Cách nào 'phá rào' phát triển Open Banking - ngân hàng mở tại Việt Nam?

08/12/2023 07:05 GMT+7

Mô hình Open Banking (ngân hàng mở) được nhận định giúp đem lại nhiều ích lợi cho cả người tiêu dùng lẫn các ngân hàng. Tuy nhiên, muốn phát triển Open Banking tại Việt Nam, rất cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Kỷ nguyên của Open Banking

Thời gian qua, một trong những công nghệ đột phá gắn với cách mạng công nghệ 4.0 cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo.

Nhiều thách thức phát triển Open Banking - ngân hàng mở tại Việt Nam - Ảnh 1.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo

ĐT

Phát biểu tại hội thảo "Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở" chiều 7.12, tại Hà Nội, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chia sẻ, chuyển đổi số của ngành ngân hàng là khách hàng sử dụng được tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch.

Về khía cạnh kỹ thuật, chuyển đổi số là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Khẳng địnhh ngành ngân hàng đã manh nha triển khai Open API và Open Banking, như VietinBank hay BIDV đã có Open API cho phép các đối tác của mình vào để kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu…, song theo Phó thống đốc, hiện nay phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng chứ chưa có chuẩn chung.

"Thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API khiến các đơn vị fintech (công nghệ tài chính) phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào một chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng?", ông Phạm Tiến Dũng nêu vấn đề.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, chia sẻ: "Khi mỗi người thức dậy mỗi ngày, nhu cầu của họ không phải đến ngân hàng mà là đi lại, mua sắm, ăn uống; những ứng dụng họ sẽ truy cập có thể kể đến như Grab, Agoda, Shopee... Nếu ngân hàng không lồng ghép hoạt động của mình vào quy trình hàng ngày của khách hàng thì nhanh chóng bị loại sang một bên".

Vì thế, xu hướng Open Banking ra đời. Ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng đến khách hàng qua kênh của mình mà nhận thấy tiềm năng lớn là ứng dụng số, khách hàng ngày nào cũng dùng. "Tóm lại, ngân hàng cung cấp dịch vụ không chỉ qua kênh của mình mà qua các đối tác, ứng dụng số tới khách hàng. Đó là xu thế Open Banking", ông Lân nói.

Nhiều thách thức phát triển Open Banking - ngân hàng mở tại Việt Nam - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội thảo

ĐT

Cũng khẳng định "hiện nay, chúng ta đang nằm trong kỷ nguyên Open Banking, xu hướng mới nhất trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng", ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số (BIDV), nhìn nhận khái niệm và các dạng công nghệ liên quan đến Open Banking rất phức tạp.

Do đó, quan trọng nhất hiện nay là khái niệm và mô hình này được truyền bá, thống nhất xuyên suốt từ ban lãnh đạo trong ngân hàng đến tất cả những người triển khai, để có một ngôn ngữ chung, hướng tới mục tiêu chung là phát triển mô hình Open Banking thành công tại ngân hàng.

Phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng

Theo ông Lân, Open Banking là xu thế không còn mới nhưng có nhiều hành lang pháp lý chưa được làm rõ. Thứ nhất, giấy phép ngân hàng là có điều kiện, dịch vụ ngân hàng có điều kiện, nếu cung cấp dịch vụ ra ngoài cho đối tác khác thì trách nhiệm cho đúng pháp luật thuộc về ai?

Điểm thứ hai được ông Lân đề cập tới là chưa có đơn vị thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ 3 được cấp phép sử dụng Open API của ngân hàng.

Mô hình ngân hàng mở hoạt động dựa trên nền tảng API mở để kết nối với nhiều bên, nên việc mỗi bên đang có tiêu chuẩn riêng về kết nối, nền tảng công nghệ lõi để đảm bảo yêu cầu chất lượng dịch vụ cung cấp đã tạo nên các hợp tác đan chéo, tốn nguồn lực và chi phí.

Vì vậy, để triển khai hiệu quả ngân hàng mở cần có tiêu chuẩn chung về kết nối, cho phép chia sẻ dữ liệu ngân hàng mở của khách hàng (gồm thông tin khách hàng, thông tin giao dịch, số dư tài khoản khách hàng, điểm tín nhiệm tài chính của khách hàng…).

Ông Đoàn Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước)

Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch Công ty CP Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service) - đơn vị sở hữu thương hiệu ví điện tử MoMo, phân tích với mô hình ngân hàng truyền thống, việc chia sẻ dữ liệu khách hàng cho bên thứ 3 trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng luôn là tiêu chí hàng đầu của các ngân hàng.

Tính an toàn, bảo mật thông tin phải được giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro vận hành phát sinh trong quá trình triển khai Open Banking. Như vậy, mô hình này cần có tiêu chuẩn chung, sự chia sẻ dữ liệu từ các ngân hàng, fintech; trong khi đó, hiện tại chưa có khung pháp lý để điều chỉnh nội hàm này.

Cũng nhắc tới vấn đề đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng, ông Lân nhấn mạnh: "Khi ngân hàng cung cấp API với các đối tác thứ 3 và ngược lại, cần phải được sự đồng ý của khách hàng để đảm bảo dữ liệu cá nhân của khách hàng được sử dụng đúng mục đích. Nếu muốn phát triển mạnh hơn nữa thì phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho người sử dụng và người cung cấp API".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.