý nghĩa như thế này”.

Bảo vệ “hành tinh xanh”

“Giải cứu pin cũ” cũng chính là một trong những mảnh ghép xanh hướng đến mục tiêu xây dựng một trái đất xanh, sạch, đẹp. Đây là dự án được thành lập bởi một nhóm sinh viên với sứ mệnh nâng cao nhận thức về tác hại của pin và xây dựng thói quen xử lý pin đã qua sử dụng. Đối tượng của dự án hướng tới chủ yếu là các công ty, văn phòng và các hộ gia đình.

Thu hồi pin đã sử dụng tại dự án “Giải cứu pin cũ”

Phương Thảo

Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó chủ nhiệm dự án, cho biết, tính đến nay, các thành viên của “Giải cứu pin cũ” đã xây dựng được 17 trạm thu hồi pin cũ ở TP.HCM. Hạnh cho hay mục tiêu ban đầu là thu gom 800 viên pin cũ, nhưng đến nay dự án đã thu về khoảng 7.000 viên pin, nặng 130 kg.

Mới đây, nhóm của Hạnh vừa đặt một trạm thu gom pin cũ tại Trường ĐH Văn Lang nhằm khuyến khích sinh viên và giảng viên mang pin đã qua sử dụng đến quyên góp, tránh thải ra môi trường. Chỉ trong vòng 5 ngày, trạm thu về khoảng 20 kg pin cũ. Trong tương lai, nhóm sẽ mở rộng thêm các dự án mới, đặc biệt là dự án về nhựa tái chế, thông qua việc thu gom, phân loại nhựa và lan tỏa thông điệp hạn chế dùng đồ nhựa.

Một trong những điểm tập kết pin cũ

Phương Thảo

Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận Kỹ năng mềm - Trung tâm Phát triển Năng lực Sinh viên - Trường ĐH Văn Lang, nhận xét: “Dự án ‘Giải cứu pin cũ’ đã giúp cho cộng đồng, đặc biệt người trẻ nhận thức rõ tác hại của pin cũ đến môi trường. Đặc biệt, đây là dự án được người trẻ thực hiện, chứng tỏ các bạn đã thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội và nơi sinh sống”.

Những hoạt động thu gom pin cũ từ “Đổi pin lấy cây” và “Giải cứu pin cũ” phần nào cho thấy không ít người trẻ quan tâm đến các biện pháp bảo vệ môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.