Cách ‘trị’ những 'hội thiếu nợ dai'

06/07/2023 17:15 GMT+7

Trong trường hợp người mượn nợ không tự giác trả hay viện lý do để né tránh, nhiều người trẻ đã có những cách “trị” đầy khéo léo, để đòi được tiền nhưng vẫn giữ được sự tinh tế.

Đã có rất nhiều trường hợp vì chuyện mượn nợ dẫn đến mất lòng, mối quan hệ bạn bè rạn nứt. Vì vậy, mỗi người cần phải cẩn trọng, khéo léo khi rơi vào trường hợp bị người mượn nợ không tự giác trả, hoặc viện lý do để né tránh.

Tạo điều kiện trả bằng thẻ tín dụng

Có rất nhiều lý do để một người mượn nợ không trả đúng hẹn, có thể là họ đang thật sự gặp khó khăn, hay lỡ quên... vì vậy một lời nhắc nhở tế nhị, chân thành luôn là cách mà Nguyễn Thị Ngọc Quý (30 tuổi), làm việc tại 94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM) áp dụng.

Cách ‘trị’ những người mượn nợ nhưng không tự giác trả của người trẻ - Ảnh 1.

Thái độ cư xử khéo léo khi mượn nợ và trả nợ được nhiều người chú trọng để giữ hòa khí trong mối quan hệ bạn bè

CHỤP MÀN HÌNH

Chị Quý cho biết việc cho mượn tiền rất nhạy cảm nên chị chỉ cho những người bạn đã quen biết từ lâu hoặc thân thiết mượn và số tiền thường dưới 1 triệu đồng. Vì số tiền không quá lớn và những mối quan hệ cũng khá thân thiết nên đôi khi ngại đòi. Bản thân chị Quý cũng đã rơi vào trường hợp bị một người bạn mượn 800.000 đồng mà 6 tháng vẫn chưa hoàn trả.

“Trước đó cũng đã nhắn tin thông báo là mình đang cần tiền nên mong người bạn kia hoàn lại tiền nhưng họ chỉ “ok” mà không trả ngay lúc đó. Đến tháng thứ 6, trong một lần đi siêu thị mình đã cố tình mua sắm hết 780.000 đồng, sau đó lúc thanh toán mình đã nói là quên tiền ở nhà và nhờ người đó thanh toán giúp. Vì sử dụng thẻ tín dụng nên người bạn này cũng vui vẻ thanh toán mà cũng không có ý kiến gì. Khi về nhà mình mới đề cập đến vấn đề là bạn còn thiếu tiền mình nên món nợ đó đã được giải quyết”, chị Quý chia sẻ.

Theo chị Quý, nếu trong trường hợp đòi quá nhiều lần mà người được cho mượn vẫn cố tình né tránh, không có lời giải thích rõ ràng thì cũng nên chuẩn bị tinh thần mất luôn số tiền đó và kết thúc mối quan hệ độc hại. Chị Quý cho biết, khi được người khác cho mượn tiền, dù ít, dù nhiều thì mỗi cá nhân phải có tinh thần tự giác, nếu như đến hạn mà chưa đủ khả năng chi trả thì nên có động thái chia sẻ, trấn an để người cho mượn thấy yên tâm. 

Nhờ ví điện tử hỗ trợ

Vì là sinh viên nên Nguyễn Thị Thanh Trúc, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chưa có nhiều tiền nên việc cho bạn bè mượn vài trăm nghìn đồng cũng là vấn đề đáng để suy nghĩ. Nữ sinh cho biết từng cho một người bạn mượn 300.000 đồng và được hứa sẽ trả sau 2 tháng nhưng đến tháng thứ 3 vẫn chưa thấy động tĩnh. Vì xót tiền và cũng ngại đòi nên nhân dịp lễ 30.4 vừa rồi nữ sinh đã sử dụng tính năng đòi tiền mừng lễ, tiền lì xì trên một ví điện tử. Trúc cho biết khi nhận được thông báo, người bạn kia đã nhớ đến việc lỡ hẹn trả tiền nên đã lập tức chuyển lại và gửi lời xin lỗi.

Cách ‘trị’ những người mượn nợ nhưng không tự giác trả của người trẻ - Ảnh 2.

Việc gửi yêu cầu tiền lì xì thông qua ví điện tử cũng là cách khéo léo để nhắc đối phương trả tiền

KIM NGỌC NGHIÊN

“Trên các ví điện tử hiện nay khi hoàn thành giao dịch, chúng ta sẽ nhận được một món quà bất ngờ như mã giảm giá… vì vậy tận dụng các giao dịch này để yêu cầu được trả tiền thì người bị đòi cũng cảm thấy không phiền lòng, áp lực. Ngoài ra, mình hay đăng một vài dòng trên story (bài đăng chỉ xuất hiện 24 giờ trên mạng xã hội) kể khổ và cần tiền để người đang thiếu nợ mình thấy được thì họ sẽ có động thái phản hồi. Mình cũng chỉ cho bạn bè xung quanh mượn ít tiền nên khi chưa thể trả được đúng hẹn thì cũng chỉ cần một lời nói kiểu “Mình chưa có tiền kịp để gửi lại, cho mình thêm vài tuần” thì mình cũng chẳng hẹp hòi gì, miễn là chúng ta cư xử văn minh với nhau”, Trúc chia sẻ.

Còn với Nguyễn Thị Ngọc Châu, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lại chọn cách yêu cầu trả tiền bằng hiện vật. Nữ sinh cho biết đã từng mua lại sách cũ và bánh tráng của một người bạn để tạo điều kiện cho người đó trả tiền.

“Thấy bạn đó gặp khó khăn nên mình gợi ý lấy lại những quyển sách cũ và bánh tráng của bạn đang bán để trừ đi số tiền 200.000 đồng. Mình nghĩ cách này vừa giúp mình lấy lại được số tiền, vừa không gây áp lực lên bạn của mình. Có rất nhiều cách yêu cầu trả tiền để khiến đối phương không bị tổn thương, buồn lòng, thêm một người bạn, bớt đi một kẻ thù vì vậy mình luôn cẩn trọng để giữ hòa khí”, Châu chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.